ClockThứ Tư, 12/04/2017 05:51

Ước mơ giữa vùng cát

TTH - Vướng vòng lao lý, cải tạo trở về, anh Đỗ Đình Đống (tổ dân phố Trạch Tả, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) đã bắt tay khai hoang, biến vùng cát mênh mông “xanh hóa” trong chồi non trang trại.

Trang trại tổng hợp, mang lại giá trị kinh tế khá cao của anh Đỗ Đình Đống

Đầu xanh, cát trắng

Một ngày cuối năm 2009, ông Đỗ Phi (71 tuổi), bỗng ngã quỵ trên ruộng cát khi nghe tin con trai mình vô tình điều khiển xe máy gây tai nạn, rồi vướng vòng lao lý. Kể lại những tháng ngày đó, ông Phi bảo, tất cả với ông như một định mệnh, bởi sau đó, bao ước mơ của ông, của chàng thanh niên Đỗ Đình Đống phải gác lại trên ruộng nương.

Tháng 5/2011, nhờ cải tạo tốt, Đống được ra tù trước thời hạn. Anh trở về vùng cát Trạch Tả, bắt tay xây dựng lại ước mơ còn dang dở. Anh Đống kể: Từ khi mình sa chân, hơn 3 mẫu lúa của gia đình bỏ hoang vì bố, mẹ đã lớn tuổi, không làm nổi. Ngày trở về, việc đầu tiên của mình là đi ra rú cát.

Hành lý Đống mang vào rú cát là một chiếc radio, tấm bạt và cơm đùm gạo bới để dựng chòi. Ròng rã mấy tháng trời, khi mảnh ruộng thành hình thì bắt đầu xuống giống. Lúa làm một vụ, lại nằm giữa vùng cát nên khi bắt tay khai hoang vô cùng nhọc nhằn. Nhưng mồ hôi đổ xuống đã mọc lên mầm xanh của lúa.

 Anh Đống cùng bố chăm sóc cây măng tây tại trang trại

"Mùa gặt, hai cha con hì hụi cắt, bó, rồi gánh. Gánh cả tuần mới xong 3 mẫu ruộng”, anh Đống nhớ lại. Mùa gặt gần giữa năm, nắng chang chang trên vùng cát trắng. Dân làm ruộng bỏ vườn chỉ một nỗi là đôi chân không thể chịu được sức nóng khi bước trên cát. Thế là anh phải “cải tiến” giày rơm, giày cỏ như thuở người lính Tây Sơn trong hành trình giữ yên bờ cõi!

Giữa vùng rú cát, không có điện, anh bầu bạn với chiếc radio mang theo. “Những lối mòn giữa rú, đi mãi rồi sẽ thành đường. 34 tuổi, không lẽ... chấm hết? Mình sẽ xanh hóa ước mơ trên vùng cát, như “xanh hóa” lại chính cuộc đời mình”, anh Đống triết lý.

Năm 2012, khi đang giữ lúa giữa rừng cây, sét đánh chết 9 con trâu của một chủ trang trại gần đó. Cả làng Trạch Tả nhốn nháo. Cứ ngỡ “thằng Đống” chết rồi. Nhiều người kháo miệng nhau vào rú cát mà mang xác nó ra. Bố anh Đống lại một phen thất thần. Cứ mỗi lần nhắc lại chuyện này, anh Đống lại cười hiền: “May mình phước lớn mạng lớn. Có lẽ “trời thương” khi bao ước mơ còn dang dở!”.

Thế rồi, vùng ruộng đưa vào quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, chính quyền thu hồi đất. Anh “dời” trang trại về vùng đất mới ở tổ dân phố Trạch Tả bây giờ. Được chính quyền tạo điều kiện cấp đất, anh Đống cùng bố lại phát triển trang trại trên diện tích hơn 1ha với các loại cây con cùng nhiều mô hình mới.

Đưa măng tây về vùng cát

Anh Đống khiêm tốn: Thật ra, mình chưa có gì để gọi là “cơ ngơi” cả. Vì bao công sức, cố gắng đều được “tái đầu tư” trở lại. Duy chỉ có mô hình măng tây đang mang lại thu nhập khá ổn định, là dấu ấn của công sức hai bố con mình và cả chính quyền địa phương.

Khi về lập trang trại, anh loay hoay mãi với mô hình nuôi lợn giống, vịt chạy đồng. Đầu năm 2016, UBND thị trấn Phong Điền hỗ trợ giống, hệ thống bơm nước (kinh phí khoảng 30 triệu đồng), giúp anh mở gần 500m2 giống cây măng tây trong khu trang trại.

Anh Đống chia sẻ: “Loại cây nhập ngoại này có đặc tính ưa thích đất cát nắng nhiều; chỉ tốn công chăm sóc, làm cỏ. Qua mỗi mùa đông, công việc làm đất, bổ sung phân tro là quan trọng bởi giúp phục hồi dinh dưỡng cho cây. Bắt đầu trồng tháng thứ 6 trở đi là măng tây cho thu hoạch. Mỗi ngày thu hoạch 2-3kg, với giá bán từ 100-120 nghìn đồng/kg, trồng không kịp mà bán”.

Măng tây với giá trị dinh dưỡng cao, lại là mô hình đầu tiên của huyện Phong Điền nên đầu ra của sản phẩm khá ổn định. Hàng ngày, gia đình anh sẽ thu hoạch bán theo “đơn” đặt hàng của những người tại địa phương có nhu cầu đặt mua qua điện thoại hoặc mang ra chợ. Có nguồn thu nhập ổn định, anh Đống vay thêm vốn ngân hàng và anh em bà con, sắm thêm máy cày, máy gặt và thổi lúa, vừa phục vụ sản xuất trong khu trang trại mình, vừa làm dịch vụ bên ngoài.

Ngoài nuôi 20 con bò lai, 10 con trâu, 3 lợn nái và vài chục con gà, vịt, anh còn thu mua nguyên liệu, nấu dầu tràm nguyên chất tại trang trại để bán cho người dân có nhu cầu. Những ngày này, anh Đống đang tất bật làm đất, dự định của anh là đưa thêm 1ha diện tích măng tây, dưa hấu vào sản xuất và xây dựng hệ thống hạ tầng ra trảng cát.

“Đất đai giữa rú cát còn nhiều, chính quyền địa phương tạo điều kiện, sợ mình không có sức mà làm thôi. Doanh thu của trang trại mỗi năm của mình chỉ trên dưới 200 triệu đồng. Đó là con số chưa lớn, nhưng đối với mình, là thành quả bước đầu bởi bất cứ một thanh niên nào có “xuất phát điểm” cộng với cái “lý lịch” như mình cũng là ước mơ rồi”, anh Đống bộc bạch.

Ông Đoàn Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phong Điền cho biết, trang trại của anh Đỗ Đình Đống là mô hình đầu tiên triển khai trồng cây măng tây thành công tại địa phương cùng nhiều mô hình hiệu quả. Là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, được nhiều nông dân trên địa bàn đến học hỏi kinh nghiệm để đưa vào sản xuất. “Từ thành công bước đầu này, thị trấn quy hoạch phát triển lên 5ha cây măng tây và lâu dài sẽ 20 ha. Khi đưa vào trồng với diện tích lớn, chính quyền địa phương sẽ kết nối các doanh nghiệp, siêu thị để tìm đầu ra ổn định cho nông sản này”, ông Hùng khẳng định.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bốn mùa tình nguyện

Không kể mùa đông hay mùa hạ, mùa nắng hay mùa mưa, dấu chân tình nguyện của tuổi trẻ Huế đã đem đến cho đồng bào những con đường sáng, những ngôi nhà tinh tươm, những mảnh vườn được vun xới... Với những chàng trai, cô gái trẻ, đó là hành trình được cống hiến, được trưởng thành.

Bốn mùa tình nguyện

TIN MỚI

Return to top