ClockChủ Nhật, 04/11/2018 15:09

Nuôi tôm chân trắng bằng công nghệ nano

TTH - Trong điều kiện nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) tại vùng cát ven biển trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, mới đây cán bộ, giảng viên Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông lâm Huế đã nghiên cứu, thí điểm thành công mô hình nuôi tôm TCT bằng công nghệ nano (CNNN) với nhiều ưu điểm, phù hợp với vùng cát ven biển.

Bảo vệ tôm chân trắng trong mùa mưa lũXử lý rốt ráo nuôi tôm chân trắng trái phép trên phá Tam GiangNuôi tôm chân trắng vào vụ chính

Thu hoạch tôm

Mô hình nuôi tôm TCT bằng CNNN tại xã Phú Thuận (Phú Vang) được xây dựng theo quy trình khép kín với 3 ao nuôi rộng gần 1ha và các ao lắng nằm giữa cánh rừng phi lao. Cứ mỗi ao nuôi có từ 1-2 giàn quạt điện quay đều thường xuyên để tạo nguồn ô xi cho ao tôm. Cán bộ, công nhân ở đây thay phiên túc trực cả ngày lẫn đêm, chăm sóc từ cho tôm ăn đến xử lý môi trường.

Ông Trần Văn Cư ở xã Phú Thuận, một người tham gia mô hình nuôi tôm TCT bằng CNNN, tự tin: “Với nhiều hộ nuôi tôm, việc để người khác vào ao nuôi rất khó khăn nhưng với mô hình của chúng tôi thì sẵn sàng tiếp bất cứ ai vào tham quan, học tập mô hình”.

Một trong những điều kiện bắt buộc trong nuôi tôm TCT bằng CNNN là tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật vì đây là mô hình nuôi chuyên canh, hướng đến công nghiệp. Con giống phải mua từ những cơ sở sản xuất có uy tín, có chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Kích cỡ tôm giống phải đồng đều, màu sắc sáng đẹp, không mang mầm bệnh và được kiểm tra bằng kỹ thuật PCR để bảo đảm tôm đưa vào nuôi không bị bệnh. Tôm giống trước khi thả phải đạt post 12 trở lên, với mật độ 150 con/m2, thả nuôi trong điều kiện cân bằng nhiệt độ nhằm tránh cho tôm không bị sốc bằng cách để những bao tôm giống xuống ao nuôi trong vòng 5-10 phút. Nguồn nước được dẫn từ biển vào ao nuôi phải qua hệ thống lọc thô, tiến hành chạy quạt liên tục, hòa đều 3 lít dung dịch N1 diệt khuẩn. Sau 24 giờ, sử dụng 250g men vi sinh super bio bạc kết hợp với 5kg đường mật để gây màu nước. Định kỳ sau 7 ngày thay 30% nước và cấp bổ sung khi mực nước trong ao thất thoát. Sau khi cấp nước, sử dụng 1 lít dung dịch N1 nước để diệt khuẩn, thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường. Tùy thuộc vào nhiệt độ, màu nước, tình trạng sức khỏe tôm để điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp, theo dõi thường xuyên để giảm lượng thức ăn trong giai đoạn lột xác và tăng sau khi lột xác...

Ông Cư cởi mở: “Quản lý tốt nguồn thức ăn vừa giảm chi phí, tăng chất lượng nước vừa làm sạch đáy ao và hạn chế dịch bệnh, tảo độc phát triển giúp tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Khi cho tôm ăn, trộn thức ăn với các loại vi sinh, vitamin, bổ sung khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng, tăng hiệu quả chuyển hóa thức ăn. Sau 15 ngày thả nuôi, trộn đều 100ml dung dịch nano 2 với 1kg thức ăn, cho tôm ăn một lần/ngày để phòng các bệnh do vi khuẩn vibrio spp gây ra”.

Thả các bao tôm giống xuống hồ 5-10 phút mới thả nuôi

Ưu điểm của việc sử dụng dung dịch nano là diệt hầu hết các loại vi khuẩn, vi rút, các loại nấm gây hại, xử lý và cải tạo môi trường, đặc biệt môi trường nước bị ô nhiễm; phòng và diệt nguồn bệnh trong ao nuôi, nhất là bệnh do vi khuẩn vibrio spp. Gần bốn tháng nuôi, tôm không xảy ra các loại dịch bệnh. Dung dịch nano còn khử mùi hôi tanh của nước, đặc biệt đối với những ao nuôi có chất thải hữu cơ từ phân gia súc và gia cầm. Ông Cư phấn khởi: “Năng suất tôm thu hoạch sau gần 4 tháng nuôi, đạt 17 tấn/ha. Tôm đạt trọng lượng bình quân từ 70-80 con/kg”.

TS. Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông lâm Huế, người trực tiếp nghiên cứu mô hình, đúc kết: Từ thực tế nuôi TCT sử dụng dung dịch nano, chúng tôi không sử dụng dung dịch nano tạt trực tiếp lên ao nuôi nhằm tránh gây biến động môi trường mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm, thay vào đó sử dụng dung dịch nano xử lý nước qua ao lắng mới tạt lên ao nuôi. Sau đó, thay 30% lượng nước trong ao nuôi. Trường hợp cần thiết sử dụng dung dịch nano tạt trên ao nuôi thì sau 2-3 ngày phải bón ngay men vi sinh, kết hợp thay 30% nước trong ao nuôi, một mặt gây lại các loài vi sinh có lợi, một mặt phân hủy cặn bã hữu cơ. Thời gian tốt nhất để sử dụng dung dịch nano xử lý nước là vào 9-10 giờ sáng nhằm phát huy tác dụng, đồng thời dễ theo dõi biến động của môi trường nước. Định kỳ kiểm tra tỷ lệ sống của tôm để cho lượng thức ăn phù hợp tránh gây lãng phí và ô nhiểm môi trường nước.

Theo TS. Mạc Như Bình, tôm TCT có nguồn gốc từ Nam Mỹ du nhập vào Việt Nam năm từ 2001. Tại vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu nuôi tôm TCT từ năm 2002 đến nay. Tuy nhiên những năm gần đây tôm TCT đang đối mặt với nhiều khó khăn, diện tích nuôi mở rộng nhưng thiếu quy hoạch, con giống kém chất lượng, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh thường xuyên. Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh trên tôm TCT, như virus, nấm, kí sinh trùng, bệnh dinh dưỡng và đặc biệt là do vi khuẩn.

Lâu nay việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh rất phổ biến. Tuy nhiên trong nuôi trồng thủy sản chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh khi cần thiết, khi không còn phương cách nào khác để kiểm soát dịch bệnh vì việc sử dụng kháng sinh sẽ làm xáo trộn sự cân bằng vốn rất mong manh của môi trường thuỷ sinh, làm cho các sinh vật nuôi phải chịu nhiều điều kiện khắc nghiệt hơn. Kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn trên động vật thủy sản cũng không còn hiệu quả cao, do các dòng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng tăng.

Trước tình hình đó cần có các phương pháp nghiên cứu và chữa trị mới, một trong những xu hướng được đánh giá cao là ứng dụng CNNN. Việc sử dụng dung dịch nano mang lại những ưu điểm vượt trội như hạn chế việc sử dụng chế phẩm sinh học, kháng sinh có hại cho môi trường, tăng hiệu quả tác động lên tế bào tác nhân gây bệnh dẫn đến giảm dư lượng kháng sinh trên tôm và trong xử lý ô nhiễm môi trường nước. Mặc dù dung dịch nano sở hữu nhiều tính chất ưu việt nhưng vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi ở nước ta trong nuôi TCT. Đó chính là lý do để đội ngũ giảng viên tiến hành nghiên cứu quy trình kỹ thuật nuôi tôm TCT ứng dụng CNNN tại xã Phú Thuận.

CNNN là hệ nano tổ hợp mang kháng sinh Ag-TiO4-Dox-Alginate được chế tạo và nghiên cứu bởi Viện Khoa học Vật liệu, Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông lâm Huế. Sản phẩm đã được thử nghiệm và phân phối ra thị trường bởi Công ty TNHH MTV Khoa học Công nghệ Khánh Hoàng tại Thừa Thiên Huế; có khả năng xử lý môi trường nước, diệt vi khuẩn vibrio gây các bệnh: phân trắng, gan tụy cấp, mòn đuôi, cụt râu ở tôm…

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nuôi tôm trên ruộng lúa nhiễm mặn

Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh thí điểm thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng đất trồng lúa bị nhiễm mặn, phèn mở ra hướng đi mới trong tiến trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh.

Nuôi tôm trên ruộng lúa nhiễm mặn
Hướng đến nuôi tôm hai và ba giai đoạn

Trong điều kiện nuôi tôm trên cát thường xảy ra dịch bệnh, thua lỗ, ngành nông nghiệp đang hướng người dân chuyển sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao, bằng ao tròn, hai và ba giai đoạn.

Hướng đến nuôi tôm hai và ba giai đoạn
Nâng tầm tôm Việt cùng phát triển sản phẩm OCOP

Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2023 (gọi tắt là Festival Tôm) là lễ hội lớn nhất về ngành hàng tôm, có quy mô cấp khu vực, được tỉnh Cà Mau lần đầu tiên đăng cai tổ chức.

Nâng tầm tôm Việt cùng phát triển sản phẩm OCOP
Hướng đến nuôi tôm an toàn, bền vững

Không còn là những vụ nuôi khấp khởi thu hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng như trước, nuôi tôm chân trắng trên cát ven biển, đầm phá giờ đây đối mặt với dịch bệnh triền miên. Nguyên nhân ban đầu được xác định đến từ vấn nạn ô nhiễm môi trường vùng nuôi, nguồn nước cấp và thoát.

Hướng đến nuôi tôm an toàn, bền vững

TIN MỚI

Return to top