ClockThứ Bảy, 22/06/2019 13:15

Hỗ trợ ngư dân bám biển

TTH - Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh (CCTS) thông tin, toàn tỉnh hiện có gần 300 chiếc tàu đánh cá hoạt động ở các vùng biển xa, cách đảo Hoàng Sa, Trường Sa 20-30 hải lý được hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu (HTNL), tạo động lực để ngư dân bám biển.

Hỗ trợ nhiên liệu cho tàu đánh bắt xa bờHỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xaChính sách hỗ trợ đến tay ngư dân

Cá được bảo quản bằng đá lạnh ngay sau khi đưa lên bờ

Hỗ trợ nhiên liệu 

Có thâm niên nghề biển hơn 30 năm, ông Phan Văn Chinh ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) là chủ nhân tàu công suất lớn được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình giúp ông đóng mới tàu vỏ gỗ công suất trên 800 CV. Vào những thời điểm giá xăng dầu tăng cao, công việc đánh bắt khó khăn do chi phí cao. Chính sách HTNL giúp ngư dân như ông Chinh có thêm chi phí vươn đến các vùng biển xa, thuộc ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Khoảng 10 năm trở lại đây, nguồn lợi hải sản gần bờ ngày càng ít dần, các loại cá có giá trị kinh tế như cam, thu, chủa… gần như không còn, việc vươn khơi xa khai thác là điều tất yếu. Tuy nhiên, vùng biển khơi không phải lúc nào cũng lắm tôm nhiều cá, có những chuyến rong ruỗi hết nơi này đến nơi khác cũng về “tay không”. Trong số hơn 10 chuyến biển mỗi năm có khoảng 40% số chuyến hòa vốn và thua lỗ, vì vậy chính sách HTNL giảm  bớt phần khó khăn cho ngư dân, tạo động lực vươn khơi bám biển.

Ông Chinh so sánh, trước đây tàu công suất nhỏ chỉ 250-400 CV, chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến đánh bắt kéo dài 5-7 ngày chỉ 10-15 triệu đồng. Từ khi hạ thủy chiếc tàu công suất lớn trên 800 CV, mỗi chuyến đánh bắt kéo dài 10-15 ngày, chi phí nhiên liệu tăng gấp 4-5 lần. Vì vậy đánh bắt VBX theo quy định của Nhà nước được hưởng chính sách HTNL cho 4 chuyến biển/năm là sự hỗ trợ lớn.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, ông Ngô Văn Đủ đánh giá cao chính sách HTNL đánh bắt xa bờ của Nhà nước. Đây chính là động lực, giảm bớt khó khăn cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Trong số hơn 100 chiếc tàu ĐBXB toàn thị trấn có đến gần 80% được hưởng chính sách HTNL. Tùy thuộc vào công suất, mỗi chủ tàu được hỗ trợ từ 20-100 triệu đồng/chuyến biển.

Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, toàn tỉnh hiện có gần 300 chiếc tàu đánh cá hoạt động ở các vùng biển xa, cách đảo Hoàng Sa, Trường Sa 20-30 hải lý được hưởng chính sách HTNL. Đối với những tàu được hỗ trợ tính từ thời điểm tàu ra khỏi cửa biển đến khi trở về bờ phải từ 15 ngày trở lên. Tại Chi cục có thiết bị định vị nhằm quản lý, xác định vị trí của các tàu hoạt động trên biển; ngoài ra quá trình hoạt động còn có sự xác nhận của lực lượng biên phòng ở Hoàng Sa, hoặc bằng công nghệ vệ tinh. Tại các tàu ĐBXB còn được trang bị máy định vị, thể hiện vị trí, tọa độ hoạt động của tàu…

Hỗ trợ năng lực đánh bắt, bảo quản hải sản

Ông Võ Giang cho rằng, muốn hoạt động khai thác hiệu quả không có con đường nào khác ngoài hiện đại hóa công nghệ đánh bắt.

Chi cục Thủy sản đã có những hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân trên địa bàn tỉnh đầu tư mua sắm các thiết bị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt. Từ đó nhiều ngư dân đã mua sắm máy dò ngang CH 250, Koden KDS-6.000 BB hỗ trợ nghề đánh bắt bằng lưới vây.

Được hỗ trợ 4 chuyến biển/năm

Theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Chính phủ về hỗ trợ nhiên liệu khai thác vùng biển xa (HTNLKTVBX), mỗi tàu cá tham gia đánh bắt được Nhà nước hỗ trợ 4 chuyến biển/năm, mỗi chuyến biển đối với tàu có công suất từ 90 CV-150 CV được hỗ trợ 22 triệu đồng; từ 150 CV- 250 CV hỗ trợ 30 triệu đồng; từ 250 CV- 400 CV hỗ trợ 55 triệu đồng; từ 400 CV-700 CV hỗ trợ 75 triệu đồng; từ 700 CV trở lên được hỗ trợ 100 triệu đồng.

Ngư dân Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) nhận thấy, việc sử dụng máy dò ngang hiện đại giúp tăng hiệu quả mỗi chuyến biển rõ rệt, cao gấp đôi so với sử dụng các máy dò thông thường. Việc sử dụng máy dò ngang, hay đèn led còn giảm chi phí nhiên liệu trong quá trình khai thác từ 20-25%.

Từ sự hỗ trợ, hướng dẫn của Chi cục Thủy sản, nhiều ngư dân đầu tư mua sắm công nghệ ra-đa hỗ trợ bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng trong quá trình khai thác xa bờ. Theo ông Chiến, nhờ ra-đa dẫn đường nên tàu có thể di chuyển an toàn trong điều kiện sương mù, tầm quan sát hạn chế, mưa lớn... Hệ thống ra-đa còn báo động, giúp ngư dân di chuyển kịp thời khi gặp các vật nguy hiểm, hay các tàu khác tiếp cận có thể gây nguy hiểm, hoặc lưới có nguy cơ bị mất do các tàu khác kéo.

Từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ, Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho các chủ tàu và ngư dân ở các xã vùng biển về cách thức bảo quản hải sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các lớp tập huấn chủ yếu truyền đạt các biện pháp bảo quản hải sản lâu ngày, không bị hư hỏng, …

Ngư dân Phan Văn Chinh thừa nhận, nhờ sự hướng dẫn, khuyến cáo mà bản thân ông cũng như ngư dân tàu ĐBXB từ nhiều năm nay không sử dụng các hóa chất để bảo quản hải sản. Ngư dân còn thiết kế, xây dựng, sử dụng khoang xốp, inox bảo quản sản phẩm an toàn trong quá trình đánh bắt thời gian dài, có thể từ 15-20 ngày. Nhiều năm qua, phần lớn các chủ tàu và ngư dân đều chấp hành tốt các quy định trong bảo quản hải sản.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi ngư dân "xuất ngoại" trở về

Những ngư dân xuất ngoại đánh bắt hải sản trên ngư trường quốc tế, khi trở về quê hương, nhờ có nguồn vốn làm ăn, ổn định sinh kế đã trở lại phát triển nghề cha ông.

Khi ngư dân xuất ngoại trở về
Hệ thống thanh toán kỹ thuật số và lưới điện toàn khu vực ASEAN là chìa khóa liên kết khu vực

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan nhận định, một hệ thống thanh toán kỹ thuật số và lưới điện trải dài khắp tất cả các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính là chìa khóa để tạo nên mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các quốc gia trong khối khu vực.

Hệ thống thanh toán kỹ thuật số và lưới điện toàn khu vực ASEAN là chìa khóa liên kết khu vực

TIN MỚI

Return to top