ClockThứ Bảy, 06/08/2022 13:45

Khơi thông các điểm nghẽn

TTH - Bên cạnh những chỉ số tích cực của nền kinh tế Thừa Thiên Huế, sự biến động khó lường của kinh tế trong và ngoài nước mang đến những quan ngại về khả năng tăng trưởng của vùng đất Cố đô trong năm nay và những năm tiếp theo, nếu không “kê toa” và “bốc thuốc” đúng liệu trình...

Hồi phục kinh tế: Trọng tâm trước mắt là giảm chi phí khu vực sản xuấtHỗ trợ lãi suất: Ngân hàng và doanh nghiệp phải nhìn cùng một hướngCơ hội từ nền kinh tế số cho thị trường tài chính-tiền tệ Việt Nam

Ngành du lịch cần nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách lưu trú

Nhiều điểm sáng và không ít điểm nghẽn

Bảy tháng đầu năm nay, bức tranh kinh tế Thừa Thiên Huế cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực, sau 2 năm đại dịch COVID-19. Tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP tăng gần 7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,6%. Tổng thu ngân sách tăng 8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng hơn 10%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng gần 19%. Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng gần 25% so với kế hoạch năm. PCI của Thừa Thiên Huế xếp vị thứ 8, đánh dấu sự quay trở lại top 10 sau 8 năm kể từ năm 2013, cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã có sự cải thiện...

Sự phục hồi này đến từ nhiều trợ lực, từ nỗ lực của các ngành, địa phương, tỉnh khi có những quyết sách khá sát với thực tế, doanh nghiệp (DN), đã giúp phục hồi kinh tế từng bước. Đáng quan tâm là cộng đồng DN đã xốc lại tinh thần và tìm thấy những cơ hội mới để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh sau một thời gian gần như “chết lâm sàng”. Đây là dấu ấn quan trọng tạo ra đà phục hồi cho nền kinh tế.

Dù bức tranh kinh tế Thừa Thiên Huế 7 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng; song đi sâu phân tích vẫn còn không ít điểm nghẽn. Dễ nhận thấy là đà phục hồi giữa các huyện, thị, TP. Huế và các lĩnh vực không đồng đều. Đáng chú ý trong lĩnh vực đầu tư công (ĐTC), tốc độ giải ngân còn chậm. Trong khi, đây là một trong những “trụ cột” của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh số lượng DN thành lập mới gia tăng, nửa đầu năm nay, có gần 450 DN tạm ngưng hoạt động, giải thể... Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN) chưa đồng bộ, hệ thống xử lý nước thải KCN chưa được đầu tư xây dựng; chưa có nhiều DN đầu tư có tính đột phá, dẫn dắt, tạo giá trị gia tăng; góp phần tăng trưởng quy mô nền kinh tế.

Tuy GRDP có gia tăng, song quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ. Nói như Bí thư Thị ủy Hương Trà - Hà Văn Tuấn: Dù nhiều ngành có sự tăng trưởng cao nhưng quy mô kinh tế còn nhỏ, quy mô GDP còn thấp; lao động kiếm việc làm, gia nhập thị trường lao động còn khó khăn. Du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn, song phát triển chưa như kỳ vọng. Dù tổ chức nhiều hoạt động phục hồi, song lượng khách du lịch không nhiều so với các tỉnh, thành miền Trung.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Đại Viên, chúng ta đang gặp một số khó khăn trong công tác lập quy hoạch. Đó là quy trình lựa chọn đơn vị tư vấn quy hoạch; vướng mắc trong việc lấy ý kiến người dân về lập đồ án quy hoạch; khó khăn về nguồn kinh phí...

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã chỉ ra: Lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng âm (gần -7,5). Trong khi, thực trạng nông dân bỏ ruộng đang diễn ra sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực... Việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) gặp một số khó khăn. Tình hình triển khai một số dự án (DA) ngoài ngân sách còn chậm, ảnh hưởng đến việc tạo ra năng lực sản xuất mới. Việc triển khai các nghị quyết về chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh còn gặp lúng túng. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thực hiện các DA còn gặp nhiều vướng mắc. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương trong việc hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư còn thiếu đồng bộ. Một số vấn đề về kinh tế tổ chức triển khai chậm như: chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình quản lý chợ...

Điều đáng lo hơn, thực tế nằm ở chi phí thật sự mà DN và người dân phải gánh chịu có thể cao hơn nhiều so với chỉ số lạm phát chung đo theo CPI, vì “rổ hàng hóa” để đo lường CPI khác với “rổ chi phí” của DN và người dân, nhất là DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ và người dân có thu nhập thấp như ở Thừa Thiên Huế. Do vậy, thành công của chính sách kinh tế những tháng cuối năm của tỉnh nên đặt vào câu chuyện có bao nhiêu DN và người dân được hỗ trợ vượt qua khó khăn trong cơn bão giá, lạm phát.

Đáng lưu tâm chính là con số ĐTC. Trong bối cảnh hiện tại, để vực dậy nền kinh tế, đa số các tỉnh, thành và các quốc gia đều đang tìm cách đẩy nhanh ĐTC; điển hình là kế hoạch hỗ trợ đầu tư hạ tầng đầy tham vọng của Trung Quốc. Các khoản đầu tư đổi mới hạ tầng của Anh và EU cũng đang được kỳ vọng là động lực kéo các nền kinh tế này ra khỏi rủi ro suy thoái.

Tháo gỡ những nút thắt một cách căn cơ

Nói vậy để thấy, trong bối cảnh hiện nay, “bài thuốc” để kéo lại tăng trưởng kinh tế và giảm tác động tăng giá cần đến chi tiêu hỗ trợ của Nhà nước, khi mà ngân hàng trung ương nhiều nước thừa nhận, tăng lãi suất chỉ là bài thuốc “câu giờ” và cần thêm những giải pháp tài khóa hỗ trợ. Nhưng vấn đề ở đây là “chi tiêu công” của chúng ta lại đang giải ngân quá chậm. Đây là một điểm nghẽn lớn cho nền kinh tế và cần được khơi thông.

Những nút thắt vẫn còn đó và Thừa Thiên Huế cần một kịch bản điều hành tốt để vừa giữ ổn định, vừa duy trì đà tăng trưởng. Để tạo ra sự đột phá trong những tháng cuối năm và làm bàn đạp tăng trưởng cho năm 2023, cần rất nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN…

Theo đó, các tổ công tác chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân ĐTC, phấn đấu đạt 100% vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) theo kế hoạch. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý các dự án ĐTC chậm tiến độ, chậm giải ngân, chậm quyết toán. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn từ các DA không hiệu quả, chậm giải ngân sang các DA có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Tiếp đến, đẩy mạnh công tác bồi thường, GPMB, tái định cư; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA sử dụng NSNN và các DA ngoài NSNN; tập trung nguồn lực tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, DA trọng điểm có vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh; hỗ trợ, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các DA đã được cấp chủ trương đầu tư.

Đặc biêt, xây dựng các giải pháp phục hồi phát triển du lịch, kích cầu phát triển thị trường du lịch nội địa và thị trường khách quốc tế để thu hút du khách. Đồng thời, nâng cao chất lượng, sản phẩm, dịch vụ du lịch; tuyên truyền, quảng bá du lịch; đẩy mạnh hợp tác, liên kết các hãng lữ hành du lịch lớn. 

“Chúng ta cần tháo gỡ nút thắt để DN phục hồi phát triển. Việc làm này cũng giúp đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC. Ngành du lịch cần nâng cao chất lượng dịch vụ phù hợp với thị hiếu của du khách...”, ông Hà Văn Tuấn, Bí thư Thị ủy Hương Trà đề xuất. Bí thư Thành ủy Huế - Phan Thiên Định đề nghị tỉnh cần dành quỹ đất xây dựng khách sạn, trung tâm hội nghị lớn để có thêm cơ sở lưu trú phục vụ du lịch...

Bên cạnh đó, tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó, chú trọng nông nghiệp hữu cơ, khuyến khích dồn điền, đổi thửa tích tụ ruộng đất để phát triển các mô hình trang trại, hình thành cánh đồng mẫu lớn, vùng cây ăn quả, vùng dược liệu; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ 3 chương trình MTQG: xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các địa phương bố trí tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách theo quy định. Đồng thời, xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn vốn đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời. Khai thác nguồn thu, chống thất thu NSNN, nhất là nguồn thu vãng lai, nguồn thu từ hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh bất động sản. Chủ động phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế; nhanh chóng triển khai kết luận của Tỉnh ủy về thực hiện thí điểm chính sách hỗ trợ cho các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container đi, đến cảng Chân Mây; đẩy mạnh cách hành chính gắn với xúc tiến đầu tư...

Bài, ảnh: BẠCH QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

5 nhiệm kỳ, một chặng đường phát triển

Từ năm 2000, Thừa Thiên Huế gặp muôn vàn khó khăn sau trận “đại hồng thủy” cuối năm 1999. Dù thế, với những nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị, toàn thể người dân, sau gần 25 năm, thành quả lớn nhất là thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam.

5 nhiệm kỳ, một chặng đường phát triển
Vùng Đông bừng sáng

“Muốn làm giàu tìm đất có thế”! Nghiệm lại lời của tiền nhân, tôi liên tưởng đến vùng Đông Nam của thành phố - Khu Kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô, nơi đã và đang tạo cực tăng trưởng kinh tế hấp dẫn.

Vùng Đông bừng sáng
Bước đệm phát triển sau sáp nhập

Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi phường Hương Hồ và xã Hương Thọ (quận Phú Xuân) “về chung một nhà” với tên gọi mới – phường Long Hồ. Việc sáp nhập 2 phường, xã này vừa tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời mở ra nhiều cơ hội khai thác tối đa lợi thế du lịch, dịch vụ.

Bước đệm phát triển sau sáp nhập

TIN MỚI

Return to top