ClockThứ Tư, 20/02/2013 08:04

Điểm nhìn sông Hương

TTH - Ai đến Huế đều không thể không thể đứng ngắm quang cảnh hai bên bờ sông Hương. Ẩn hiện sau những hàng cây xanh cổ thụ, một bên là thành quách cổ kính của Cố đô xưa, còn bên kia, xen kẽ với những công trình kiến trúc Pháp, thành phố đang mở ra với những công trình kiến trúc hiện đại. Và dù đứng ở hướng nào người ngắm hẳn cũng phải thừa nhận, điểm nhìn đẹp nhất của Huế chính là đứng ở hai bên bờ sông.

Đây không phải là nhận định chủ quan của người viết mà của nhiều du khách đến Huế. Khen tặng nhiều thì lo ngại cũng lắm. Dư luận cũng đã từng quan ngại về rất nhiều những công trình kiến trúc mọc lên hai bên bờ sông ảnh hưởng đến cảnh quan chung, thế nhưng đến nay vẫn chưa cải thiện. Có quá ít công trình kiến trúc mới xây lên có được sự hòa hợp với cảnh quan của dòng sông Hương. Và điều đáng lo hơn cả là có những công trình ở sát bên dòng Hương, song kiến trúc sư thiết kế cũng không quan tâm lắm đến việc phải xử lý mặt đứng cho thỏa mãn “cái nhìn” thẩm mỹ của mọi người.

 

Tòa nhà Travel Plazza có khối tích lớn, tiệm cận mặt đường Lê Lợi

 

 

Không nói thêm về những “sự kiện xây dựng” đã một thời gây sóng gió trong dư luận Huế, mà chỉ nhắc đến một công trình xuất hiện gần đây cũng thấy mối lo ngại phá vỡ cảnh quan sông Hương hoàn toàn không ít. Đi hướng cầu Phú Xuân từ bờ Bắc sang, ta sẽ bắt gặp một khối công trình đồ sộ mọc chểm chệ ngay từ tầm nhìn “đắc địa” nhất. Hình khối gây nên cái nhìn có phần thô kệch đó chính là công trình Trung tâm điều hành quản lý du lịch Huế (HUETRAVELPLAZA). Chưa nói hình thức kiến trúc, chỉ nhìn khối tích và sự lấn chiếm không gian của công trình đã khiến nhiều người cảm thấy lo ngại. Công trình này có mật độ xây dựng lớn do diện tích khu đất khá khiêm tốn mà chúng tọa lạc. So với Trung tâm Học liệu Đại học Huế vốn khoảng lùi đã có phần khiếm tốn thì tòa nhà này còn “chường” ra mặt đường hơn rất nhiều. Tôi có một người bạn là kiến trúc sư (KTS) ở Hà Nội vào chơi, sau khi nhìn công trình anh lắc đầu: “Trông cái này không khác mấy so với tòa nhà hàm cá mập ở gần hồ Gươm một thời giới KTS kịch liệt phản đối. Kiến trúc của tòa nhà quá lớn, với hình khối giống như một chiếc mõm nhô ra bên ngoài, nhìn khá thô về mặt kiến trúc….”.

 

Do chưa có thiết kế đô thị nên hiện nay, các công trình kiến trúc được xây dựng bên bờ sông Hương được cấp phép khá tùy tiện. Các công trình tuy đã hạn chế về chiều cao nhưng lại có mật độ xây dựng quá dày, không có không gian chuyển tiếp giữa các khu đất nên nhìn từ bờ Bắc có cảm giác như chúng “díu” lại với nhau. Điển hình, công trình tòa Nhà làm việc Đại Học Huế (4 Lê Lợi) ngoài việc tiệm cận với mặt đường thì hình thức kiến trúc so với các tòa nhà trong khu vực cũng không có sự đồng nhất về mặt kiến trúc. TS-KTS Đặng Minh Nam trong một lần trao đổi với chúng tôi cho rằng: “Nếu có thiết kế đô thị, chúng ta sẽ dễ hình dung về hình dáng của đô thị trong tương lai, sẽ không có chuyện bên này đã cho xây nhà cao tầng thì cạnh đó cũng cho xây nhà cao tầng”.

 

Trong quy hoạch và kiến trúc, khoảng lùi đóng vai trò rất quan trọng, nó bảo đảm độ thoáng, độ mở của không gian trước các công trình kiến trúc, cũng là giúp cho con người có thể nhìn ngắm, chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc. Thế nhưng, thời gian gần đây, những công trình kiến trúc mới được cấp phép xây dựng dường như ngày càng ít quan tâm hơn đến yếu tố này. Nói cách khác, khoảng lùi của các công trình kiến trúc ngày càng ngắn lại, thậm chí có cảm giác như tiệm cận với chỉ giới xây dựng.

 

Khi bài viết này lên trang cũng là lúc các công trình đã đi vào giai đoạn cuối quá trình xây dựng và chuẩn bị đưa vào sử dụng, mọi việc coi như khép lại. Thế nhưng, từ công trình này điều người viết muốn nói (nhắc lại) là cần phải quản lý chặt chẽ kiến trúc của các công trình xây dựng hai bên bờ sông Hương, và không chỉ công trình xây dọc hai bên bờ mà cả những công trình có tầm cao hơn những hàng cây đều phải được nghiên cứu xử lý mặt đứng, quy định chặt chẽ về khoảng lùi để tạo nên những khoảng “thở” cho không gian đô thị. Không thể để sau mảng cây xanh mềm mại kia nổi lên những công trình thô cứng, phản cảm. Dĩ nhiên để thực hiện điều này một cách hiệu quả cần phải nhanh chóng có thiết kế đô thị. Một điều nữa không thể không nhắc đến là lâu nay dường như chúng ta chỉ đặt nặng đến chiều cao mà chưa quan tâm đến yếu tố khối tích lớn nhỏ của công trình! Xin luôn nhớ là trong kiến trúc, không chỉ có chiều cao mà còn có hình khối!

Bài, ảnh: Quang Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Chỉnh trang hạ tầng, đưa Thuận Hóa xứng tầm quận trung tâm

Với mục tiêu xây dựng và phát triển quận Thuận Hóa trở thành quận trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, dịch vụ du lịch…, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của TP. Huế, UBND quận Thuận Hóa đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Chỉnh trang hạ tầng, đưa Thuận Hóa xứng tầm quận trung tâm

TIN MỚI

Return to top