ClockThứ Hai, 18/11/2019 05:45

Mô hình hay, điển hình giỏi

TTH - Phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Phú Vang.

Hai nông dân nuôi cá dìa thu tiền tỷĐiểm tựa của ngư dân

Mô hình trồng hoa ở xã Phú Mậu

Sau trận lũ lụt lớn cuối năm 2017, ông Hoàng Văn Nhung (xã Phú Thượng), người nhiều năm “theo” mô hình nuôi cá lồng quy mô lớn, đồng thời kinh doanh cung cấp thức ăn cho tôm, cá trên địa bàn toàn tỉnh, phút chốc tay trắng. Cá chết, lồng bè hư hỏng, bạn hàng lấy thức ăn cho tôm, cá cũng thiệt hại nặng, khiến ông Nhung khó thu hồi vốn.

Trước thiệt hại nặng nề do thiên tai, ông Nhung từng nghĩ đến chuyện từ bỏ nuôi cá lồng cũng như việc kinh doanh. Thế nhưng không thể “gục ngã”, người nông dân ấy “một nắng hai sương”, đứng dậy gầy dựng lại từ đầu. 

Ông Nhung bộc bạch, sau thiệt hại, ông cẩn trọng, kinh nghiệm hơn trong chủ động phòng tránh các tình huống thiên tai bất ngờ, bảo vệ thành quả lao động của mình. Bây giờ ông Nhung lại có trong tay 25 lồng cá diêu hồng, cá trắm, cá trê, thu hoạch bình quân 30 tấn cá mỗi năm, lãi ròng khoảng 100 triệu đồng/năm. Việc kinh doanh thức ăn cho tôm, cá cũng đã phát triển trở lại, cho thu nhập cao.

Mô hình nuôi tôm-cua-cá của ông Văn Công Lợi, Đỗ Trọng Tín (xã Vinh Hà); chuyên tôm của hộ ông Lê Văn Thuất (xã Vinh Xuân); chuyên cá của ông Võ Phí Huy (xã Phú Xuân), ông Nguyễn Công Tín (xã Vinh Thanh), Nguyễn Giáo (xã Vinh Phú)…, hàng năm đem lại lãi ròng từ 100- 150 triệu đồng.

Bà Trương Thị Vững (xã Phú Diên) lại thành công trong mô hình kinh doanh nông sản. Đây là doanh nghiệp chế biến các loại mắm dưa, mắm đu đủ, mắm cá rò, cá cơm, ruốc, ớt tương, nước ớt, ớt bột…, đưa ra thị trường toàn tỉnh và các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, tạo công ăn việc làm cho từ 30-40 lao động tại địa phương.

“Dựa vào lợi thế, điều kiện tự nhiên của mỗi xã, thị trấn, nông dân triển khai nhiều mô hình phù hợp để phát huy hiệu quả. Mô hình trồng nấm rơm phát triển mạnh ở xã Phú Lương. Mô hình làm hoa giấy Thanh Tiên, trồng hoa ly, trồng các loại rau màu phát triển ở xã Phú Mậu. Ở thị trấn Thuận An phát triển mô hình đội tàu dịch vụ đánh bắt cá xa bờ. Mô hình cánh đồng mẫu giống lúa chất lượng cao Đài thơm 8 tại HTXNN Phú Thượng với quy mô 20 ha, tại HTXNN Phú Lương với quy mô 30 ha; mô hình cánh đồng mẫu lớn lúa chất lượng cao ở xã Phú Hồ… Nhiều mô hình trồng ném, trồng hoa cúc vườn, trồng sen lấy hạt… tại nhiều xã trên địa bàn huyện phát huy hiệu quả. Nhiều mô hình hay, điển hình giỏi đã được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện, tạo hiệu ứng trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi”- ông Mai Xuân Hóa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Vang thông tin.

Toàn huyện Phú Vang có 130 chi hội nông dân trực thuộc cơ sở hội với 23.116 hội viên. Các cơ sở hội đã tiếp cận hơn 75 dự án từ các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình khuyến nông... Năm 2018, ngân sách huyện đã cấp cho Quỹ hỗ trợ nông dân 200 triệu đồng để bổ sung vào nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân, nhằm triển khai các dự án vay vốn từ nguồn quỹ cho các hội viên đầu tư, phát triển.

Theo ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, từ nhiều chương trình kinh tế trọng điểm, những biện pháp để thúc đẩy, phát triển kinh tế- xã hội của UBND huyện, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển, kinh doanh, trong quá trình SXKD, nhiều hộ nông dân đã tiếp cận kịp thời các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào SXKD, mang lại thành công, hiệu quả kinh tế cao.

Phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi", đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững có sức lan tỏa trên toàn huyện cả bề rộng lẫn chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, ngành nghề và kinh doanh dịch vụ, góp phần quan trọng vào phát triển nông thôn mới. Những năm qua, các hộ nông dân SXKD giỏi đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 3.200 lao động có việc làm thường xuyên và hơn 2.000 lao động có việc làm theo mùa vụ; giúp đỡ vốn, giống và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 1.500 hộ nông dân, giúp đỡ 24 hộ nông dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo…

Ông Mai Xuân Hóa cho hay: Hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đều tổ chức hội nghị để ký giao ước thi đua và giao chỉ tiêu đăng ký thi đua SXKD giỏi các cấp cho hội nông dân các xã, thị trấn; chỉ đạo các cơ sở hội tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của phong trào để hội viên, nông dân đăng ký thi đua thực hiện. Đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra các biện pháp để chỉ đạo phong trào thiết thực, hiệu quả.

Các cấp hội chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao công nghệ kỹ thuật; sinh hoạt câu lạc bộ, giúp đỡ hộ nông dân nghèo làm ăn. Tổ chức tham quan, học tập lẫn nhau; tín chấp cho hội viên, nông dân vay vốn qua các kênh ưu đãi, lập các dự án để xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế..., qua đó góp phần giúp hội viên, nông dân phát triển SXKD, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày Dân số Việt Nam 26/12: Nhân rộng mô hình hay

Năm 2025, toàn tỉnh đặt mục tiêu giảm mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên xuống 14,6%. Các giải pháp, mô hình hiệu quả đang được chọn lọc triển khai trong cộng đồng.

Ngày Dân số Việt Nam 26 12 Nhân rộng mô hình hay
Mô hình hay của phụ nữ dân tộc thiểu số

“Giúp nhau cải tạo vườn tạp”, “Thực hiện tiết kiệm mùa vụ”… là những cách làm hiệu quả được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hương Sơn, huyện Nam Đông áp dụng từ 2 năm nay.

Mô hình hay của phụ nữ dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Return to top