Thế giới

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

ClockThứ Năm, 18/04/2024 18:35
TTH.VN - Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Australia cảnh báo rủi ro tài chính nghiêm trọng từ biến đổi khí hậuChủ tịch COP28: Thế giới cần “hàng nghìn tỷ USD” cho hành động vì khí hậuWEF: Hợp tác toàn cầu sẽ hạn chế khủng hoảng khí hậu, cứu sống 14,5 triệu người vào năm 2050

Biến đổi khí hậu ước tính có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm. Ảnh: Unite for Change

Tuy nhiên, việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính càng nhanh càng tốt vẫn rất quan trọng để tránh những tác động kinh tế thậm chí còn tàn khốc hơn trong nửa thế kỷ sau, báo cáo được đăng tải trên tạp chí Nature nêu rõ.

Theo nghiên cứu, hậu quả kinh tế do biến đổi khí hậu có thể tăng thêm hàng chục nghìn tỷ USD/năm vào năm 2100 nếu hành tinh ấm lên quá 2 độ C so với mức giữa thế kỷ 19.

Nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái đất hiện đã tăng 1,2 độ C so với mức chuẩn đó, đủ để khuếch đại các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và bão nhiệt đới, khiến mực nước biển dâng cao có sức tàn phá nghiêm trọng hơn.

Để có được những dự báo trên, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về tác động của biến đổi khí hậu đến nền kinh tế ở hơn 1.600 khu vực trên thế giới trong 40 năm qua, sử dụng dữ liệu này để xây dựng mô hình dự báo thiệt hại trong tương lai so với nền kinh tế thế giới khi không phải gánh chịu thiệt hại từ biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Các nhà nghiên cứu cho biết mô hình này chủ yếu xem xét các thiệt hại về khí hậu xuất phát từ sự thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa, lưu ý rằng những điều này có thể tác động đến nhiều lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng kinh tế như “sản lượng nông nghiệp, năng suất lao động hoặc cơ sở hạ tầng”.

Điều quan trọng là, vì mô hình chỉ tính đến dữ liệu từ lượng phát thải trước đó nên những chi phí này có thể được coi là mức sàn và các nhà nghiên cứu lưu ý rằng thiệt hại không thể tránh khỏi do biến đổi khí hậu ó thể khiến GDP của nền kinh tế toàn cầu giảm đến 19% vào năm 2050, so với kịch bản không có thêm tác động khí hậu nào sau năm 2020.

Thậm chí, tổn thất toàn cầu có thể còn tăng cao hơn nữa khi các yếu tố cực đoan gây thiệt hại nghiêm trọng khác như thiên tai, bão và cháy rừng ngày càng trầm trọng được xem xét tới.

Các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện này nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động nhanh chóng và quyết liệt để giảm thiểu biến đổi khí hậu và tránh tổn thất cao hơn trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh rằng việc không thích ứng có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế toàn cầu trung bình lên tới 60% vào năm 2100.

Chi phí của việc không hành động

Chi phí là một điểm mấu chốt khi nói đến hành động cụ thể về biến đổi khí hậu. Giới nghiên cứu thừa nhận rằng các chi phí và hậu cần liên quan đến việc chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn, bền vững hơn và chuyển sang mức phái thải ròng bằng 0 là rất lớn, nhưng việc không hành động cũng đi kèm với tổn thất nghiêm trọng.

Cảnh lũ lụt ở Italy. Ảnh: AFPP/TTXVN

Với mức ước tính khoảng 6.000 tỷ USD, chi phí hằng năm cho các biện pháp nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C vào năm 2050 - mục tiêu nền tảng của Thỏa thuận Paris 2015 - sẽ chưa bằng 1/6 tổng tổn thất ước tính (lên đến 38.000 tỷ USD/năm) do biến đổi khí hậu nếu không hành động.

Nhà nghiên cứu dữ liệu khí hậu Leonie Wenz, đồng tác giả của nghiên cứu, cũng cho biết dân số thế giới sẽ nghèo hơn so với kịch bản khi không có biến đổi khí hậu, và khẳng định việc hành động vì khí hậu giúp chúng ta tốn ít chi phí hơn nhiều so với việc không làm gì.

Cụ thể, các dữ liệu cho thấy nếu lượng khí thải tiếp tục ở mức hiện nay - và nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng vượt quá 4 độ C - thiệt hại kinh tế ước tính sau năm 2050 sẽ khiến thế giới mất 60% thu nhập vào năm 2100, trong khi nếu sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu được giới hạn trong ngưỡng 2 độ C thì những tổn thất đó trung bình chỉ ở mức 20%.

Bất bình đẳng giữa các nước

Trong khi các nghiên cứu trước đây cho rằng biến đổi khí hậu có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế của một số quốc gia, nghiên cứu mới này cho thấy hầu hết tất cả các nước đều bị ảnh hưởng - trong đó các nước nghèo, đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Chúng tôi nhận thấy thiệt hại ở hầu hết mọi nơi, nhưng các quốc gia ở vùng nhiệt đới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì thời tiết vốn đã ấm hơn”, tác giả nghiên cứu Anders Levermann cho biết. Viện Potsdam cũng giải thích rằng có “sự bất bình đẳng đáng kể về tác động của khí hậu” trên toàn thế giới và do đó, sự gia tăng nhiệt độ sẽ gây hại nhất ở các nước nhiệt đới.

Đáng lưu ý, “các quốc gia ít chịu trách nhiệm nhất về biến đổi khí hậu” dự kiến sẽ chịu tổn thất lớn hơn và đó cũng là những quốc gia có ít nguồn lực nhất để thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, các nước giàu cũng sẽ không thoát khỏi những tổn thất: Đức và Mỹ được dự báo sẽ chứng kiến thu nhập giảm 11% vào năm 2050, và Pháp là 13%.

Theo các nhà nghiên cứu, sự bất bình đẳng cơ bản về việc nước nào bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và nước nào được hưởng lợi nhiều nhất từ các hoạt động gây ô nhiễm dẫn tới khủng hoảng khí hậu, cũng như nước nào có nhiều nguồn lực hơn để giảm thiểu thiệt hại trong tương lai, đã trở thành một trong những điểm vướng mắc chính trị khó khăn nhất trong các cuộc đàm phán hành động toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải.

BẢO NGHI (Lược dịch từ AFP & Reuters)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương

Theo phân tích vừa được đưa ra trong dịp năm mới 2025 của công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Institutional Real Estate (IREI), thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương được dự báo ​​sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể trong năm nay, được thúc đẩy bởi sự suy giảm lãi suất toàn cầu và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mạnh mẽ của khu vực.

Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương
Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025

Các nhà khoa học từ Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của EU (C3S) ngày 9/12 cho biết nhiệt độ “cao bất thường” dự kiến ​​sẽ kéo dài sang ít nhất vài tháng đầu năm 2025, sau khi năm 2024 được báo cáo là năm ấm nhất thế giới kể từ khi có số liệu thống kê.

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025
Return to top