Thế giới

"Phát huy uy tín, để lại hình ảnh đẹp của Việt Nam trong lòng bạn bè"

ClockThứ Sáu, 30/04/2021 09:14
Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, thành quả lớn nhất của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Bảo an là giữ được uy tín đất nước và hình ảnh của Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìnViệt Nam kêu gọi tăng nỗ lực thực hiện hiệp định hòa bình tại MaliViệt Nam tiến hành các hoạt động chính thức trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc

Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)

Phiên họp tổng kết các hoạt động trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2021 của Việt Nam đã diễn ra chiều 29/4 (giờ New York).

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã trả lời phỏng vấn TTXVN về lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Nội dung quan trọng nhất trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là phiên họp trực tuyến bàn về thúc đẩy hợp tác Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực vừa qua. Đại sứ đánh giá phiên họp này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam nói riêng và Hội đồng Bảo an nói chung trong bối cảnh quốc tế hiện nay?

Đại sứ Đặng Đình Quý: Hiện tại phần lớn các cuộc xung đột ở khắp nơi trên thế giới đều là những cuộc xung đột kéo rất dài, một số cuộc dài tới cả thập kỷ và có những cuộc đã diễn ra nhiều thập kỷ mà một trong những nguyên nhân quan trọng kéo dài các cuộc xung đột đó là thiếu lòng tin và không có đối thoại, các bên xung đột không ngồi xuống đối thoại với nhau.

Về vấn đề này, các tổ chức khu vực có những thế mạnh riêng. Họ hiểu tình hình, họ hiểu các bên xung đột, và họ biết các biện pháp thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại.

Liên hợp quốc cũng có những thế mạnh riêng bởi họ là tổ chức toàn cầu, có thể đem nguồn lực từ nơi này sang hỗ trợ nơi kia, đem kinh nghiệm thành công và không thành công của nơi này để chia sẻ với nơi kia thế nhưng vấn đề tồn tại lâu nay là hiệu quả phối hợp giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, tiểu khu vực trong vấn đề xây dựng lòng tin và thúc đẩy đối thoại luôn luôn có vấn đề cho nên cuộc thảo luận mở có sự hiện diện rất cao của lãnh đạo các nước dưới sự chủ trì của chủ tịch nước ta có rất nhiều ý nghĩa với các bên.

Với các tổ chức khu vực thì đây là cơ hội để họ chia sẻ, nói lên vấn đề của mình; với Liên hợp quốc mà đại diện là Tổng Thư ký và nguyên Tổng Thư ký thì cũng nói lên câu chuyện Liên hợp quốc có thể làm được gì, chia sẻ được gì, hỗ trợ được gì để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa hai bên.

Với Hội đồng Bảo an thì đây là dịp để các thành viên Hội đồng Bảo an bày tỏ quan điểm của mình về câu chuyện quan trọng này, đồng thời nó là quá trình học tập, thông qua sự kiện này nâng cao nhận thức của họ về những việc cần phải làm.

Đối với Việt Nam chúng ta thì việc tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực và tiểu khu vực là một trong những ưu tiên trong chương trình nghị sự khi chúng ta tham gia Hội đồng Bảo an.

Ngay trong tháng Chủ tịch đầu tiên (2020) chúng ta đã tổ chức cuộc thảo luận mở về Hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN rất thành công thì cuộc lần thứ hai này cũng với chủ đề như thế là hành động cụ thể thực hiện lời hứa của mình, cho nên rất có ý nghĩa.

Đồng thời đây cũng là dịp chúng ta quảng bá hình ảnh ASEAN bởi từ khi ASEAN ra đời năm 1967 đến nay thì ASEAN là một trong các tổ chức rất thành công trong việc tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin và thúc đẩy đối thoại cho nên cuộc này có ý nghĩa với rất nhiều bên và được các bên đánh giá rất cao.

Với tư cách đại diện duy nhất của ASEAN là ủy viên Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ này, Việt Nam đã thể hiện ra sao vai trò kết nối ASEAN và Liên hợp quốc trong giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar hiện nay cũng như giải quyết nhiều vấn đề khác trong suốt hơn môt năm qua?

Đại sứ Đặng Đình Quý: Hiện nay cộng đồng quốc tế và đặc biệt Hội đồng Bảo an có sự quan tâm rất lớn đối với tình hình Myanmar, thế nhưng với những diễn biến ở Myanmar thì mỗi nước có một cách nhìn khác nhau, quan điểm khác nhau và lợi ích khác nhau, đôi khi đối chọi lẫn nhau. Vấn đề đặt ra là phải tìm ra giải pháp tối ưu để hỗ trợ cho Myanmar giải quyết vấn đề của chính họ.

Từ năm ngoái đến năm nay và đặc biệt từ khi sự kiện Myanmar xảy ra vào tháng 2 thì chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực để làm cho thế giới hiểu được tính chất phức tạp của tình hình cũng như lịch sử của nó và thế giới phải có một cách tiếp cận rất thận trọng đối với tất cả các bên tại Myanmar để làm sao có giải pháp tối ưu cho Myanmar vào lúc này.

Chúng ta giải thích các bước đi của ASEAN làm, chúng ta giải thích quan điểm của ASEAN làm và kêu gọi các nước trong Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế hỗ trợ nỗ lực của ASEAN để giúp Myanmar giải quyết vấn đề của họ.

Ngược lại, chúng ta cũng làm vai trò cầu nối để chuyển tải những quan tâm của Hội đồng Bảo an, của từng nước và nhóm nước trong Hội đồng Bảo an tới ASEAN, trong đó có cả chính quyền ở Myanmar và những bước họ sắp làm.

Với những cách như thế, chúng ta làm vai trò cầu nối và mục tiêu chung là tìm ra giải pháp tối ưu vì lợi ích của nhân dân Myanmar, mà cũng vì lợi ích hòa bình và ổn định của khu vực chúng ta. Chúng ta đã làm như vậy và với các vấn đề khác của khu vực và trên thế giới chúng ta cũng làm như vậy.

Những đề xuất, sáng kiến của Việt Nam trong tháng Chủ tịch đã được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, vậy theo Đại sứ, những sáng kiến của Việt Nam sẽ góp phần mang lại những thay đổi như thế nào trong thời gian tới?

Đại sứ Đặng Đình Quý: Trong tháng Chủ tịch, chúng ta đưa ra 4 sáng kiến của Việt Nam, đặc biệt có 3 sáng kiến ra được văn kiện, gồm 2 tuyên bố chủ tịch và một nghị quyết.

Những sáng kiến ra được văn kiện như vậy có tác động rất quan trọng đối với nhận thức của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của vấn đề đó; rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách của cộng đồng quốc tế về vấn đề đó đồng thời nó có những cơ chế.

Đặc biệt, trong nghị quyết có những cơ chế để mà thúc đẩy quá trình thực hiện thì bên cạnh việc nâng cao nhận thức nó còn tạo ra những cú hích mới để cộng đồng quốc tế thúc đẩy những biện pháp giải quyết các vấn đề bức xúc trong các lĩnh vực này.

Tất nhiên tuyên bố chủ tịch hay nghị quyết cũng chỉ là trên giấy tờ, tầm quan trọng là quá trình thực hiện. Việc của chúng ta và việc của các thành viên Hội đồng Bảo an cũng như trong cộng đồng quốc tế là triển khai nó như thế nào trong thời gian tới. Như thế mới làm nên thay đổi.

Tóm lại, câu chuyện nhận thức là một quá trình, những gì chúng ta làm được trong tháng Tư vừa rồi với 4 sáng kiến, trong đó có 3 văn kiện, tạo ra một cú hích mới trong nhận thức và hành động của cộng đồng quốc tế trong những vấn đề này và đó là bước góp phần tạo nên sự thay đổi.

So với lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an (tháng 1/2020) trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực lần này, bối cảnh trong nước và quốc tế có thay đổi gì, và bối cảnh đó đặt ra những thuận lợi, khó khăn gì cho Việt Nam trong triển khai các sáng kiến của mình, thưa Đại sứ?

Đại sứ Đặng Đình Quý: So với tháng Một năm ngoái thì năm nay có hai điểm mới. Ở trong nước, Việt Nam nổi lên là một trong số ít những mô hình thành công thực hiện được hai mục tiêu kép, tiếp tục tăng trưởng kinh tế đồng thời kiểm soát dịch bệnh tốt. Trên trường quốc tế, nổi nhất là một số nước lớn thay đổi chính sách.

Điều đó làm cho chúng ta tự tin hơn trong chuyện đưa ra các sáng kiến đồng thời chủ động soạn thảo và tổ chức các cuộc tham vấn. Đó là những điểm thuận mà chúng ta đã tranh thủ được trong bối cảnh thay đổi.

Thế nhưng những thứ không thuận vẫn tồn tại từ năm ngoái, ví dụ như các nước trong Hội đồng Bảo an có quan điểm khác nhau, trong đó giữa các nước lớn trong Hội đồng Bảo an có quan điểm rất khác nhau, đối chọi lẫn nhau và trong nhiều vấn đề chúng ta đưa ra.

Ví dụ như vấn đề bom mìn, ví dụ như vấn đề bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống của dân thường, họ đều có những ý kiến khác nhau. Vấn đề là làm thế nào tìm ra mẫu số chung trong đó là rất khó và có rất nhiều văn kiện, ví dụ như Tuyên bố chủ tịch về vấn đề bom mìn, đến phút 89 tưởng là không thông qua được mà cuối cùng thông qua được. Đấy là những điểm mạnh, điểm yếu.

Ngoài ra, do đại dịch COVID-19 cho nên các phiên họp đều phải tổ chức trực tuyến cho nên đàm phán rất khó khăn. Tuy nhiên thời gian qua chúng ta đã cố gắng khắc phục những khó khăn đó và đạt được những thành quả như vừa rồi. Đấy là những cái thuận và những cái không thuận trong việc đưa ra sáng kiến và thực hiện sáng kiến.

Xin Đại sứ cho biết thành công trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an có ý nghĩa ra sao trong việc thực hiện đường lối đối ngoại đã đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua?

Đại sứ Đặng Đình Quý: Trong đường lối đối ngoại Đại hội 13 có hai điểm mới về đối ngoại đa phương: Thứ nhất là nâng tầm đối ngoại đa phương, thứ hai là thể hiện Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc là tổ chức đa phương toàn cầu lớn nhất mà trong đó Hội đồng Bảo an là tổ chức có vai trò rất lớn, trách nhiệm có thể nói là lớn nhất theo hiến chương Liên hợp quốc về bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế.

Việc chúng ta làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an thành công trong tháng Tư vừa rồi là sự thể hiện rất sinh động về việc triển khai đường lối đối ngoại đề ra trong Đại hội 13 tại diễn đàn đa phương quan trọng này.

Ngoài ra, trong tháng Tư Chủ tịch vừa rồi chúng ta cũng làm tốt một định hướng trong đại hội là làm sâu sắc hơn quan hệ song phương của chúng ta với tất cả các nước trong Hội đồng Bảo an và với các nức ngoài Hội đồng Bảo an, đặc biệt những nước nằm trong chương trình thảo luận của tháng Tư.

Chúng ta đã có quan hệ rất tốt với họ, thường xuyên liên hệ, quan tâm đến các vấn đề của họ, đối thoại với họ và để lại ấn tượng rất tốt trong quan hệ song phương của ta với các nước đó.

Khối lượng công việc Việt Nam đảm trách trong nhiệm kỳ còn rất nhiều, vậy Việt Nam mong muốn sẽ đạt được những thành quả gì trong những tháng còn lại của nhiệm kỳ, thưa Đại sứ?

Đại sứ Đặng Đình Quý: Thành quả lớn nhất của chúng ta khi tham gia Hội đồng Bảo an là giữ được uy tín của Việt Nam hay là phát huy uy tín của Việt Nam và hình ảnh của Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế. Tôi quan niệm như thế.

Chính vì vậy còn 8 tháng tới vẫn phải tiếp tục nỗ lực, đóng góp vào công việc chung của Hội đồng Bảo an, đóng góp vào công việc chung của Đại hội đồng tại các Ủy ban.

Không còn là chủ tịch vẫn có thể có sáng kiến nên phải tiếp tục suy nghĩ, tiếp tục sáng tạo để có sáng kiến. Không còn là Chủ tịch Hội đồng Bảo an vẫn phải có trách nhiệm tích cực đóng góp vào công việc chung cho nên đây là câu chuyện thường xuyên, liên tục và Phái đoàn cùng các cơ quan trong nước tiếp tục phấn đấu vì mục tiêu đó, vì uy tín và hình ảnh của Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế./.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững

Ecoba không chỉ là một cái tên, mà là dấu ấn của một cuộc cách mạng xanh trong ngành xây dựng. Được thành lập từ năm 2010, công ty đã vươn mình trở thành người tiên phong trong việc phát triển các giải pháp bền vững, kết hợp công nghệ tiên tiến với sự thấu hiểu sâu sắc về môi trường. Công ty chính là lời giải cho bài toán hiện đại hóa mà không đánh đổi thiên nhiên – một sứ mệnh khởi nguồn từ tầm nhìn vượt thời gian.

Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Văn hóa, con người Huế là nguồn lực, sức mạnh mềm

Từ những giá trị to lớn, toàn diện và sâu sắc trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và Nhân dân thành phố Huế đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn để đưa thành phố phát triển một cách đồng bộ và toàn diện. Trong đó, vấn đề văn hóa và con người được hết sức coi trọng xem đây là sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển nhanh, bền vững, toàn diện.

Văn hóa, con người Huế là nguồn lực, sức mạnh mềm
Return to top