ClockThứ Hai, 31/08/2015 15:18

Cần những giải pháp đột phá

TTH - Mặc dù đã có những đầu tư nhất định, song hạ tầng giao thông đô thị Huế cần phải có những thay đổi mang tính đột phá để từng bước hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu và áp lực phát triển trong giai đoạn mới.

Đường Tố Hữu đã được thành phố có kế hoạch mở rộng, chỉnh trang

Đường nhỏ hẹp, phương tiện gia tăng

Theo tính toán sơ bộ đến thời điểm này, thành phố đạt 523 nghìn lượt giao thông/ngày, dự báo đến năm 2020 đạt 570 nghìn lượt/ngày và năm 2030 đạt 671 nghìn lượt giao thông/ngày.
TP Huế hiện có 420 tuyến đường giao thông nội thị với tổng chiều dài hơn 293 km, trong đó phần lớn nhỏ hẹp, mặt cắt rộng dưới 13,5m chiếm trên 80%. Hệ thống đường ngoại thành, đường kiệt và giao thông vùng ven có tổng chiều dài khoảng 420 km, trước đây được đầu tư xây dựng bằng bê tông xi măng tiêu chuẩn thấp nên xuống cấp hàng loạt. Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông, nhất là loại hình phương tiện cá nhân như ô tô chiếm diện tích lưu thông lớn đang gia tăng nhanh chóng. Hiện TP đã có trên 20.000 ô tô, 170 nghìn mô tô, xe máy các loại. Cạnh đó, hạ tầng giao thông lạc hậu, việc phân luồng phân tuyến chưa hợp lý dẫn đến ở nhiều điểm “nóng”, lúc cao điểm tình trạng lưu thông khá lộn xộn, tự phát. Là một thành phố du lịch, song Huế còn quá ít không gian cho người đi bộ, xe đạp, nhiều khu vực trong kinh thành Huế tình trạng du khách lưu thông cùng với các phương tiện xe cơ giới tạo ra nguy cơ gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan du lịch.
 Ngoài ra, hệ thống giao thông tĩnh như: các công trình bến, bãi, điểm đỗ xe, trạm dừng còn thiếu và không tiện lợi, tỷ lệ đất giao thông trong đô thị còn khá thấp, chỉ đạt 16,5 %, so với yêu cầu của đô thị loại 1 (23 – 26%). Tỷ lệ giao thông công cộng còn khiêm tốn, nhất là xe buýt, đến thời điểm mới chỉ có 2 tuyến xe buýt nội thị, 9 tuyến xe buýt đi các huyện. Bên cạnh việc đưa vào sử dụng ô tô điện thì hiên chưa có tuyến xe buýt đến các di tích phục vụ tham quan du lịch, chưa có tuyến xe buýt liên tỉnh. Một vấn đề khác cũng ảnh hưởng tiêu cực, gây ách tắc giao thông là hệ thống đường sắt chạy cắt ngang giữa thành phố Huế, trong khi thành phố chưa có cầu vượt, cầu chui đường sắt. Thành phố vẫn chưa khai thác được hệ thống giao thông thủy nội địa vốn rất có tiềm năng trong khai thác du lịch cũng như kết nối giao thông đối ngoại. Hiện trục sông Hương có chiều dài hơn 34 km; các nhánh sông như: An Cựu, Như Ý, Đông Ba, Bạch Yến... có chiều dài khoảng 25 km mới chủ yếu khai thác phục vụ du lịch. 
Giải pháp đột phá

Đường Điện Biên Phủ sau khi được đầu tư nâng cấp. Ảnh: HK

 
Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2014, hệ thống giao thông đô thị của Huế sẽ được định hướng phát triển theo hướng bền vững xét đến các yếu tố môi trường và tăng trưởng đô thị với nhiều hạng mục quan trọng, như: Quy hoạch mạng lưới giao thông chính, hệ thống giao thông đô thị trung tâm, xây dựng hệ thống giao thông xanh. Theo đó, những dự án giao thông chính có quy mô lớn như hệ thống đường vành đai kết hợp với cầu, đường sắt... nhằm chuẩn bị cho việc phát triển và mở rộng thành phố, kết nối với các đô thị.
Cũng theo quy hoạch dựa trên bản đồ quy hoạch hệ thống giao thông công cộng, đến năm 2020, tỷ lệ giao thông công cộng của thành phố là 25 – 35 %, đến năm 2030 là 50 – 55 %. Để thực hiện mục tiêu này trong thời gian 5 năm tới, thành phố phải có kế hoạch để thực hiện giai đoạn 1 của dự án cung cấp hạ tầng giao thông gồm: hệ thống xe buýt, xe điện, xây dựng, mở rộng các tuyến đường... Trong tương lai xa hơn, hình thành mạng lưới xe buýt rộng khắp – BRT, phục vụ vận tải công cộng bằng các loại xe buýt có khối lượng vận chuyển hành khách lớn; quy hoạch các khu vực chuyên dụng giao thông công cộng dành cho người đi bộ và xe đạp, ở đây là khu vực phố Tây và trong khu vực nội thành.
Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Huế cho biết, những kế hoạch phát triển đề ra trong thời gian tới của thành phố là rất “tham vọng”, hướng đến mục tiêu giao thông bền vững, giao thông thông minh, với tiêu chí “an toàn, thuận tiện và thoải mái” cho người dân và khách du lịch. Minh chứng rõ nhất, mới đây UBND tỉnh đã đưa vào quy hoạch và ban hành danh mục các tuyến đường trong thành phố sẽ thực hiện, nguồn vốn dành cho phát triển các dự án này cũng đã được tính đến. Một lợi thế của thành phố đó là đã và đang từng bước hoàn thiện các quy hoạch với sự hỗ trợ của các chuyên gia có kinh nghiệm đến từ Hàn Quốc như: Dự án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (đã được phê duyệt); hai Dự án “Quy hoạch tổng thể hệ thống giao thông đô thị xanh Huế” do Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và giao thông Hàn Quốc nghiên cứu và lập quy hoạch và Dự án thành phố thông minh “ Huế U-city” do Công ty Nhà đất Hàn Quốc (LH) thực hiện đang trong quá trình xúc tiến triển khai.
Bài, ảnh: Quang Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Chỉnh trang hạ tầng, đưa Thuận Hóa xứng tầm quận trung tâm

Với mục tiêu xây dựng và phát triển quận Thuận Hóa trở thành quận trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, dịch vụ du lịch…, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của TP. Huế, UBND quận Thuận Hóa đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Chỉnh trang hạ tầng, đưa Thuận Hóa xứng tầm quận trung tâm

TIN MỚI

Return to top