ClockChủ Nhật, 16/10/2016 07:14

Định kiến giới: Trẻ em gái vẫn là nạn nhân

TTH - Trẻ em gái phải làm công việc nhà không được trả lương nhiều hơn các em trai cùng trang lứa khoảng 40% (tương đương 160 triệu giờ/ngày), tỷ lệ thất học của học sinh nữ cao hơn học sinh nam đến 33%… Gánh nặng cho phụ nữ và trẻ em gái theo đó cũng gia tăng trong nhiều thế hệ qua.

Chịu nhiều thiệt thòi

Báo cáo “Sử dụng sức mạnh của số liệu cho trẻ em gái: Đánh giá và triển vọng đến năm 2030” của UNESCO mới đây cho thấy, gánh nặng việc nhà không cân xứng bắt đầu từ rất sớm, khi các em gái ở độ từ 5 – 9 tuổi, thời gian dành cho việc nhà của các em gái nhiều hơn 30% so với các bạn trai cùng độ tuổi. Con số này càng gia tăng khi các bé gái lớn lên, trong tầm từ 10 - 14 tuổi thì thời gian cho việc nhà nhiều hơn các em trai tăng lên đến 50%.

Trẻ em gái phải làm việc nhà nhiều hơn nam giới đồng trang lứa đến 40%. Ảnh: UN

Theo bà Anju Malhotra, Cố vấn trưởng về Giới của UNICEF: “Gánh nặng quá sức của việc nhà không được trả công bắt đầu từ khi còn nhỏ và càng trở nên nặng nề hơn khi các bé gái đến tuổi vị thành niên. Kết quả là, nhiều trẻ em gái phải hy sinh các cơ hội quan trọng như học hành, phát triển, giao lưu với bạn bè hay chỉ đơn thuần là cơ hội có được một tuổi thơ thực sự. Sự phân công lao động không công bằng trong trẻ em đã làm tăng định kiến giới và tăng gấp đôi gánh nặng cho phụ nữ và trẻ em gái qua nhiều thế hệ”.

Báo cáo cũng chỉ rõ: Trẻ em gái từ 10-14 tuổi ở Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi phải làm việc nhà gần gấp đôi thời gian so với các bé trai; trong đó, sự bất công cao nhất diễn ra ở Burkina Faso, Yemen và Somalia. Thống kê cho thấy, các bé gái từ 10 - 14 tuổi ở Somalia mất đến 26 giờ mỗi tuần để làm việc nhà. Không chỉ vậy, trẻ em gái cũng chịu nhiều thiệt thòi trong giáo dục khi hiện có khoảng 66 triệu trẻ em gái toàn cầu bị thất học, và tỷ lệ học sinh nữ tốt nghiệp tiểu học thấp hơn học sinh nam đến 33%.

Ngoài ra, nạn tảo hôn vẫn chưa được xóa bỏ, cứ 7 bé gái thì có 1 người phải kết hôn khi chưa đủ 15 tuổi, thậm chí nhiều em phải lấy chồng khi mới 8 tuổi. Tình trạng này gây ra nhiều tác hại lớn cho các bé gái, khiến các em bị ảnh hưởng về sức khỏe và tinh thần, nguy cơ gánh chịu bạo lực gia đình và lạm dụng tình dục cao.

“Mọi trẻ em gái đều có giá trị”

Kỷ niệm Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay, LHQ kêu gọi các Chính phủ, các nhóm xã hội dân sự và cộng đồng cần tiếp tục hỗ trợ và đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục và bảo đảm an toàn cho trẻ em gái, giúp chúng với tới những giấc mơ và có cuộc sống của riêng mình vì theo LHQ, “mọi trẻ em gái đều có giá trị”.

Giám đốc điều hành Quỹ Dân số LHQ – Tiến sĩ Babatunde Osotimehin nhấn mạnh: “Đầu tư vào các bé gái vị thành niên, ví như Susmita - một thiếu nữ ở Orissa, Ấn Độ - người chưa bao giờ được đến trường, để giúp các em học hỏi được các kiến thức và kỹ năng cần thiết, để có thể kết hôn muộn hơn, và kiếm được nguồn thu nhập ổn định hơn để đầu tư trở lại vào gia đình họ và cho cộng đồng là việc nên làm. Và điều đặc biệt quan trọng là phải xác định và giải quyết nhu cầu của những trẻ em gái bị thiệt thòi nhất -những nạn nhân thường bị bỏ lại phía sau”.

Để có thể xây dựng những chương trình hỗ trợ hiệu quả và phù hợp cho các trẻ em gái, LHQ nhấn mạnh đến việc phải thu thập đủ số liệu về giới để có thông số cụ thể, cơ sở xác đáng. Trưởng ban Số liệu và Phân tích của UNICEF Attila Hancioglu cho rằng, “định lượng những thách thức mà trẻ em gái phải đối mặt là bước quan trọng đầu tiên trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về công bằng giới và phá vỡ rào cản mà 1,1 tỷ trẻ em gái trên thế giới hiện nay đang phải đối mặt”.

Tại Việt Nam, mặc dù trẻ em gái luôn được quan tâm trong các lĩnh vực học tập, y tế, bình đẳng giới… nhưng rõ ràng, vẫn còn có nhiều vấn đề cần được chú trọng và cái thiện, nhất là trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Với số trẻ em gái khá lớn hiện nay: 14,22 triệu bé gái và thiếu nữ từ 0 đến 19 tuổi (tính đến 2015), đòi hỏi phải có sự quan tâm hơn nữa của xã hội và cộng đồng trên mọi lĩnh vực liên quan.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN, UNICEF & Nationmultimedia)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hơn 2.000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Ngày 8/12, tại khuôn viên Hồ Thiền Quang-Phố đi bộ Trần Nhân Tông (trước cổng Công viên Thống Nhất, Hà Nội), hơn 2.000 vận động viên trong nước và quốc tế đã tham giải Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái năm 2024, nhằm lan tỏa thông điệp, cam kết chung mạnh mẽ nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hơn 2 000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

TIN MỚI

Return to top