ClockChủ Nhật, 20/10/2024 11:46

Tăng tốc chuyển đổi số cùng AI

Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2024 với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo (AI) đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội” được kỳ vọng sẽ đưa ra các giải pháp chuyển đổi số (CĐS) ứng dụng AI, góp phần thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Dương Anh đã có những chia sẻ về hoạt động quan trọng này với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

Tuần lễ Chuyển đổi số Huế 2024 sẽ diễn ra từ 15 – 16/11

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Dương Anh

Thưa ông, Tuần lễ Chuyển đổi số năm nay có những điểm nhấn nào đặc biệt?

Là hoạt động thường niên do VINASA và UBND tỉnh tổ chức, mục tiêu Tuần lễ CĐS hướng đến là thúc đẩy mạnh mẽ công tác CĐS tại Thừa Thiên Huế trên tất cả các trụ cột Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số. Năm nay, Tuần lễ CĐS dự kiến diễn ra ngày 15, 16/11, gồm nhiều hoạt động phong phú: Hội nghị, tham vấn, tọa đàm, triển lãm, kết nối tư vấn CĐS.

Điểm nhấn quan trọng của sự kiện là tập trung giới thiệu các giải pháp AI, bàn thảo những phương thức thúc đẩy ứng dụng của công nghệ này trong tất cả các lĩnh vực, tổ chức, doanh nghiệp (DN) và người dân Huế, trọng tâm là chính quyền và DN, ngành nông nghiệp, ngành giao thông vận tải.

Chúng tôi sẽ giới thiệu các giải pháp AI mang tính đột phá, giúp cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân thông qua Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, AI sẽ được ứng dụng vào nông nghiệp thông minh nhằm tối ưu hóa sản xuất và tiết kiệm tài nguyên, cũng như trong giao thông vận tải, góp phần xây dựng hệ thống giao thông an toàn, tiện lợi và giảm ùn tắc.

Từ đầu năm 2024, BTC cùng các DN công nghệ cũng đã có nhiều buổi làm việc để thực hiện hóa mục tiêu này trước khi đưa ra diễn đàn. Vì vậy, tại sự kiện, du khách tham gia chương trình sẽ có cơ hội trải nghiệm những giải pháp AI đã được triển khai, và kết nối trực tiếp với các DN cung cấp.

Ứng dụng AI đã và đang thay đổi quá trình CĐS, phải chăng là lý do mà BTC lựa chọn chủ đề cho Tuần lễ CĐS năm nay?

Nhiều năm qua, Thừa Thiên Huế luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về chỉ số Chuyển đổi số (DTI). Huế đã và đang triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, điểm sáng là xây dựng và phát triển dịch vụ đô thị thông minh với tiêu chí lấy người dân và DN làm trung tâm.

Giới thiệu ứng dụng công nghệ số tại Tuần lễ Chuyển đổi số Huế 2023 

Từ năm 2018, Thừa Thiên Huế đã quan tâm đến việc xây dựng, khai thác dữ liệu và đưa vào vận hành Hệ thống dữ liệu mở của tỉnh nhằm mục tiêu thu thập, chia sẻ các bộ dữ liệu, kết nối liên thông với các hệ thống dùng chung của tỉnh, liên thông Cổng dữ liệu Quốc gia. Đến nay, đã có 115 bộ dữ liệu của 32 cơ quan, đơn vị công bố trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh thuộc các lĩnh vực: Văn hóa, y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải…

Hạ tầng dữ liệu và công nghệ đã đạt mức tiến bộ nhất định. Đây là lý do chính để BTC quyết định chọn chủ đề cho Tuần lễ CĐS Huế 2024 là “AI - đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội Huế”.

Sau 3 kỳ tổ chức, Tuần lễ CĐS lần này kỳ vọng sẽ đạt được những mục tiêu, thay đổi nào, thưa ông?

Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, và trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Thừa Thiên Huế bình quân 9 - 10%/năm. Thừa Thiên Huế xác định 3 trung tâm động lực tăng trưởng; trong đó, Quần thể di tích, di sản Cố đô Huế, Khu công viên khoa học tại khu vực đô thị trung tâm, Khu CNTT tập trung, Chuyển đổi số, và AI sẽ là nền tảng vững chắc, tạo ra sự đột phá trong phát triển KT-XH cho tỉnh.

Từ Tuần lễ CĐS, BTC kỳ vọng cơ quan, tổ chức sẽ mạnh dạn đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp AI để tối ưu hóa các quy trình làm việc và cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hành chính công thông minh, hiệu quả, mang lại sự thuận lợi cho người dân, DN. DN cũng đẩy mạnh ứng dụng AI, nhất là trong truyền thông, marketing, bán hàng, tối ưu hóa quy trình để tạo đột phá trong SXKD, cung cấp dịch vụ, trải nghiệm cho khách hàng. Đặc biệt, người dân Huế có được nhận thức về AI và các công cụ AI hiệu quả để áp dụng trong cuộc sống và công việc.

Là một trong những địa phương đi đầu về CĐS, xây dựng dữ liệu số, BTC mong muốn Thừa Thiên Huế sẽ là điểm sáng về ứng dụng AI, không chỉ mang lại đột phá cho tỉnh, mà còn là ví dụ điển hình cho các địa phương khác tham khảo, học hỏi.

Vậy việc ứng dụng AI trong xây dựng hạ tầng số hiện nay ra sao?

Tại Thừa Thiên Huế, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong xây dựng hạ tầng số ở một số lĩnh vực để phục vụ các hoạt động công vụ cũng như triển khai, giám sát các dịch vụ đô thị thông minh. Nhất là phân tích dữ liệu chuyên ngành, dự báo các kịch bản điều hành tác nghiệp, hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội, cảnh báo các thông tin quan trọng về môi trường đô thị…

Ngoài ra, tỉnh đang thử nghiệm các giải pháp Trợ lý ảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI chatBot) trong cung cấp dịch vụ hành chính công, du lịch. Xa hơn là nghiên cứu, huấn luyện trợ lý ảo với sự đa dạng các dữ liệu đầu vào nhằm đáp ứng việc hỗ trợ, phục vụ cán bộ, DN và người dân.

Thực tế, việc triển khai thực hiện CĐS ở các sở, ngành, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn?

Bên cạnh nhiều kết quả tích cực, vẫn tồn tại một số khó khăn cần tháo gỡ; trong đó, công tác liên thông các hệ thống thông tin còn gặp nhiều trở ngại, nhất là hệ thống dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương, theo ngành dọc. Ngoài ra, dữ liệu của các ngành chưa số hóa đầy đủ. Một số ngành đã số hóa nhưng dữ liệu chưa “sạch”, chưa cập nhật biến động. Thiếu thiết bị đầu cuối và thiết bị chưa nâng cấp kịp thời phục vụ cho cán bộ sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin.

Chúng ta cũng chưa ban hành một số văn bản thể chế cụ thể hóa ở cấp địa phương cho công chức làm CĐS và an toàn thông tin mạng, chính sách cho tổ công nghệ số cộng đồng ở cấp thôn, tổ.

Theo ông, cần những giải pháp nào để công tác CĐS đi vào thực chất trong thời gian tới?

Vấn đề cốt lõi của thúc đẩy CĐS là nhận thức của người đứng đầu và kỹ năng của người dân. Nhận thức phải song hành với việc vừa hiểu vừa làm, đồng thời, nâng cao kỹ năng số của người dân trong thời đại số.

Tuy vậy, để công tác CĐS đi vào thực chất vẫn còn nhiều vấn đề, trong khi chính quyền số chúng ta tương đối ổn với nhiều kinh nghiệm triển khai thì áp lực với DN và người dân trong hoạt động phát triển xã hội số, kinh tế số, đòi hỏi có các phương pháp phù hợp, thích ứng với thực tiễn, phù hợp với xu hướng CĐS trên quan điểm Nhà nước kiến tạo, DN là động lực và người dân là trung tâm. Giải quyết được mối quan hệ này để tạo thành hệ sinh thái đồng bộ trong CĐS là nhiệm vụ quan trọng.

Xin cảm ơn ông!

Liên Minh (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

​Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

TIN MỚI

Return to top