ClockThứ Sáu, 01/04/2016 15:10

Xăng E5 chết yểu, những dự án nghìn tỷ đi đâu về đâu?

Sản xuất liên tục thua lỗ, xăng sinh học E5 được thị trường tiêu thụ chậm nên nhiều nhà máy sản xuất nhiên liệu ethanol cho xăng sinh học E5 đã ngừng hoạt động. Mới nhất, “niềm hy vọng” của chuỗi các nhà máy nhiên liệu ethanol “nghìn tỷ” cũng đã chính thức ngừng hoạt động là Nhà máy sản xuất Bio - Ethanol Dung Quất.

Xăng E5, khó mua và khó bán

“Niềm hy vọng” của xăng sinh học E5 tại Việt Nam cuối cùng cũng phải tạm ngừng hoạt động. Đây là thông tin không mấy tốt đẹp bởi dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất là một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia với số vốn đầu tư lên đến hơn 2.200 tỷ đồng.

Đáng nói, trước khi dự án Dung Quất ngừng hoạt động số phận của 6 dự án ethanol từ quy mô trăm tỷ đến nghìn tỷ đồng cũng hết sức khó khăn, nhiều nhà máy đã phải đóng cửa ngay từ khi đưa vào sản xuất chỉ 1 năm.


Dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất - "niềm hy vọng" cuối của xăng sinh học Việt Nam đã ngừng hoạt động

Đến nay, nguyên nhân khiến hàng loạt nhà máy ethanol lâm cảnh thua lỗ, ngừng hoạt động là bài toán thị trường: sản phẩm xăng E5 không bán được; các doanh nghiệp (DN) không có thị trường.

Về hỗ trợ cho thị trường xăng E5, từ tháng 12/2014, theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xăng E5 được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E5. Đến tháng 12/2015 xăng E5 bắt đầu được áp dụng đại trà cho các phương tiện cơ giới đường bộ trên toàn quốc.

Tuy nhiên trên thực tế việc tiêu thụ xăng E5 khá chật vật do khách mua ít, giá xăng E5 không thấp hơn xăng A92 là bao nhiêu. Bên cạnh đó, tâm lý người dân vẫn còn e ngại xăng sinh học. Tại Hà Nội, năm 2014 - 2015, theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội trên địa bàn Hà Nội hiện có 47 địa điểm kinh doanh xăng E5, trải rộng ra các cây xăng từ ngoại thành đến nội thành.

Các đơn vị chịu trách nhiệm phân phối là Công ty Xăng dầu dầu khí (PVOil Hà Nội); Công ty Xăng dầu khu vực I; Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình; Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty Hóa dầu quân đội...

Theo tìm hiểu của PV, tiêu dùng xăng E5 tại Hà Nội dù vẫn còn lác đác ở một vài điểm song việc mua xăng E5 đã trở lên khó khăn. Người dân khu vực nội thành thường phải di chuyển xa mới mua được loại xăng này. Trong các địa điểm bán xăng E5, địa điểm còn bán nhiều nhất loại xăng E5 là cây xăng của Pvoil số 1 Trần Cung giao cắt với đường Hoàng Quốc Việt, nhân viên bán xăng E5 tại đây cho hay: Xăng E5 chủ yếu được bán cho xe máy là chính, lượng ô tô đến mua xăng E5 rất ít.

Ngoài ra, dân sử dụng ô tô con tại Hà Nội đang rỉ tai nhau chuyện không mua và sử dụng loại xăng E5 vì xe không “bốc” như khi dùng A92, máy khi đổ xăng E5 tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn so với dùng xăng thông thường. Một khách hàng cho hay:“Giá xăng sinh học E5 gần bằng xăng A92 nên không hấp dẫn người dân mua sản phẩm mới. Xăng E5 dùng đi máy không bốc, tôi cũng dùng xăng E5 nhưng không biết sử dụng lâu dài sẽ như thế nào, có ảnh hưởng đến động cơ hay không”.

Về phía các DN kinh doanh xăng dầu, một đại lý kinh doanh xăng dầu tại Cầu Giấy cho hay: Lượng tiêu thụ xăng E5 trong ngày vẫn còn thấp, chỉ bằng khoảng 20 - 30% mức tiêu thụ xăng A92, thậm chí có một số cửa hàng chỉ bằng 5 - 7% so với xăng A92. Chính vì vậy, xăng E5 chưa mang lại hiệu quả cao so với bán xăng A92.

Bên cạnh đó, nhiều DN cung ứng cho biết, kinh doanh xăng E5 không có hiệu quả bởi theo tính toán dù giá bán 1 lít xăng E5 hiện nay thấp hơn xăng A92, nhưng trong phối trộn phải sử dụng 95% nguyên liệu là xăng A92 nên tốn nhiều chi phí vệ sinh bồn bể. Một số DN cho biết, kinh doanh xăng E5, lỗ ít nhất 300 đồng/lít.

Số phận các dự án nghìn tỷ đi đâu?

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dù trên toàn quốc có 7 dự án nhà máy sản xuất ethanol (E100, cồn để pha trộn xăng E5) với tổng công suất hơn 239.000 tấn ethanol/năm nhưng đến nay hầu hết các dự án đều ngừng hoạt động.

Cụ thể, từ năm 2008, Việt Nam đã tiến hành xây dựng và đưa vào hoạt động 7 nhà máy ethanol trong đó 3 nhà máy quy mô nghìn tỷ đồng do các DN ngành dầu khí đầu tư còn lại 4 nhà máy ethanol của tư nhân với số vốn từ 500 tỷ đồng đến gần 1.000 tỷ đồng.

Bốn nhà máy Ethanol thuộc đầu tư của các DN tư nhân là Nhà máy Đại Tân (Quảng Nam), số vốn hơn 500 tỷ đồng; nhà máy Tùng Lâm (Đồng Nai), số vốn hơn 928 tỷ đồng; Nhà máy ethanol Đại Việt (Đắc Nông), số vốn hơn 500 tỷ đồng và Nhà máy ethanol Đắc Tô (Kon Tum),số vốn hơn 480 tỷ đồng

Đáng chú ý, trong số các dự án nhà máy Ethanol phải ngừng hoạt động đều là những dự án hơn 2.000 tỷ đồng. Nhà máy ethanol Phú Thọ được triển khai xây dựng tại xã Cổ Tiết (Tam Nông, Phú Thọ) từ tháng 9/2008 với tổng số vốn hơn 2.400 tỷ đồng, công suất 79.000 tấn/năm. Nhà máy Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) công suất 79.000 tấn Ethanol/năm, tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng và Nhà máy Ethanol Bình Phước cũng được khởi công xây dựng và hoàn thành tháng 12/2012 nhưng từ tháng 3/2013 nhà máy này đã tạm dừng hoạt động vì sản phẩm không tiêu thụ được.

Ra đời rất nhanh với số vốn lớn song đến nay hầu hết các dự án thuộc quy mô lớn và rất lớn này đã ngừng sản xuất. Nguyên nhân được chỉ ra chính là do không tiêu thụ được sản phẩm dù Nhà nước đã có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 5% nhằm giảm giá, kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, số phận của các dự án, nhà máy sản xuất nguyên liệu xăng E5 vẫn mịt mờ.

Trao đổi với PV Dân Trí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Mặc dù Chính phủ và Bộ, ngành có rất nhiều chủ trương kích thích sử dụng xăng sinh học E5 như một giải pháp để giảm ô nhiễm môi trường và cam kết cắt giảm hiệu ứng Nhà kính, tuy nhiên, lộ trình và số phận của xăng E5 vẫn rất trắc trở và đến nay, có thể nói số phận của các nhà máy ethanol có thể đã chấm hết.

Nguyên nhân chính, theo ông Ngô Trí Long: "Chúng ta chưa xác định được thị trường, tâm lý người tiêu dùng khi đưa vào một sản phẩm mới, trong khi đó giá lại không rẻ hơn so với xăng A92 dù Nhà nước đã giảm thuế. Bên cạnh đó, các chiến dịch tiếp thị xăng E5 chưa rộng rãi đến với người tiêu dùng, người tiêu dùng vẫn hồ nghi về tính hiệu quả sử dụng xăng E5".

Nguyễn Tuyền (Theo Dân trí)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuẩn bị “phủ sóng” xăng sinh học E5

Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đang tích cực đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bồn bể để đảm bảo thực hiện theo đúng lộ trình kế hoạch phân phối nhiên liệu sinh học xăng E5 thay thế xăng RON92 từ đầu năm 2018.

Chuẩn bị “phủ sóng” xăng sinh học E5

TIN MỚI

Return to top