ClockThứ Sáu, 03/05/2013 05:36

Ấm áp Quảng Công

TTH - Có những gia đình như gia đình chị Khoa anh Việt, những chàng trai hay lam hay làm như chàng trai trẻ Vi Vi, lại được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật…, cuộc sống Quảng Công không đổi thịt thay da mới là chuyện lạ...

Ấn tượng & ký ức

Từ trung tâm thành phố Huế, chỉ sau chừng nửa giờ chạy xe máy, cầu Tam Giang- mà nhiều người vẫn quen gọi là cầu Ca Cút - đã hiện ra sừng sững trước mắt. Qua khỏi cầu, chúng tôi rẽ trái theo Quốc lộ (QL) 49B để về với Quảng Công-một xã vùng đầm phá ven biển của huyện Quảng Điền. Cùng trên tuyến đường, thỉnh thoảng lại thấy những chiếc taxi ngược xuôi - hình ảnh không thể bắt gặp cách đây mấy năm, trước khi cầu Tam Giang - cây cầu “mơ ước ngàn đời” nên vóc nên hình.
 

Trung tâm xã Quảng Công

 
Quảng Công đây rồi. Một khu trung tâm gòn gọn dọc theo Quốc lộ 49B, nhưng trông đã bắt đầu sôi động với nhà xây, nhà tầng, anten viễn thông, chảo thu truyền hình, cây xăng và nhiều loại dịch vụ khác. Cũng dọc trên con lộ 49B này, có lẽ những ngôi trường khang trang đẹp đẽ mới là những điểm nhấn ấn tượng nhất khiến cho bất kỳ ai ngang qua cũng cảm thấy ấm lòng. Trường phổ thông trung học Tố Hữu-Ngôi trường được thành lập từ năm 2010 không chỉ tạo điều kiện cho con em Quảng Công mà cho cả con em các xã Quảng Ngạn, Hải Dương (Hương Trà) đến học. Cạnh đó là Trường Tiểu học Số I Quảng Công-trường đạt chuẩn Quốc gia; Trường Mầm non, Trường Trung học cơ sở cũng đang từng bước được nâng cấp, kiên cố hoá để hướng tới đạt chuẩn…
 
Những người dân nơi đây vẫn nhớ về thời gian 30 năm trước, khi Quảng Công mới được tái thành lập. Lúc đó, cả xã chỉ có một trường ghép tiểu học và THCS cùng một số cơ sở lẻ của ngành mầm non. Con em đi kiếm cái chữ hết sức nhọc nhằn. Em nào lên được cấp 2, cấp 3, phải lội cát hàng chục cây số qua các xã khác để đến trường nếu gia đình có điều kiện và các em muốn đeo đuổi đèn sách. Con đường cháy bỏng cát năm xưa giờ đây đã là Quốc lộ 49B trải nhựa thoáng rộng. Trường học loáng cái tới nơi. Cái đói cái nghèo đã lùi dần vào dĩ vãng. Gia đình nào cũng cố gắng cho con ăn học đến nơi đến chốn. Các em cũng có chí tiến thủ, ganh đua nhau học hành. Vậy nên, số học sinh đỗ vào đại học, cao đẳng cứ thế tăng dần mỗi năm. “Như năm học 2011-2012 vừa rồi, học sinh Quảng Công chúng tôi có tới 70 em đỗ đại học, cao đẳng. Cao hơn năm trước 10 em. Nhiều em đỗ vào các trường danh giá. Có em nay đã là bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế rồi đấy.”- Anh Huỳnh Ngọc Thưởng, cán bộ chuyên trách Văn hoá UBND xã Quảng Công không giấu được niềm vui “khoe” với chúng tôi.
 

Chị Khoa & những hồ cá của mình

 
 
Ngược dòng lịch sử, suốt thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ (1945-1975), Quảng Công và Quảng Ngạn được gộp chung một xã với tên gọi xã Quảng Ngạn gồm các làng Lãnh Thuỷ, Thành Công, Cương Giáng Đông, Cương Giáng Tây, Tân Mỹ, An Lộc và ấp Minh Hương. Sau 1975, Quảng Ngạn thuộc huyện Quảng Điền, sau đó là Hương Điền. Năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 03/QĐ-HĐBT quyết định thay đổi địa giới hành chính của huyện Hương Điền; Quảng Ngạn được chia thành 2 xã Quảng Ngạn và Quảng Công. Đến 1990, Quảng Công trở thành một trong 10 xã của huyện Quảng Điền. Những ngày mới tái lập, Quảng Công nghèo vô kể. Cơ sở hạ tầng hầu như không có gì. Điện không, đường không, nước sạch không... Dân phần lớn làm nông, nhưng ruộng đất xấu, năng suất thấp. Chừng 30% làm nghề đánh bắt thuỷ hải sản thì phương tiện cũng rất đơn sơ. Tính ra, cả xã số hộ nghèo đói chiếm đến trên 45%. “Dân đói đến mức bỏ di cư tứ tán. Mãi cho đến khi nghề nuôi tôm được đưa về…” - Anh Thưởng giọng xa xăm như đang kể chuyện cổ tích.
 
Đổi đời ở thôn 14
 

Một góc thôn định cư thuỷ diện, nay là thôn 14

 
 
Rời QL 49B, chúng tôi rẽ về phía tây hướng ra phá Tam Giang thăm khu nuôi trồng thuỷ sản của thôn 14. Đây là thôn tái định cư với 65 hộ dân thuỷ diện - bộ phận dân cư “không mảnh đất cắm dùi”, lênh đênh theo đuôi con cá một thuở. Tháng 10-1985, cơn bão cấp 12 có tên Cecil quét qua vùng Trị-Thiên làm hàng trăm ngư dân bỏ mạng. May sao, cộng đồng này lại được bão “tránh”. Vậy là thất đảm, được chính quyền tổ chức cho tái định cư, thế là thôn 14 ra đời. Trong những ngày sơ khai ấy, họ “có cơ duyên” được một ông cán bộ hết lòng vì dân đưa nghề nuôi tôm sú về, rồi cùng ăn, cùng ở, cùng lăn lộn bày vẻ cho dân cách làm ăn... Sau này, ông không may tử nạn trong một chuyến công tác. Dân tiếc thương đã lập miếu thờ, xem ông như Thành hoàng, như “Tổ nghệ” của nghề nuôi tôm. Một câu chuyện đẹp và cảm động và có lẽ là có một không hai trong thời hiện đại. Ông là Phan Thế Phương, Giám đốc Sở Thuỷ sản Bình Trị Thiên (cũ). Ngôi miếu đơn sơ thờ Giám đốc Phan Thế Phương đứng bên cạnh một hồ tôm. Không có nhang, chúng tôi đành kính cẩn chắp tay dâng nén hương lòng tưởng nhớ và thầm tin rằng ông đã có thể mỉm cười mãn nguyện khi chứng kiến những người dân thuỷ diện cơ hàn năm xưa nay đã có cuộc sống ổn định, có của ăn của để, thậm chí không ít người còn trở nên giàu có. Thể theo tâm nguyện của cán bộ và nhân dân xã Quảng Công, UBND huyện Quảng Điền đã có quyết định đổi tên Trường THCS Quảng Công thành Trường THCS Phan Thế Phương. Sắp tới đây, gia đình cố Giám đốc Phan Thế Phương có nguyện vọng được góp một phần tài lực để xây dựng, chỉnh trang lại cổng trường. Bước tiếp theo, một tấm bia tưởng niệm ghi lại công đức của cố Giám đốc Phan Thế Phương cũng sẽ được dựng trang trọng giữa sân trường mang tên ông. Quảng Công cũng đang tính đến chuyện quy hoạch, xây dựng lại ngôi miếu thờ, không chỉ làm chỗ hương khói tri ân mà còn như một địa chỉ di tích, văn hoá đầy tính nhân văn để du khách và những người quan tâm tới lui thăm viếng…
 
Trong tổng diện tích 126,6 ha ao hồ nuôi trồng thuỷ sản của Quảng Công thì riêng khu vực thôn 14 đã chiếm đến 30%. Trước thì nuôi tôm, những năm sau này con tôm thường hay dịch bệnh, dân Quảng Công chuyển sang nuôi xen ghép tôm-cua-cá kình-cá điệp…, hoặc nuôi ròn các loại cá cao cấp như cá diêu hồng, cá nâu, cá chẽm…Điều đáng mừng là khi dịch bệnh xảy ra và kéo dài khiến không ít người nuôi tôm điêu đứng thì dân Quảng Công lại rất ít người phá sản và phải… “chạy nợ” ngân hàng. Ấy là nhờ bà con đã tin vào khoa học kỹ thuật, tin vào sự hướng dẫn của cán bộ, đồng thời biết tích luỹ kinh nghiệm nên đã sớm chuyển sang mô hình nuôi xen canh, lấy ăn chắc làm đầu…
 
“Bây giờ thì ổn rồi, chứ từ 1985 cho đến tận những năm đầu của thập kỷ 1990, có những người như bác Phương đấy, được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ đấy, nhưng anh em cán bộ tại chỗ của Quảng Công chúng tôi cũng vô cùng gian nan vất vả. Vận động bà con chuyển đổi đất nông nghiệp năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản, lấn phá đắp hồ để thả tôm nuôi là không hề đơn giản. Phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, động viên, thuyết phục, còn phải làm mẫu trước nữa thì bà con mới tin. Nay thì không cần nói bà con cũng vẫn ngày đêm bám hồ.”-anh Thưởng kể. Như để minh chứng, lúc anh Thưởng vừa dứt lời cũng là lúc chúng tôi gặp chị Lê Thị Khoa. Vợ chồng chị Khoa bước vào nghề nuôi thuỷ sản tính đến nay đã là hai mươi năm có lẻ. Những năm trước vợ chồng chị nuôi tôm sú, chừng 4-5 năm lại đây chuyển sang nuôi cá, còn tôm chỉ nuôi với số lượng rất tượng trưng. Chồng chị, anh Phạm Thanh Việt có đôi tay không được lành lặn nhưng lại là một người nuôi trồng thuỷ sản cự phách của cả Quảng Công này. Hai vợ chồng đang sở hữu 4 hồ nuôi với diện tích 1ha. Anh nay chủ yếu làm “cố vấn”, “bàn giao” hồ cho chị Khoa và cậu trai út 19 tuổi có cái tên rất… dễ thương: Phạm Kim Vi Vi. Lúc chúng tôi đến, chị Khoa đang dở tay chuẩn bị thức ăn cho cá. Đó là những con cá trích to cỡ bàn tay trẻ con. Đầu, đuôi và phần bụng được cắt riêng. Phần thân bỏ riêng. “Đầu đuôi nhiều xương, ném thẳng cho cá to nó ăn. Phần thân phải đem xay nhuyễn, cá nhỏ mới ăn được”-Chị Khoa giảng giải. Mỗi ngày cho ăn 1 lượt, nhưng 4 hồ cá của chị Khoa cứ bình bình ngốn 2,5 tạ cá tươi một ngày. Tính thành tiền, riêng thức ăn cho cá đã là 2,5 triệu đồng, mỗi năm “bay mất” cả tỷ bạc như chơi. Cá nuôi chừng 1 năm đến 13 tháng thì xuất bán. Mỗi năm 7-8 tấn. Các nậu tìm về tận nơi cân mua. Giá dao động tuỳ thời điểm, mỗi kg từ 80-130 ngàn đồng. Trừ chi phí, chị Khoa cho hay chị cũng kiếm được chừng vài ba trăm triệu. Dõi theo cậu con trai Vi Vi, chị trìu mến: “Nó siêng năng giỏi giắn nổi tiếng ở đây đó. Thanh niên nhưng không đi chơi đâu cả, cứ đeo mấy con cá suốt ngày. Sáng sớm dậy là lo nấu nồi cháo cám cho cá nhỏ ăn. Rồi lại xoay ra chăm lũ cá to. Tối nửa đêm còn soi đèn kiểm tra. Thấy con cá có dấu hiệu gì bất thường là lo đi hỏi, mua thuốc về chữa trị...”
 
Trước khi tạm biệt, tôi mời Vi Vi đến chụp với mẹ kiểu ảnh. Chàng trai trẻ bẽn lẽn lảng đi cho cá ăn. Phóng mắt nhìn một vùng ao nuôi mênh mông, nhìn những chị, những anh đang cần mẫn phơi mình dưới cái nắng chao chát mùa hạ để chăm sóc cho vuông cá, vuông tôm của mình, tôi tẩn mẩn thầm nghĩ, Quảng Công có những gia đình như gia đình chị Khoa anh Việt, những thanh niên như Vi Vi, lại được Nhà nước đã và đang tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật…, cuộc sống không đổi thịt thay da mới là chuyện lạ.
 
 
Nhìn lại & vững tin
 
Từ xuất phát điểm rất thấp, ba mươi năm sau ngày tái lập, Quảng Công bây giờ đã khoác lên mình một chiếc áo mới. Nhờ tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, ưu tiên phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP của Quảng Công ngày mỗi được nâng cao, bình quân đạt 15%/năm. Thu nhập theo đầu người tính đến năm 2012 đã là 18,3 triệu đồng/năm. Cầu Tam Giang khánh thành đã nối Quảng Công với đất liền, gần lại với đô thị Huế. Hệ thống giao thông liên xã từ chỗ lầy lội cát bỏng nay đã được mở rộng, nhựa hoá. Đường liên thôn, giao thông nội đồng đang từng bước được bê tông hoá, riêng đường trục thôn tỷ lệ cứng hoá đã xấp xỉ đến 70%. Nước máy cũng đã vượt phá Tam Giang về phục vụ cho 85% số hộ của Quảng Công. 100% đã được sử dụng điện. Số hộ nghèo từ 45% của những ngày đầu nay đã được kéo xuống còn 14%…Đó thực sự là những đổi thay đến ngỡ ngàng ở miền quê bên chân sóng này. Ông Nguyễn Đính, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho hay, tính đến thời điểm này, Quảng Công đã đạt 12/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. “Đảng uỷ, UBND đang nỗ lực tập trung chỉ đạo, điều hành, huy động tối đa mọi nguồn lực để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng hội nhập và phát triển. Phấn đấu đến 2015, xã sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Riêng trong năm 2013 này cố gắng hoàn thành tiêu chí số 3 về thuỷ lợi và tiêu chí số 18 về hệ thống tổ chức.”- Ông Đính cho hay, đó là mục tiêu, là quyết tâm mà toàn Đảng bộ, chính quyền Quảng Công đang nỗ lực hướng tới.
 
Trong những ngày Tháng Tư lịch sử này, hoà cùng niềm vui chào mừng 38 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Công cũng đang nao nức tổ chức Đại hội Thể dục thể thao và kỷ niệm 30 năm ngày tái thành lập xã. Đây là dịp để Quảng Công nhìn lại chặng đường đã qua - một chặng đường không ít chông gai nhưng cũng nhiều thành tựu - để từ đó mà trân trọng, mà tự hào và vững tin cùng với nhân dân Quảng Điền, nhân dân Thừa Thiên Huế hướng đến một tương lai sáng tươi, rạng rỡ hơn nữa trong giai đoạn phát triển mới.

 

Diên Thống
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Chỉnh trang hạ tầng, đưa Thuận Hóa xứng tầm quận trung tâm

Với mục tiêu xây dựng và phát triển quận Thuận Hóa trở thành quận trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, dịch vụ du lịch…, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của TP. Huế, UBND quận Thuận Hóa đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Chỉnh trang hạ tầng, đưa Thuận Hóa xứng tầm quận trung tâm

TIN MỚI

Return to top