ClockThứ Năm, 16/09/2021 06:30

Xuân Lộc thúc đẩy kinh tế gò đồi

TTH - Là xã vùng gò đồi, có tổng diện tích đất lâm nghiệp 3.878/4.382ha đất tự nhiên, Đảng ủy xã Xuân Lộc (Phú Lộc) xây dựng Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng gia trại, trang trại nhằm thúc đẩy kinh tế gò đồi của địa phương.

Rừng trồng gỗ lớn ứng phó biến đổi khí hậuSức trẻ Hương BìnhPhú Sơn bứt phá trong quá trình xây dựng nông thôn mới

Sau 1 năm, diện tích cây hồ tiêu của ông Phan Văn Phước đã cho lãi ròng 30 triệu đồng

Đa dạng mô hình 

Diện tích cây hồ tiêu của ông Phan Văn Phước, thôn Phụng Sơn đang giai đoạn phát triển trông xanh tốt. Hơn 1 ha cây trồng này trước đây là đất sản xuất kém hiệu quả. Theo chủ trương mới của cấp ủy các cấp ở địa phương, ông Phước mạnh dạn chuyển đổi, trồng cây hồ tiêu từ tháng 6/2020, sau hơn 1 năm đã cho thu hoạch, có lãi.

Ông Phước cho biết, được cấp ủy chi bộ quán triệt chủ trương về phát triển kinh tế vùng gò đồi, đồng thời được chính quyền địa phương tạo điều kiện về nguồn vốn vay, Hội Nông dân xã tổ chức tập huấn mô hình sản xuất vườn đồi đem lại hiệu quả kinh tế cao, bà con trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả. Hưởng ứng phong trào sản xuất mới, ngoài chuyển đổi 1ha hồ tiêu, ông Phước đầu tư trồng thêm 7 sào cau và 3 sào chuối xen cau, dự kiến 2 năm sau sẽ cho thu hoạch. “10 sào cau và chuối này sẽ đem lại cho gia đình thêm nguồn thu ít nhất 80 triệu đồng mỗi năm” - ông Phước nhẩm tính.

Cách nhà ông Phương không xa, hộ gia đình anh Nguyễn Đức Hòa, ở cùng thôn Phụng Sơn cũng là điển hình trong phong trào phát triển kinh vùng gò đồi ở địa phương.

Được chính quyền, tổ chức đoàn thể của xã tạo điều kiện, anh quy hoạch vùng sản xuất, đa dạng các loại cây trồng có giá trị kinh tế gồm 1ha tiêu, 3ha bưởi da xanh, hơn 1ha sầu riêng, 5 sào thanh long ruột đỏ và gần 10 sào dưa hấu. Chưa kể diện tích rừng kinh tế, thu nhập của gia đình anh từ mô hình ước tính mỗi năm khoảng 160-180 triệu đồng.

Trưởng thôn Phụng Sơn, ông Trần Hòa cho biết thêm, thôn còn có mô hình chăn nuôi heo rừng trên vùng đồi như hộ anh Bùi Hữu Phước đầu tư trại nuôi rộng hơn 2 sào bằng trụ bê tông, đúc móng, kéo lưới sắt... với tổng kinh phí đầu tư trên 300 triệu đồng. Theo ông Trần Hòa, toàn thôn có 118 hộ, trước đây hầu hết bà con chỉ trồng rừng kinh tế, bình quân mỗi hộ 2-3ha. Sau khi có chủ trương về phát triển kinh tế vùng gò đồi của Đảng ủy xã, cấp ủy chi bộ đã lãnh đạo Nhân dân phát triển hiệu quả các mô hình sản xuất mới, đa dạng các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Xóa tập quán canh tác nhỏ lẻ 

Với diện tích đất lâm nghiệp 3.878 ha, ngay sau Đại hội Đảng bộ Xuân Lộc nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo bằng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế vùng gò đồi nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, đồng thời khuyến khích các hộ có điều kiện làm trang trại, gia trại. Bước đầu, toàn xã đã trồng mới 23ha cây ăn quả gồm bưởi da xanh, sầu riêng, thanh long ruột đỏ và tham gia trồng rừng chứng chỉ FSC được 95ha.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, ông Nguyễn Ngọc Sinh cho hay, để tạo bước đột phá mới, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng gò đồi trong giai đoạn từ nay đến 2025, địa phương xác định 3 loại cây trồng chính là cây lâm nghiệp, cây dược liệu và cây ăn quả. Đồng thời, khuyến khích các hộ gia đình phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại và trang trại, mở rộng các mô hình nuôi gà thả đồi, mô hình nuôi lợn bản địa với hình thức bán chăn thả...

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sinh, đối với công tác quy hoạch xã sẽ xem xét có cơ chế như dồn điền đổi thửa, hoán đổi, thuê, mượn, tích tụ đất để trở thành một vùng sản xuất tập trung. Cùng với đó, quan tâm thêm các nguồn vốn khác như vốn hỗ trợ sản xuất theo Quyết định 32 của UBND tỉnh, vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng nông nghiệp, vốn từ các tổ chức đoàn thể, từ các chương trình, đề án… nhằm tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất.

Để xóa tập quán canh tác nhỏ lẻ tiến tới các mô hình gia trại, trang trại có giá trị kinh tế cao, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải làm nòng cốt trong công tác định hướng, vận động, hướng dẫn. Đồng thời, các hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên phải là nòng cốt, đỡ đầu, tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện. Trong đó, quan tâm đến chất lượng, tạo thương hiệu sản phẩm của địa phương, liên kết tiêu thụ theo các quy chuẩn như gỗ rừng chứng chỉ FSC, trái cây chất lượng VietGAP...

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp

Chiều 9/1, Ban quản lý (BQL) các khu kinh tế, công nghiệp thành phố Huế tổ chức tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương dự, chỉ đạo hội nghị.

Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp
“Xuân yêu thương” đến với đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 5/1, Phòng Dân tộc huyện Phú Lộc phối hợp với Hội Cựu giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế cùng các nhà tài trợ tổ chức chương trình trao quà "Xuân yêu thương 2025". Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm mang đến niềm vui, sự sẻ chia cho đồng bào dân tộc thiểu số trong dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.

“Xuân yêu thương” đến với đồng bào dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Return to top