ClockThứ Tư, 07/08/2019 14:19

Quy hoạch tuyến đường đẹp nhất Cố đô: Gắn bảo tồn và phát triển - Kỳ 2: Tổ chức lại không gian kiến trúc

TTH - Trục đường Lê Lợi (TP. Huế) sẽ được chia làm nhiều phân đoạn để tiện cho tổ chức các không gian kiến trúc, cảnh quan hợp lý, hấp dẫn và ấn tượng.

Xử lý, ngăn chặn tình trạng đổ rác thải ở khu quy hoạch ĐH HuếGắn bảo tồn và phát triển – kỳ 1: Kết nối với hệ thống công viên ven sông Hương

Việc quy hoạch đường Lê Lợi cần tập trung chỉnh trang về mặt đô thị, cảnh quan, hạ tầng

Để hài hòa kiến trúc

Thông tin từ Sở Xây dựng, theo đồ án thiết kế đô thị, phân đoạn đầu tiên, từ Ga Huế đến đường Phan Bội Châu, trước mắt tập trung chỉnh trang khu vực nhà ga; tổ chức các khu vực chức năng hợp lý, như: nhà bán vé, sảnh chờ, bãi đỗ xe, quảng trường, cây xanh..., tạo kiến trúc đặc trưng của nhà ga.

Đại học (ĐH) Huế giữ nguyên chức năng, chuyển thành nhà truyền thống ĐH Huế, giải tỏa các công trình kiến trúc không phù hợp; tổ chức không gian cây xanh, mặt nước, không gian triển lãm ngoài trời, tạo không gian mở ra sông Hương và Học viện Âm nhạc, khu kiến trúc Pháp, sử dụng hàng rào mềm, hàng rào cây xanh.

Khu vực ĐH Huế, Trung tâm (TT) Công nghệ thông tin chuyển đổi thành TT thông tin - dịch vụ du lịch; tổ chức điểm cung cấp thông tin du lịch, quầy bán các sản phẩm lưu niệm, giải khát, ăn nhẹ, nhà hàng, với kiến trúc đặc trưng Huế, sân vườn, tiểu cảnh mặt nước, với chiều cao 1 - 2 tầng.

Nhà Văn hóa thiếu nhi chuyển đổi để tổ chức không gian dành cho thiếu nhi vui chơi, tham gia các hoạt động sáng tạo trong nhà và ngoài trời. Điểm du lịch dành cho khách tham quan và mua sắm các sản phẩm do thiếu nhi tạo ra. Công trình mang kiến trúc độc đáo, tạo điểm nhấn trên trục đường, với chiều cao 3 tầng.

Phân đoạn 2, đoạn từ điểm giao đường Phan Bội Châu - đường Hà Nội sẽ tạo hình ảnh đặc trưng cho đoạn phố - nơi tập trung các công trình kiến trúc có giá trị gồm: trụ sở UBND tỉnh, các trường Quốc Học, Hai Bà Trưng được bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị. Thay thế hàng rào sắt xung quanh trụ sở UBND tỉnh, Bệnh viện Trung ương Huế thành hàng rào mềm, hàng rào cây xanh. Trụ sở UBND tỉnh được chuyển đổi thành Bảo tàng Mỹ thuật.

Phân đoạn 3, từ đường Hà Nội - điểm giao đường Đội Cung sẽ tạo sự thay đổi về kiến trúc trên tuyến phố. Các quỹ đất cơ quan (các sở GD&ĐT, Y tế, KHCN, Hội Nhà báo...) được chuyển đổi thành dịch vụ du lịch (hình thành khối khách sạn 5 sao), dịch vụ thiết bị trường học, có hình thức kiến trúc độc đáo.

Hệ thống khách sạn (KS) trên sẽ liên kết với chuỗi dịch vụ KS đẳng cấp, như: Morin, Century, Hương Giang... Kiến trúc KS được phép xây cao 9 tầng, với 2 tầng đế, khoảng lùi 2m; thấp dần về phía sông Hương; mặt đứng 20m có sự thay đổi về chi tiết kiến trúc và khuyến khích hình thức kiến trúc xanh; sử dụng thủ thuật thay đổi cảm nhận thị giác về chiều cao.

Phân đoạn 4, từ điểm giao đường Đội Cung - Đập Đá, tạo phân đoạn dịch vụ thương mại với sự tập trung phần lớn các công trình nhà phố buôn bán tự doanh. Hình ảnh đoạn phố sầm uất với các hoạt động dịch vụ du lịch đa dạng như: nhà hàng, quán bar, cửa hàng lưu niệm; thống nhất chiều cao tầng 1; quy định về biển hiệu, biển quảng cáo; khuyến khích đưa vào công trình các chi tiết đặc trưng của kiến trúc Huế, chiều cao 4 tầng.

Khu vực KS Hương Giang - Century di dời hệ thống hàng quán phía trước KS; tổ chức không gian KS kết hợp với cây xanh, mặt nước; mở hướng nhìn ra phía sông Hương; tạo hình công trình hợp khối tránh vụn hay xếp đặt không có chủ đích tạo hình.

Sau khi hợp khối tiến hành bố cục uyển chuyển giữa các khối tạo nên sự hài hòa bên trong và bên ngoài có tính liên kết; bố trí các khối dài giảm dần, giật cao độ ra phía ngoài, kết hợp cây xanh và vật liệu xây dựng bằng kính... Các vị trí đặc biệt nên áp dụng hình khối độc đáo.

Hiện hữu và mặc định

Kiến trúc sư (KTS) Huỳnh Quang, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Thừa Thiên Huế cho rằng, theo quy hoạch trên, phía bờ sông đường Lê Lợi cơ bản ổn định.

Những công trình hiện hữu (tính từ Đập Đá đến Ga Huế): KS Hương Giang, Century, không gian trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Bảo tàng Văn hóa Huế, nhà sách Phương Nam (cũ), TT nghệ thuật Lê Bá Đảng, TT Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, nhà hàng Festival, Bảo tàng Hồ Chí Minh, KS Azerai La Residence, ĐH Huế, Học viện Âm nhạc… nên giữ lại. Bởi đây là những công trình hiện hữu và có tính ổn định.

KTS. Huỳnh Quang cũng đề xuất, nên tập trung chỉnh trang về mặt đô thị, cảnh quan, hạ tầng; đặc biệt đầu tư điện chiếu sáng (kể cả ánh sáng thông thường và chiếu sáng mỹ thuật) đường Lê Lợi, tăng thêm tính thẩm mỹ của bức tranh về đêm cho sông Hương; tạo sắc thái và diện mạo của đô thị mới.

Toàn bộ phía bờ sông nên giải tỏa triệt để hệ thống hàng rào, có thể trồng thêm hoa, thay một số cây xanh phù hợp; tổ chức không gian giao lưu, không gian công cộng; đồng thời kết nối và thông tuyến ra cầu đi bộ bằng gỗ lim.

Tương tự, phía bên trong đường Lê Lợi, gồm: KS Xanh, TT Quốc tế, Nhà văn hóa thiếu nhi, Trường Quốc Học, Hai Bà Trưng, trụ sở UBND tỉnh, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Quốc tế, Trường ĐH Sư phạm… cũng đã được mặc định.

Chỉ còn lại đoạn từ đường Hoàng Hoa Thám đến đường Bà Huyện Thanh Quan, gồm trụ sở các cơ quan như đã nói ở phân đoạn 3 có thể phải điều chỉnh và đã có phương án di dời nhằm tạo quỹ đất kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm.

Vấn đề còn lại là chúng ta định hướng về mặt kiến trúc cho nhà đầu tư; có thể kết hợp kiến trúc cổ điển Pháp, nhà truyền thống Việt Nam và không gian vườn Huế cho phù hợp, chịu sự chi phối của các công trình hiện hữu đã mặc định.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa:

Với sự phát triển như hiện nay, việc thay đổi là cần thiết, tạo sự năng động cho Huế. Không nên biến con đường này nghiêng hẳn về con đường “bảo tàng” và cũng không hẳn là con đường dành cho dịch vụ, khách sạn. Phải tính toán sao cho hài hòa, vừa có một số cơ sở văn hóa, vừa có không gian giải trí, dịch vụ để tạo sự sinh động. Cần cẩn trọng trong việc lựa chọn nhà đầu tư, cũng như lấy ý kiến thật kỹ các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, nghiên cứu. Phải có một quy hoạch chi tiết rõ ràng, từ kiểu dáng, kiến trúc cho đến việc khống chế chiều cao, và những dịch vụ được hình thành trên tuyến đường này.

Bài, ảnh: Bạch Quang - Nhật Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

5 nhiệm kỳ, một chặng đường phát triển

Từ năm 2000, Thừa Thiên Huế gặp muôn vàn khó khăn sau trận “đại hồng thủy” cuối năm 1999. Dù thế, với những nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị, toàn thể người dân, sau gần 25 năm, thành quả lớn nhất là thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam.

5 nhiệm kỳ, một chặng đường phát triển
Văn học nghệ thuật Cố đô khẳng định vị thế

Cùng với cả tỉnh, đội ngũ văn nghệ sĩ (VNS) Cố đô đã có một năm 2024 với nhiều gặt hái ấn tượng. Đó là những tác phẩm, những công trình nghiên cứu, kiến trúc... Hơn thế là thành tựu được khắc họa qua Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) Cố đô lần thứ VII.

Văn học nghệ thuật Cố đô khẳng định vị thế
Vùng Đông bừng sáng

“Muốn làm giàu tìm đất có thế”! Nghiệm lại lời của tiền nhân, tôi liên tưởng đến vùng Đông Nam của thành phố - Khu Kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô, nơi đã và đang tạo cực tăng trưởng kinh tế hấp dẫn.

Vùng Đông bừng sáng
Bước đệm phát triển sau sáp nhập

Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi phường Hương Hồ và xã Hương Thọ (quận Phú Xuân) “về chung một nhà” với tên gọi mới – phường Long Hồ. Việc sáp nhập 2 phường, xã này vừa tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời mở ra nhiều cơ hội khai thác tối đa lợi thế du lịch, dịch vụ.

Bước đệm phát triển sau sáp nhập

TIN MỚI

Return to top