ClockThứ Năm, 22/11/2018 06:45

Đóng tàu theo Nghị định 17: Ngư dân vẫn còn e ngại

TTH - Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về hỗ trợ ngư dân đóng tàu có công suất lớn. Sau gần một năm triển khai, ngư dân trên địa bàn tỉnh vẫn e ngại tiếp cận.

Chính sách mới cho đóng tàu xa bờ: Ngư dân lúng túngVay vốn đóng tàu xa bờ theo NĐ 67: Giá thành cao, thủ tục chưa thuận tiệnCho vay đóng 'tàu 67' cần hướng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Ngư dân Phú Lộc đóng mới tàu vỏ gỗ

Hỗ trợ 35% giá trị đầu tư tàu đóng mới

Tiếp nối Nghị định 67, Nghị định 17 hỗ trợ chủ tàu đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên.

Cụ thể tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800 CV đến dưới 1.000 CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu; tàu cá có tổng công suất máy chính từ 1.000 CV trở lên, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu. Đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đóng mới vỏ composite có công suất từ 800 CV trở lên (bao gồm cả các trang thiết bị mới), chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu…

Nghị định 17 đồng thời hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên tàu xa bờ với mức 100%, giảm tỷ lệ bảo hiểm thân tàu xuống còn 50%. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, ngư dân vẫn e ngại tiếp cận.

Ngư dân Trần Văn Hải (thị trấn Thuận An) chia sẻ: “Không chỉ tôi mà nhiều ngư dân mong muốn hiện đại hóa tàu cá để vươn khơi đánh bắt. Thế nhưng, để có một số vốn ban đầu lớn là điều rất khó. Nghị định 17 chỉ áp dụng cho đóng mới tàu cá bằng vỏ thép và vỏ composite đồng thời hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm chỉ được áp dụng với thân tàu mà không bao gồm các trang thiết bị, ngư cụ đánh bắt hải sản nên chúng tôi e ngại”.

Ngư dân vận chuyển cá ở cảng cá Thuận An

Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) thông tin, tại địa phương này có 2 trường hợp mong muốn đăng ký đóng tàu vỏ thép với sự hỗ trợ theo Nghị định 17 nhưng vẫn còn đắn đo bởi việc huy động nguồn vốn quá lớn. So với tàu vỏ gỗ, tàu đóng bằng compusite hay vỏ thép có chi phí cao hơn nhiều. Trong khi đó, để tiếp cận hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân buộc phải có nguồn vốn ban đầu để đóng tàu sau đó mới hoàn thiện thủ tục để được hỗ trợ.

“Yếu tố quyết định để ngư dân đóng tàu mới là nguồn vốn. Chiếu theo Nghị định 17, ngư dân phải tự bỏ tiền ra đóng tàu sau đó mới được hỗ trợ. Điều này quả là khó khăn cho ngư dân”, ông Đủ nhấn mạnh.

Tìm hướng gỡ khó

Tìm hiểu tại các doanh nghiệp đóng tàu vỏ thép và composite thì tổng mức đầu tư đóng tàu mới vào khoảng trên dưới 20 tỷ đồng/chiếc. Nếu như trước đây, ngư dân được cho vay 95% giá trị con tàu đóng mới và được Nhà nước cấp bù lãi suất vốn vay 6-7%/năm, thì nay, toàn bộ chi phí họ phải bỏ ra từ ban đầu.

Ông Nguyễn Trọng Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH đầu tư hạ tầng và du lịch Đông Á phân tích: “Với tư cách là doanh nghiệp đóng tàu, theo tôi, Nghị định 17 có hai điểm khó. Đầu tiên ngư dân phải có một khoản vốn ứng ra trước để đóng tàu, có tàu rồi mới làm hồ sơ nộp để được hỗ trợ, như vậy ngư dân khó có khoản tiền lớn để đóng tàu. Thứ hai, dù ngư dân được hỗ trợ 35% nhưng 65% còn lại là vốn tự có hoặc phải vay thương mại, trường hợp vay phải có những điều kiện liên quan bởi số tiền khá lớn và lãi suất thương mại khá cao, tạo áp lực cho ngư dân trong những tháng đầu tiên đi vào khai thác. Chính các yếu tố đó khiến việc triển khai nghị định khó khăn”.

Theo cơ quan chức năng, để tháo gỡ khó khăn, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền Nghị định 17 cho ngư dân. Đồng thời đưa ra những giải pháp như, ngư dân có thể góp vốn với nhau để đóng tàu rồi được hỗ trợ 35% giá trị con tàu đóng mới, điều này tạo điều kiện cho ngư dân đoàn kết, hợp lực để khai thác biển.

Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Năm nay, toàn tỉnh được giao chỉ tiêu đóng mới 45 chiếc theo Nghị định 67, và hiện nay việc đóng mới tàu cá của ngư dân cũng đang phát triển nhưng đều là tàu vỏ gỗ, đa số không lắp máy mới. Việc đóng mới tàu cá bằng vỏ thép hay composite theo hỗ trợ như Nghị định 17 thì ngư dân chưa mạnh dạn vì chi phí đầu tư lớn”.

Để hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá theo Nghị định 17, một số doanh nghiệp đóng tàu cũng lên phương án tháo gỡ khó khăn. “Trước đây chúng tôi triển khai mô hình chìa khóa trao tay, nay có giải pháp tháo gỡ về góc độ tài chính, tức là ứng vốn ra trước cho ngư dân đóng tàu sau đó giúp họ trong thủ tục hồ sơ để nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước. Ngoài ra, chúng tôi còn giúp hoàn thiện đầy đủ hồ sơ để ngư dân đàm phán với ngân hàng để xoay xở nguồn vốn, song thực tế không chỉ ngư dân ở Thừa Thiên Huế mà ở các địa phương khác vẫn chưa mạnh dạn”, ông Tú cho hay.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi ngư dân "xuất ngoại" trở về

Những ngư dân xuất ngoại đánh bắt hải sản trên ngư trường quốc tế, khi trở về quê hương, nhờ có nguồn vốn làm ăn, ổn định sinh kế đã trở lại phát triển nghề cha ông.

Khi ngư dân xuất ngoại trở về
Nỗi niềm con nước vùng lộng

Vùng biển bãi ngang - nơi có hàng ngàn ngư dân, gắn bó hàng trăm năm với nghề biển đang vật lộn với con sóng.

Nỗi niềm con nước vùng lộng
Thả lưới rùng quây cá ngát

Gần ba giờ đồng hồ sau khi thả, tấm lưới được những ngư dân lành nghề kéo lên thuyền. Theo nhịp sóng, thuyền tấp vào bờ, trong chiếc giỏ đựng lộc biển, những con cá ngát thu hút sự quan tâm của người mua.

Thả lưới rùng quây cá ngát
Ngày mới trên đầm Quảng Lợi

Đầm Quảng Lợi cách trung tâm TP. Huế không quá xa, chỉ độ 30km, thuộc xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền – vùng chiêm trũng giàu bản sắc văn hóa. Đầm rộng khoảng 800ha, nằm trong hệ đầm phá Tam Giang. Thuận theo những con nước, đời sống của người dân nơi đây gắn liền với mặt nước và làm nghề đánh bắt tôm, cá…, giản dị và thuần hậu.

Ngày mới trên đầm Quảng Lợi

TIN MỚI

Return to top