ClockChủ Nhật, 27/03/2022 05:24

Kế hoạch dài hạn

TTH - Khi đề cập về phát triển ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) Lê Minh Hoan nói rằng: Phải chuyển từ tư duy sản xuất sang kinh tế, tức là thay vì chú trọng sản lượng sang hiệu quả.

Tiếp tục hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượngTổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt hơn 7.600 tỷ đồngNông nghiệp Việt Nam tăng trưởng vượt bậc năm 2021

Trồng cây bản địa

Hiểu nôm na ý tứ Bộ trưởng nói đó là, quan trọng một sào lúa không phải làm ra bao nhiêu thóc mà là thu được bao nhiêu tiền, đời sống của người nông dân có khấm khá được lên không. Cũng một sào ấy, làm sao cho có hiệu quả kinh tế cao nhất mới là quan trọng.

Nói thì dễ nhưng làm cho được thì khó hơn rất nhiều và cần phải có thời gian. Có lẽ chính điều này mà Bộ NN và PTNT xây dựng Chiến lược cho phát triển ngành với tầm nhìn dài hạn, đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Hóa ra thay đổi cho được tư duy không phải là điều dễ dàng. Nếu tính mốc thời gian đổi mới của nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng bắt đầu từ năm 1986 thì đến nay đã hơn 35 năm. Nền nông nghiệp cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nhưng trong tình hình mới, điều kiện và hoàn cảnh đã khác, đòi hỏi của thị trường đã khác… nếu cứ tiếp tục thuần túy chạy theo sản lượng có thể đã không còn phù hợp. Giờ phải tiếp tục đổi mới tư duy để hướng đến hiệu quả.

Nền nông nghiệp Thừa Thiên Huế, về cơ bản vẫn nằm trong tình trạng chung này. Tư duy sản lượng vẫn hiện hữu ở đâu đó. Chẳng hạn trong các văn bản tổng kết năm, chúng ta thường bắt gặp những con số: năm nay năng suất lúa bình quân đạt bao nhiêu, tổng sản lượng được nhiều hay ít, tăng bao nhiêu phần trăm so với năm trước… chứ ít thấy năm nay toàn tỉnh trồng lúa tạo ra được bao nhiêu tiền. Nếu trừ chi phí thì còn lãi được bao nhiêu. Ví dụ như trồng rừng. Tỉnh Thừa Thiên Huế có hàng chục ngàn ha rừng trồng. Công bằng mà nói, rừng trồng đã giải quyết rất nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người nông dân. Người có đất đồi núi phù hợp thì trồng rừng và tạo ra thu nhập từ đó. Người giỏi giang hơn nữa thì kết hợp với chăn nuôi. Người không có đất thì đi làm công - trồng rừng, khai thác, lột vỏ cây… khi rừng đến chu kỳ khai thác. Mỗi ngày một người làm công cũng được vài trăm ngàn đồng. Tính ra nếu làm đều mỗi tháng thu nhập cũng cả chục triệu đồng.

Nhưng rừng trồng để cung cấp nguyên liệu làm giấy, làm viên năng lượng sẽ không hiệu quả bằng rừng trồng gỗ lớn để lấy gỗ. Rừng trồng gỗ lớn thời gian kéo dài gấp đôi nhưng hiệu quả có thể tăng thêm lên vài chục phần trăm nếu tính cùng chu kỳ thời gian. Đó là chưa tính đến những cái lợi khác như môi sinh môi trường. Có lẽ mọi người nông dân đều biết điều này. Biết nhưng khó thực hiện cho nên chúng ta thấy tỷ lệ rừng trồng gỗ lấy dăm vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo. Vì sao có tình trạng này? Là vì nguồn thu nhập từ rừng trồng là nguồn sống chủ yếu của nhiều hộ gia đình. Đợi đến 8 – 9 năm mới thu hoạch được rừng trồng gỗ lớn họ không có điều kiện. Ví dụ này cho thấy, muốn nền nông nghiệp hiệu quả không phải cứ muốn là được mà nó kèm theo điều kiện. Nếu người nông dân rủng rỉnh tiền trong túi hoặc có những nguồn thu nhập khác đủ trang trải cuộc sống thì chắc chắn sẽ tăng được diện tích rừng trồng gỗ lớn, tức là điều kiện người nông dân phải giàu hơn trước. Mấy chục năm kể từ khi đổi mới, người nông dân vẫn là tầng lớp nghèo nhất.

Đấy là nói về sản xuất, còn về phía người tiêu dùng nữa. Nếu thói quen tiêu dùng chưa thay đổi thì chúng ta khoan hãy nói đến chất lượng và hiệu quả!? Chúng ta ra chợ thì sẽ thấy, không thể biết các loại nông sản, rau, củ, quả nào là chất lượng. Nhưng cũng không thể trách người tiêu dùng vì họ không thể nào biết được, nên lựa chọn đầu tiên là giá cả phải rẻ. Người tiêu dùng muốn hàng hóa rẻ cũng góp một phần cho người sản xuất chạy theo sản lượng để bù đắp. Thế thì, muốn hiệu quả, điều kiện sống của người tiêu dùng cũng phải khác. Nói cách khác là người dân phải giàu hơn lên mới có thể hướng đến chất lượng và chất lượng cao. Hiệu quả cũng sẽ từ đó mà ra.

Mới có đề cập chừng đó đã thấy nền nông nghiệp của Việt Nam còn bao nhiều việc cần giải quyết. Thấy được điều này nên Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững đặt ra mốc thời gian đến năm 2050, tức là khoảng gần 30 năm nữa. Ngay nhận thức được những hạn chế của ngành nông nghiệp và đặt ra một kế hoạch dài hạn để giải quyết cũng đã là một toan tính mang tính chiến lược, tức là không mong muốn giải quyết mọi vấn đề trong ngày một ngày hai mà đặt trong kế hoạch dài hạn.

Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: NGUYỄN KHOA HUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đột phá kế hoạch trồng hoa bia trong nhà

Là thành phần không thể thiếu tạo nên hương thơm và vị đắng của bia, song trong bối cảnh mất mùa hoa bia đang khiến giá bia trở nên đắt đỏ hơn, các nhà nghiên cứu nuôi hy vọng triển khai kế hoạch trồng hoa bia trong nhà để giảm giá thành sản phẩm.

Đột phá kế hoạch trồng hoa bia trong nhà
Đảm bảo chất lượng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát

Sáng 20/9, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến đã có buổi làm việc với Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy. Cùng làm việc có các UVTV Tỉnh ủy: Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn; Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Phạm Thị Minh Huệ và TUV, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Trần Quốc Thắng.

Đảm bảo chất lượng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát
Xóa sổ “lãng phí thực phẩm”: Chuyện không của riêng ai

Cộng đồng toàn cầu đã công nhận “lãng phí thực phẩm” là một vấn đề quan trọng, được đưa vào Mục tiêu phát triển bền vững 12 (SDG12) về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Mục tiêu của SDG12 là giảm một nửa lượng lãng phí thực phẩm toàn cầu ở cấp độ bán lẻ và người tiêu dùng vào năm 2030.

Xóa sổ “lãng phí thực phẩm” Chuyện không của riêng ai

TIN MỚI

Return to top