ClockThứ Sáu, 03/07/2015 10:42

Giữ gìn, phát triển không gian công cộng khu vực Kinh thành Huế

TTH - Đô thị Huế, với các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật phong phú, là một đô thị còn bảo lưu khá nguyên vẹn diện mạo của một kinh đô cổ kính thời phong kiến. Thiên nhiên, kiến trúc và con người ở đây dường như hòa làm một tạo nên một tổng thể đô thị rất đặc trưng - đô thị cảnh quan, đô thị di sản. Để đô thị Huế không bị hòa lẫn và đánh mất bản sắc văn hóa bản địa, cần nghiên cứu và phân tích từ nhiều khía cạnh khác nhau nhằm hướng đến sự phát triển một cách bền vững. Và một trong những hướng đi cần thiết hơn hết là nghiên cứu đô thị Huế, đặc biệt là Kinh thành Huế từ phương diện không gian công cộng đô thị.

Không gian xanh dọc sông Ngự Hà cần được giữ gìn, phát huy. Ảnh: Võ Nhân

Không gian công cộng (KGCC) là một thành phần quan trọng của đô thị. Một thành phố phát triển thành công và bền vững phải là một thành phố có hệ thống KGCC với chất lượng cao, cảnh quan đẹp, và bền vững về mặt môi trường. Vì vậy, đối với Huế, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, đồng thời cũng đang hướng tới mục tiêu trở thành “thành phố đáng sống” thì việc phát triển hệ thống KGCC đẹp và phục vụ tốt cho người dân là rất cần thiết.

Ngoài ra, KGCC của một đô thị góp phần rất lớn vào việc tạo ra hình ảnh đặc trưng cho thành phố, đồng thời mang lại những trải nghiệm sống cho con người.

Mặt khác, ở quy mô khu ở, KGCC cần được nhìn nhận như một yếu tố quyết định trong việc mang lại chất lượng cuộc sống cho một khu đô thị, biến khu đô thị trở thành một môi trường sống tốt, nơi con người cảm thấy thật sự gắn bó. Đồng thời, KGCC cũng tạo ra các giá trị gia tăng cho các khu vực xung quanh. Do đó, việc tạo ra một hệ thống KGCC tốt có ý nghĩa vô cùng quan trọng với một đô thị nói chung, cũng như với TP Huế nói riêng.

Nhiều áp lực

Kinh thành Huế có diện tích 520ha được bao bọc bởi hệ thống tường thành kiên cố mà ngày nay vẫn còn lưu giữ được hình thái kiến trúc vốn có của nó. Hệ thống giao thông theo kiểu ô bàn cờ và tính linh hoạt trong việc bố cục các công trình kiến trúc dựa trên nền cảnh tự nhiên đã tạo ra hệ thống KGCC vô cùng phong phú. Không gian công cộng quanh các công trình di tích kiến trúc cổ, không gian mặt nước, không gian cảnh quan đường phố… đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển đô thị ngày nay. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến diện mạo kiến trúc và các KGCC trong khu vực Kinh thành Huế. Nhiều không gian mặt nước ao hồ, sông ngòi bị lấn chiếm bởi người dân sống xung quanh gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống công trình di tích bị xâm hại bởi sự cơi nới nhà ở về chiều cao cũng như mật độ xây dựng. Nhà rường, một giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc trưng của Huế cũng dần bị mất đi và thay đổi hình dạng vốn có của nó. Dân số đô thị tăng nhanh đã gia tăng mật độ xây dựng và hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng không thể đáp ứng nhu cầu của cư dân sống trong khu vực Kinh thành. Thêm vào đó, các chính sách quản lý về kiến trúc, quy hoạch cũng như các điều luật khác liên quan chưa phù hợp với sự phát triển nhanh của đô thị. Chính những lý do trên đã làm ảnh hưởng đến chất lượng sống và hình ảnh của đô thị mang tính đặc trưng này.

Khu vực Quảng trường Ngọ Môn - Không gian công cộng lý tưởng của đô thị Huế. Ảnh: V. Nhân

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng không thể không lưu tâm chính là sự thay đổi của khí hậu. Thừa Thiên Huế là một trong các tỉnh miền Trung chịu nhiều hậu quả do thiên tai, lũ lụt, hạn hán hằng năm gây ra. Trung bình mỗi năm có đến 7 cơn bão đi qua gây thiệt hại nặng nề cả về vật chất lẫn con người. Do vậy, yếu tố KGCC có vai trò quan trọng trong việc gia tăng bề mặt thấm nước, tăng cường khả năng thoát nước mưa thông qua hệ thống kênh mương, sông ngòi, và góp phần làm mát không gian đô thị.

Xây dựng môi trường sống bền vững

Để có cơ sở định hướng cho việc bảo tồn và phát triển các KGCC trong khu vực Kinh thành, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu thí điểm năm khu vực trong Kinh thành, đó là: Quảng trường Ngọ Môn, Không gian xanh quanh Hoàng thành, Khu vực hồ Tịnh Tâm,Công viên Nguyễn Văn Trỗi, Khu vực dọc sông Ngự Hà. Đây là năm KGCC điển hình trong khu vực Kinh thành. Kết quả khảo sát đối với người dân sống tại khu vực này là cơ sở để hoạch định các chính sách bảo tồn và phát triển hệ thống KGCC của khu vực.

Theo khảo sát đối với người dân, phần lớn (58%) những người sử dụng KGCC đều sống tại phường có không gian đó. Điều này cho thấy, để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, phần lớn sinh sống ở trong Kinh thành, đòi hỏi phải có sự liên kết giữa các KGCC và giữa các KGCC với các khu vực dân cư bằng các tuyến đi bộ được thiết kế tốt.

Tần suất đến KGCC của người dân cũng khác nhau vào các mùa khác. Huế có mùa đông lạnh và mưa kéo dài, mùa hè nắng và ít mưa. Vì vậy, tần suất sử dụng KGCC của người dân vào mùa hè là nhiều hơn hẳn so với mùa đông.

Khảo sát lý do người dân đến KGCC cho thấy, nhu cầu gần thiên nhiên (5%); gặp nhiều bạn mới (6%); sự yên tĩnh và thanh bình (9%); cảm thấy hạnh phúc hơn (14%), hít thở không khí trong lành (15%); gặp gỡ bạn bè (15%); giảm được căng thẳng (18%); tập thể dục (18%).

Viện Quy hoạch xây dựng Thừa Thiên Huế cũng đã khảo sát đánh giá của người dân về chất lượng của từng KGCC. Theo đó, chất lượng của từng KGCC có tỷ lệ đánh giá ở mức độ rất tốt được thống kê như sau: Quảng trường Ngọ Môn (50,8%); Hồ Tịnh Tâm (50%); Xung quanh Hoàng thành (44,75%), dọc sông Ngự Hà (64,15%), Công viên Nguyễn Văn Trỗi (43,75%).

Từ kết quả khảo sát đối với các KGCC trên, việc bảo tồn và duy trì các KGCC trong khu vực Kinh thành là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và từng bước xây dựng môi trường sống bền vững.

Để làm được việc này, cần thiết phải xây dựng các tiêu chí, chính sách phát triển và cơ chế quản lý vận hành của các KGCC trong khu vực Kinh thành. Chính quyền địa phương cần thống kê các KGCC cả về số lượng lẫn quy mô để có giải pháp tôn tạo và phát huy giá trị. Thu hút sự tham gia của cộng đồng thông qua các hoạt động ngoài trời nhằm tăng cường sự giao lưu, chia sẻ, qua đó môi trường sống tại các khu ở ngày càng được cải thiện. Đặc biệt chú trọng đến các KGCC mang tính đặc thù như không gian mặt nước (một trong những KGCC đặc trưng của Kinh thành), không gian quanh các công trình di tích nhằm bảo tồn cảnh quan di sản văn hóa của Kinh thành đồng thời cải thiện môi trường và nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc gìn giữ và bảo vệ KGCC.

Huế được chính quyền địa phương xác định là một đô thị di sản, văn hóa, cảnh quan thân thiện với môi trường. Đây là một hướng đi đúng, phù hợp với đặc trưng của đô thị Huế. Do vậy, cần có phương pháp tiếp cận linh hoạt trong vấn đề bảo tồn và phát triển đô thị trong đó có các KGCC. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, tiến đến từng bước thúc đẩy hoạt động của con người ngày càng thân thiện và đầy tính nhân văn.

 
Đặng Minh Nam (Viện Quy hoạch xây dựng Thừa Thiên Huế)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Chỉnh trang hạ tầng, đưa Thuận Hóa xứng tầm quận trung tâm

Với mục tiêu xây dựng và phát triển quận Thuận Hóa trở thành quận trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, dịch vụ du lịch…, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của TP. Huế, UBND quận Thuận Hóa đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Chỉnh trang hạ tầng, đưa Thuận Hóa xứng tầm quận trung tâm

TIN MỚI

Return to top