Thể thao

Đổi thay nhìn từ sân bóng đá “phủi”

ClockThứ Ba, 03/05/2022 06:43
TTH - Từ bóng đá hè phố, nơi sân ruộng hay sân cỏ của một thời cho đến bóng đá “phủi” hiện nay là bước tiến dài của bóng đá không chuyên hay phong trào.

CLB Bóng đá Huế bị cầm chân trên sân nhàCLB Bóng đá Huế chưa thể gây bất ngờ trên sân Tam Kỳ

Pele từng là một cầu thủ bóng đá nghiệp dư tham gia nhiều giải bóng đá “phủi” cho địa phương của ông. Ảnh: elipsport.vn

“Phủi” để giải khuây

Chuyện rằng, trước khi trở thành “vua bóng đá”, Pele từng là một cầu thủ bóng đá nghiệp dư tham gia nhiều giải bóng đá “phủi” cho địa phương của ông. Sau đó, tài năng của ông được tìm thấy và chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp. Pele được xem là cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại.

Thời của Pele và của nhiều thiên tài bóng đá là thứ bóng đá hè phố, bóng đá cởi trần, bóng đá tự do và cũng đồng thời như ở nước ta là mô hình bóng đá phong trào, không chuyên. Còn bây giờ, nó mang một danh xưng mới, là… bóng đá “phủi”, thoạt nghe có vẻ tự do và bụi bặm. Len lỏi khắp phố phường và cả làng quê nữa, “phủi” không phân biệt nghề nghiệp và tuổi tác. Chỉ cần ai kia có đam mê và yêu thích bóng đá, thì có thể là bảo vệ, nhân viên văn phòng, sinh viên… cũng đều trở thành cầu thủ “phủi”. Vậy nhưng, cứ thử một lần đến các sân bóng “phủi” mà xem, đó là cả một mơ ước khi các cầu thủ được thi đấu trên những sân cỏ nhân tạo, dưới ánh đèn điện dịu mát và đều đồng phục quần đùi, áo số sang trọng.

Chưa phát triển như ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, nhưng Huế cũng có thể tự hào khi ngày càng xuất hiện nhiều sân cỏ nhân tạo. Một trang mạng xã hội mới đây khảo sát và đưa ra danh sách bảy sân bóng nhân tạo có tiếng ở Huế, gồm An Cựu City, Uyên Phương, Monaco, Đại học Luật, Lâm Hoằng, Đại học Khoa học và Xuân Phú League. Nhà tôi ở gần sân cỏ nhân tạo Đại học Luật. Tuổi già, bụng to và không còn khả năng chạy theo trái bóng tròn nhưng mê đá bóng. Buổi chiều rảnh rỗi, xem các bạn trẻ đá bóng cũng là một cách để ông già U60 như tôi thư giãn mà như thời điểm này đang vào hè, sân bóng Đại học Luật thường xuyên sáng đèn.

Sân bóng cỏ tự nhiên cũng nhiều hơn trước. Ảnh: HT

Giải đấu bóng đá “phủi”

Một trong những sự kiện trọng đại của làng bóng “phủi” Cố đô là mới đây, lần đầu tiên Giải bóng đá phủi (sân 7) hạng Nhất Thừa Thiên Huế lần I/2022 (TL1-S1) tranh cúp Xăng dầu Vinh Thanh được tổ chức trên sân cỏ nhân tạo Uyên Phương (phường Tây Lộc, TP. Huế). Trong ngày khởi tranh, các cầu thủ “phủi” vinh dự chào đón ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tới thăm.

Chưa nói đến lượng khán giả đông đảo, chỉ cần tham khảo vài con số cũng đã thấy mừng cho phong trào bóng đá “phủi” quê nhà. Giải đấu thu hút tới 12 đội bóng phong trào xuất sắc nhất trên địa bàn tỉnh. Tại giải, các đội chia làm 3 bảng, đá vòng tròn 1 lượt chọn 2 đội nhất - nhì mỗi bảng và 2 đội đứng thứ 3 có thành tích tốt nhất vào tứ kết. Chỉ là “phủi” thôi nhưng cũng rất oách khi ở trận chung kết có đặt camera tại 4 góc sân để khi các đội có khiếu nại, trọng tài sẽ sem lại các video quay chậm (tương tự công nghệ VAR) để đưa ra quyết định cuối cùng.

Chuẩn bị viết bài này, tôi vô trang phây “Phủi Huế” và khá bất ngờ khi được biết “ơi ới” là những thông tin về các giải đấu bóng đá “phủi”. Nào giải sinh viên ở Huế, giải tranh cúp Bia Việt, giải ở Phú Vang, ở Chân Mây, rồi vòng chung kết giải trung học phổ thông toàn tỉnh… Chợt nhớ sau ngày giải phóng, quê hương mình vui như hội. Sau bao năm chiến tranh, hòa bình về nở rộ phong trào bóng đá, từ thôn xóm lên xã phường đến huyện thị. Tôi khi đó là cậu bé học sinh trường làng, đi học về là chạy vội ra sân bóng, có khi là mảnh ruộng ven nhà vừa gặt xong cùng với trái banh nhựa toe tua. Mỗi lần hay tin đội bóng xã nhà thi đấu, bất chấp đường sá xa xôi hay nắng cháy rát da, tôi đều thường xuyên góp mặt.

Gần đây, các sân bóng nhân tạo được đầu tư bài bản. Ảnh: HT

“Phủi” nay đã khác xưa?

Xét về tính chất thì bóng đá “phủi” nay không khác nhiều so với loại bóng đá hè phố của Pele hay tạm gọi là bóng đá “làng” của tôi và bạn bè. Và như tôi đã trình bày, đó cũng là thứ bóng đá phong trào hay nghiệp dư, chơi để giải trí và rèn luyện. Thế nhưng, cũng là “phủi” nhưng nó có nhiều khác biệt so với bóng đá “phủi” trong ý tưởng hiện nay.

Đầu tiên là sân chơi, bóng đá “phủi” hiện nay thi đấu trên sân cỏ nhân tạo, sang trọng và an toàn hơn hẳn sân hè phố hay sân đất xưa. Đó là sân bóng 7 người, khác với sân bóng 11 người truyền thống và sân bóng trong nhà (futsal) hay sân bóng đá “mù” dành cho người khiếm thị chỉ có 5 người. Luật chơi cũng có nhiều khác biệt, chẳng hạn như không tính việt vị hay không đá biên. Sân bóng được đầu tư hiện đại, vậy nên tham gia chơi bóng phải tốn tiền. Với sự đi lên như bây chừ của bóng đá “phủi”, giá thuê sân cũng ngày càng tăng, cùng với đó là những phát sinh, hệ lụy khác.

“Ăn chơi chẳng sợ tốn kém”. Đổi lại cho những khoản tiền vừa phải bỏ ra kia là những phút giây thư giãn trên sân bóng thì cũng thật “xứng đáng đồng tiền, bát gạo”. Nói như ông Ngô Phước Tuần, Trưởng ban tổ chức tại lễ khai mạc Giải bóng đá phủi hạng Nhất Thừa Thiên Huế lần I, đây là cơ hội để những người đam mê bóng đá phong trào có dịp gặp gỡ, kết nối đam mê bóng đá, xây dựng cộng đồng bóng đá phong trào Thừa Thiên Huế vững mạnh. Còn ai đó như tôi đã đến tuổi chuẩn bị nghỉ hưu (nói nhỏ là còn mấy năm nữa!), thì cái sân bóng phong trào ngày càng hiện đại kia rất ấn tượng. Nó là chứng nhân cho thấy sự đổi thay vượt bậc của quê hương và đất nước qua nửa thế kỷ phát triển, sau ngày thống nhất nước nhà.

ĐÌNH NAM

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay cuộc sống người Mường ở Khe Su

Nằm nép mình dưới chân dãy Bạch Mã hùng vĩ, thôn Khe Su, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, là nơi cư trú của một cộng đồng nhỏ người Mường. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm từ các cấp chính quyền, người dân nơi đây đã vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.

Đổi thay cuộc sống người Mường ở Khe Su
Thị xã trẻ

Đi trên những con đường mới, ngắm nhìn những ngôi nhà dáng vẻ hiện đại và không ít công trình phúc lợi dân sinh bề thế hiện hữu ở Phong Điền cho thấy nơi đây đang vươn mình mạnh mẽ, xứng tầm đô thị động lực phía bắc của tỉnh.

Thị xã trẻ
Đổi thay tại Trường mầm non Phong Hiền II

Huy động tốt nguồn lực từ xã hội hóa, sự chung tay góp sức của địa phương, phụ huynh và cán bộ, giáo viên trong trường đã giúp Trường mầm non Phong Hiền II từ một điểm trường “trắng” về thành tích trở thành trường đạt chuẩn Quốc gia và hai lần nhận cờ thi đua của UBND tỉnh.

Đổi thay tại Trường mầm non Phong Hiền II
Tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em

Sáng 29/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức hội thi Rung chuông vàng “Tìm hiểu về Quyền Trẻ em” và Ngày hội giao lưu “CLB thủ lĩnh của sự thay đổi” năm 2024. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch Dự án 8 “Thực hiện Bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em năm 2024” và chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6.

Tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Return to top