Thế giới
Hội nghị về Nước năm 2023 của Liên Hiệp Quốc:

Nước là cốt lõi của sự phát triển bền vững

ClockThứ Ba, 21/03/2023 21:53
TTH.VN - Sẽ diễn ra tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York, Mỹ từ ngày 22/3 – 24/3, Hội nghị về Nước năm 2023 của LHQ đang được đón đợi như là “cơ hội ngàn năm có một” để đẩy nhanh tiến độ hướng tới tiếp cận phổ cập nước sạch và vệ sinh vào năm 2030.

Giải quyết khủng hoảng nước là chìa khóa cho hành động khí hậu và phát triển bền vững

leftcenterrightdel
 

Tiếp cận với nguồn nước sạch và an toàn là quyền cơ bản của con người. Ảnh minh hoạ: Getty Image

Khai mạc vào ngày mai (22/3) – Ngày Nước Thế giới, Hội nghị về Nước năm 2023 của LHQ dự kiến sẽ thông qua Chương trình Hành động vì Nước như một kết quả nổi bật, thể hiện các cam kết tự nguyện của các quốc gia và các bên liên quan nhằm đáp ứng các mục tiêu toàn cầu liên quan đến nước. 

Được biết, đây là Hội nghị cấp cao đầu tiên sau gần 50 năm của LHQ về vấn đề này, thu hút sự tham dự của 15 nguyên thủ, lãnh đạo Chính phủ, gần 80 Bộ trưởng các nước và nhiều lãnh đạo của các cơ quan LHQ, các tổ chức quốc tế.

LHQ nhấn mạnh rằng, nước là cốt lõi của sự phát triển bền vững, hỗ trợ tất cả các khía cạnh của cuộc sống trên Trái đất và tiếp cận với nguồn nước sạch và an toàn là quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, nhiều thập kỷ quản lý yếu kém và sử dụng sai mục đích đã làm gia tăng căng thẳng về nguồn nước, đe dọa nhiều khía cạnh của cuộc sống vốn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên quan trọng này.

Cuộc khủng hoảng nước toàn cầu

Nước rất cần thiết cho sức khỏe con người, cho sản xuất năng lượng và lương thực, cho một hệ sinh thái lành mạnh, cũng như trong vấn đề bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo, v.v…

Tuy nhiên, chúng ta hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước toàn cầu. Hàng tỷ người trên thế giới vẫn không được tiếp cận với nước. Ước tính, hơn 800.000 người chết mỗi năm vì các bệnh liên quan trực tiếp đến nguồn nước không an toàn, điều kiện vệ sinh không đầy đủ và thực hành vệ sinh kém.

Và nhu cầu đối với nguồn tài nguyên quý giá này vẫn tiếp tục gia tăng khi khoảng 4 tỷ người phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng trong ít nhất 1 tháng trong năm. Với vai trò rất quan trọng đối với nhiều khía cạnh của cuộc sống, việc bảo vệ và quản lý nguồn nước phù hợp để đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận công bằng với nguồn tài nguyên quý giá này chính là vấn đề thiết yếu.

Nước và khí hậu gắn bó chặt chẽ với nhau

Trong bối cảnh lũ lụt ngày càng tăng, lượng mưa khó đoán và tình trạng hạn hán, tác động của biến đổi khí hậu đối với nước có thể được nhìn thấy và cảm nhận với tốc độ ngày càng nhanh. Những tác động này đe dọa sự phát triển bền vững, đa dạng sinh học và khả năng tiếp cận nước và vệ sinh của người dân.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), các mối nguy hiểm liên quan đến nước đã gia tăng ở mức đáng báo động. Kể từ năm 2000, lũ lụt đã tăng 134%, trong khi thời gian hạn hán tăng 29%.

Thế nhưng, nước cũng có thể là một giải pháp then chốt cho biến đổi khí hậu. Việc lưu trữ carbon có thể được cải thiện bằng cách bảo vệ các môi trường như đất than bùn và đất ngập nước, áp dụng các biện pháp nông nghiệp bền vững có thể giúp giảm căng thẳng đối với nguồn cung cấp nước ngọt, đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng cấp nước và vệ sinh có thể đảm bảo rằng mọi người dân đều có quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng trong tương lai.

Do đó, nước phải là trung tâm của các chính sách và hành động về khí hậu. Quản lý nước bền vững có thể giúp xây dựng khả năng phục hồi, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ xã hội cũng như hệ sinh thái. Các giải pháp nước bền vững, giá cả phải chăng và có thể mở rộng phải trở thành ưu tiên hàng đầu.

leftcenterrightdel
 

Hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sẵn có cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. Ảnh: WMO

Nhiều cam kết táo bạo mới được đặt ra

Hội nghị về Nước năm 2023 của LHQ sẽ là một thời điểm quan trọng để quyết định hành động phối hợp nhằm “hành động và giải quyết những thách thức lớn xung quanh nguồn nước”, ông Li Junhua, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề Kinh tế và Xã hội (DESA) cho biết.

Hội nghị sẽ quy tụ những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, các Bộ trưởng và các bên liên quan trong tất cả các lĩnh vực khác nhau để cùng nhau đạt được các mục tiêu đã được quốc tế thống nhất, bao gồm Mục tiêu Phát triển Bền vững số 6 (SDG6) trong Chương trình nghị sự 2030 của LHQ vì một tương lai công bằng hơn; đảm bảo tiếp cận với nguồn nước, môi trường và điều kiện vệ sinh an toàn cho tất cả mọi người.

Được biết, một trong những kết quả chính của hội nghị sẽ là Chương trình hành động vì nước. Chương trình nghị sự nhằm mục đích khuyến khích các quốc gia thành viên, các bên liên quan và khu vực tư nhân cam kết thực hiện các hành động khẩn cấp để giải quyết các thách thức hiện nay về nguồn nước.

Mọi người cùng hành động

Hội nghị sẽ có 5 “đối thoại tương tác” để tăng cường và thúc đẩy hành động cho các vùng nước trọng điểm. Các cuộc đối thoại tương tác cũng hỗ trợ 5 nguyên tắc của Khung tăng tốc toàn cầu SDG 6, một sáng kiến nhằm mang lại kết quả nhanh chóng để đảm bảo tính sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030.

Nước là một vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Khi các quốc gia thành viên LHQ, chính phủ và các bên liên quan chuẩn bị thực hiện các cam kết về nước của họ, LHQ cũng kêu gọi mọi người dân có hành động của riêng mình. Bất kỳ hành động nào – dù nhỏ hay lớn – đều có thể giúp đẩy nhanh sự thay đổi và hành động để đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu của SDG 6.

Theo tư vấn của LHQ, một số hành động đơn giản có thể được kết hợp vào thói quen hàng ngày nhằm bảo vệ nguồn nước bao gồm: Tắm ngắn hơn và giảm lãng phí nước trong gia đình. Với 44% nước thải hộ gia đình không được xử lý an toàn, thời gian tắm ngắn hơn là một cách tuyệt vời để tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá này. 

Ngoài ra, tham gia dọn dẹp các con sông, hồ hoặc vùng đất ngập nước ở địa phương cũng là một giải pháp, bên cạnh việc trồng cây hoặc tạo khu vườn nước của riêng mỗi người. Những hành động này có thể giúp bảo vệ hệ sinh thái nước khỏi ô nhiễm và giảm nguy cơ lũ lụt cũng như trữ nước hiệu quả…

Theo Báo Chính Phủ, nhận lời mời của Tổng Thư ký LHQ António Guterres, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị LHQ rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu của Thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018 – 2022 tại New York, Mỹ. Tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ có bài phát biểu quan trọng trong Phiên toàn thể, đưa ra các đề xuất, kiến nghị với cộng đồng quốc tế để quản lý hiệu quả nguồn nước và tăng cường hợp tác quốc tế trong xử lý các thách thức về nước toàn cầu. 
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN & UNEP)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Giấy vệ sinh cuộn lớn và vai trò quan trọng trong hệ thống vệ sinh công cộng

Giấy vệ sinh cuộn lớn ngày càng trở nên phổ biến trong các hệ thống vệ sinh công cộng nhờ vào khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng cao, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường. Sản phẩm này không chỉ là vật dụng thiết yếu mà còn góp phần quan trọng trong việc duy trì môi trường sạch sẽ và an toàn cho cộng đồng.

Giấy vệ sinh cuộn lớn và vai trò quan trọng trong hệ thống vệ sinh công cộng
WC ở trường học:
Thiếu để mắt sẽ mất ý nghĩa và thành lãng phí

Đầu tư là một chuyện, còn chăm sóc, quản lý, sử dụng lại là một chuyện. Nếu thiếu quan tâm quản lý, thì các nhà vệ sinh ở trường học sẽ rất nhanh bị xuống cấp, trở nên mất vệ sinh, và rồi lại trở thành nỗi ám ảnh cho mỗi học sinh khi có nhu cầu...

Thiếu để mắt sẽ mất ý nghĩa và thành lãng phí
Hiểu Luật An ninh nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản

Đó là nội dung của hội thảo diễn ra ngày 29/10 tại TP. Huế do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội (CSRD) phối hợp tổ chức, thông qua dự án “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất định hướng phát triển thuỷ sản-mô hình nuôi cá lồng tại huyện A Lưới”. Đại diện lãnh đạo Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu (CEWAREC) và CSRD dự, chỉ đạo hội thảo.

Hiểu Luật An ninh nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản
Return to top