ClockThứ Hai, 12/09/2022 06:09

Năng suất, giá lúa thấp: Nông dân thua lỗ

TTH - Vụ lúa hè thu không chỉ năng suất bình quân giảm hơn 5 tạ/ha, mà giá sản phẩm còn thấp hơn vụ trước 500-700 đồng/kg.

Quảng Điền: Đẩy nhanh thu hoạch lúa hè thu nhằm tránh thiệt hạiXây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo ViệtXuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nông dân vẫn nghèo: Sẽ giảm trồng lúa

Kiểm tra, đánh giá chất lượng lúa hè thu

Hầu hết diện tích lúa vùng thấp trũng như Quảng Điền, TP. Huế, Phú Vang, Phong Điền… đến nay đã thu hoạch xong. Nông dân có thể thở phào nhẹ nhõm khi các ruộng lúa thu hoạch xong trước mùa mưa lũ. Chỉ riêng tại huyện miền núi A Lưới vẫn còn một số đồng ruộng gieo cấy chậm, dự kiến vài ngày nữa mới thu hoạch.

Dù yên tâm trước diện tích lúa thu hoạch “vượt lũ”, nhưng nông dân vẫn không hoàn toàn vui khi năng suất lúa vụ hè thu này rất thấp so với các vụ trước. Nhiều xứ đồng, vựa lúa của tỉnh từng đạt năng suất bình quân cao nhất tỉnh như Quảng An, Quảng Thành, Quảng Phú (Quảng Điền)… đến 70-72 tạ/ha, nay chỉ đạt 60-62 tạ/ha, giảm đến 10 tạ so với vụ hè thu trước.

Ông Nguyễn Xuân Hiếu ở xã Quảng An (Quảng Điền) chia sẻ, ảnh hưởng trận lũ bất thường trong vụ đông xuân khiến vụ hè thu này gieo cấy chậm trễ một tuần đến mười ngày. Nông dân như “ngồi trên lửa” vì lo vụ hè thu khó có thể thu hoạch hoàn thành trước lũ. Nỗi lo ấy của người dân được giải tỏa khi phần lớn diện tích thu hoạch xong trước ngày 5/9 theo lịch thời vụ. Một số diện tích chín muộn cũng hoàn thành trước ngày 10/9.

Vậy nhưng, ông Hiếu cũng như người dân kém phần vui mừng khi năng suất lúa khá thấp. 10 sào lúa của ông Hiếu chỉ đạt hơn 3 tấn, bình quân năng suất chỉ đạt chừng 60 tạ/ha. Trong khi đó, vụ hè thu hằng năm ở xã Quảng An nói chung, HTXNN Đông Phú (xã Quảng An) nói riêng đều đạt bình quân 70 tạ trở lên/ha. Năng suất đạt thấp, song giá vật tư, phân bón lại tăng cao khiến vụ hè thu lỗ nặng.

Một đồng ruộng vừa thu hoạch xong

Giám đốc HTXNN Đông Phú, ông Lê Văn Thứ khẳng định, chưa có vụ hè thu nào năng suất lúa tại địa phương lại thấp như vụ này. Có nhiều nguyên nhân khiến sản lượng lúa không như mong muốn, chủ yếu do thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán và sâu bệnh kéo dài từ đầu đến cuối vụ. Có hơn một nửa diện tích toàn vụ bị các loại sâu bệnh gây hại như cuốn lá, khô vằn, nhện gié, lem lép hạt… Trong đó, bệnh lem lép hạt gây hại nặng, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng sản phẩm.

Giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao buộc một bộ phận người dân phải sử dụng phân bón tiết kiệm quá mức, nhiều đồng ruộng thiếu phân bón nên sinh trưởng kém, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Thiếu phân, thuốc cũng là nguyên nhân khiến lúa sinh trưởng yếu, trổ không đồng đều… dễ phát sinh và lây lan các loại sâu bệnh gây hại.

Không chỉ năng suất lúa đạt thấp, giá lúa vụ hè thu này còn thấp hơn nhiều so với các vụ trước khiến sản xuất thua lỗ nặng. Giám đốc HTXNN Quảng Thọ 2 (Quảng Điền), ông Nguyễn Lương Trí thông tin, giá lúa vụ hè thu này cũng quá thấp và ít doanh nghiệp, thương lái thu mua, khả năng sẽ tồn đọng lớn sản phẩm, ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất vụ tiếp theo. Điển hình như một số sản phẩm lúa TH5, NA2 chỉ có giá 5.700 - 5.800 đồng/kg, giảm 500-700 đồng so với vụ đông xuân. Với giá này, nông dân sản xuất thua lỗ các khâu đầu tư làm đất, công gieo sạ, chăm sóc.

Nông dân Nguyễn Xuân Hiếu ở xã Quảng An nhẩm tính, bình quân mỗi sào lúa chi phí giống, công gieo cấy, thu hoạch, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thủy lợi… trên 1,2 triệu đồng; riêng phân bón chi phí khoảng 500 ngàn đồng. Trong khi đó, với mỗi sào chỉ đạt 3 tạ, giá mỗi tạ chỉ dao động 570- 580 ngàn đồng tùy thuộc vào từng loại sản phẩm nên nông dân lỗ công chăm sóc, làm đất, gieo sạ…

Thương lái thu mua lúa Đặng Thị Ẩn ở TP. Huế cho rằng, làm nghề thu mua lúa từ hàng chục năn nay chưa bao giờ gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm như các vụ gần đây. Chất lượng lúa vụ hè thu này khá thấp, không đồng đều cũng là nguyên nhân khiến giá thấp. Hiện tại bà Ẩn còn tồn đọng 10 tấn lúa từ vụ đông xuân, chưa thể bán được, một phần giá quá thấp, phần các doanh nghiệp không thu mua. Vậy nên, vụ hè thu này bà Ẩn không thể thu mua thêm lúa của bà con nông dân, tránh kinh doanh thua lỗ.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Lê Văn Anh đánh giá, năng suất lúa toàn tỉnh vụ hè thu này thấp hơn vụ hè thu trước khoảng 2,5-3 tạ/ha, lại khó tiêu thụ. Nguyên nhân chính là thời tiết vụ này diễn biến thất thường, phức tạp, nắng hạn kéo dài, nhiều loại sâu bệnh, chuột gây hại trên diện rộng… ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong khi giá lương thực thế giới nhìn chung có xu hướng tăng, nhưng giá lúa vụ này trên địa bàn tỉnh lại giảm bình quân từ 500-700 đồng/kg; theo lý giải của cơ quan chức năng nguyên nhân giá lúa giảm là do chất lượng sản phẩm vụ lúa này khá thấp, ít doanh nghiệp thu mua, tập trung vào các giống như Khang dân, TH5, NA2...

Vụ lúa hè thu 2022, toàn tỉnh gieo cấy khoảng 24.600ha, đến nay cơ bản thu hoạch xong. Riêng khoảng 700-800ha tại huyện A Lưới gieo cấy muộn, sắp chín và sẽ thu hoạch trong vài ngày tới theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm tránh thiệt hại do bão lũ.

Bài, ảnh: HOÀNG THẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Phong Điền hiến gần 27.000 m² đất

Ngày 24/12, Hội Nông dân huyện Phong Điền tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào Nông dân năm 2024; tổng kết thực hiện Nghị quyết 29-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa VI) về “Nâng cao chất lượng phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2024”.

Nông dân Phong Điền hiến gần 27 000 m² đất
“Phải tự vươn lên”

“Tôi luôn dặn lòng mình phải nỗ lực để tự vươn lên, bởi chẳng ai có thể giúp đỡ mình mãi ngoài chính bản thân mình”, đó là điều ông Lê Quý (ngụ ở thôn Mong B, xã Phú Gia, huyện Phú Vang) luôn dặn bản thân khi đối mặt với những biến cố trong đời, để có cuộc sống tốt đẹp.

“Phải tự vươn lên”
“Sống khỏe” bằng nghề

Khi giới thiệu về Nguyễn Văn Minh Phồn cùng cơ sở sản xuất đồ nhựa nội thất của anh, chị Hà Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu (TP. Huế) cho biết, đây là gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn.

“Sống khỏe” bằng nghề
Anh Ngữ vượt khó thành công

Dù gặp khó do thị lực yếu, nhưng anh Nguyễn Văn Ngữ (xã Hương Phong, TP. Huế) vẫn tạo lập nên cơ ngơi khang trang nhờ hướng đi mới, đó là sản xuất các loại phân hữu cơ cung ứng cho thị trường.

Anh Ngữ vượt khó thành công
“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

Ngoài mảnh đất Niêm Phò - nơi lưu giữ những những ký ức về tuổi thơ thì mảnh đất Nam Dương thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền là một phần không thể thiếu trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của chàng thanh niên Nguyễn Vịnh. Và chính tại làng quê này, anh đã gặp và thầm cảm mến cô gái dịu hiền, thùy mị với đôi mắt đen thông minh có tên là Nguyễn Thị Cúc - người sau này đã trở thành người vợ thủy chung, “hậu phương” vững chắc cùng gắn bó bên nhau qua mọi gian khó, thăng trầm với người chồng của mình - Nguyễn Vịnh (sau này Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

TIN MỚI

Return to top