ClockThứ Ba, 19/12/2017 08:11

Đừng để tình trạng nhà máy cứ sản xuất mà vùng nguyên liệu không có

TTH.VN - Chiều 18/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Diễn đàn “Phát triển thị trường cho ngành rau, củ, quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn” do tỉnh Đồng Tháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Xuất khẩu rau, quả ước đạt 3,16 tỷ USDSau lũ, rau củ quả từ ngoại tỉnh và Trung Quốc chiếm lĩnh thị trườngRau quả Thái khiến người Việt "móc hầu bao" 60 tỷ đồng mỗi ngàyPhát hiện tàn dư của thuốc trừ nấm trong rau quả ở SingaporeNgười Việt bỏ ra 120 triệu USD/tháng để nhập khẩu rau quả

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn về rau củ quả và logistics cho nông nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng cho rằng ngành rau quả Việt Nam có tiềm năng rất lớn và vừa qua đã có tốc độ tăng trưởng mạnh. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt khoảng 3,5 tỷ USD trong tổng số 36 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp nói chung. Như vậy, ngành rau củ quả đã xuất khẩu vượt lúa gạo và cả dầu khí.

Đánh giá cao tỉnh Đồng Tháp, Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan trong việc phối hợp tổ chức diễn đàn, Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế đã về dự, cùng thảo luận, ký kết các thỏa thuận hợp tác, góp ý các chủ trương, biện pháp cụ thể.

Nhìn nhận về những bất cập, tồn tại cần khắc phục thời gian tới, Thủ tướng chỉ ra, trong khi nền kinh tế Việt Nam đứng ở tốp 50 thế giới về quy mô GDP thì giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 1% thế giới. Năng suất còn thấp. Chất lượng, hiệu quả còn nhiều vấn đề đặt ra. Thậm chí, tình trạng thị trường không ổn định còn diễn ra khá nhiều với việc “được mùa rớt giá”, “được giá mất mùa”. Công nghệ sinh học, đặc biệt là trong khâu giống còn nhiều vấn đề. Thất thoát sau thu hoạch còn rất cao, trên 30%. Trong 3,5 tỷ USD xuất khẩu thì chế biến mới chiếm 8%, như vậy giá trị gia tăng còn thấp, cần khắc phục.

Một bất cập khác là về hạ tầng, nhất là logistics với tính cạnh tranh còn thấp. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics của Việt Nam thuộc nhóm đắt đỏ so với khu vực và thế giới. Chi phí vận chuyển logistics tính theo tỉ trọng GDP khoảng 18-20%, gần gấp đôi so với nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu, làm ảnh hưởng đến giá bán rau củ quả. Chỉ số năng lực logistics giảm 16 bậc (từ thứ 48 năm 2014 xuống 64 năm 2018).

Chính sách thúc đẩy sản xuất lĩnh vực này còn chưa rõ nét. “Bây giờ ở Đồng Tháp mới có hai mươi mấy nghìn ha là trồng rau củ quả mà chúng ta muốn tăng lên gấp 3 lần nữa thì chính sách nào để thu hút”, Thủ tướng đặt vấn đề và đề nghị sau hội nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ NN&PTNT sẽ thảo luận, có biện pháp tốt hơn để đưa ngành rau củ quả Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng.

Nhất trí với ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng cho rằng, dự báo nhu cầu rau quả trên thị trường trong nước và quốc tế rất lớn. Thị trường trong nước với 100 triệu dân là cơ hội lớn và người dân có quyền được hưởng những thực phẩm tươi sạch, bảo đảm chất lượng. Do đó, cần đón bắt, nắm chắc dự báo để tính toán tăng kim ngạch bình quân trên 20%/năm và giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực này vào năm 2020 đạt gần 5 tỷ USD. Chúng ta cần xác định chìa khóa của sự thành công đó chính là chất lượng và giá thành sản phẩm.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị tập trung triển khai một số nhiệm vụ. Đó là hoàn thiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp dài hạn gắn với yêu cầu thị trường trong điều kiện biến đổi khí hậu, quy hoạch hạ tầng để thuận lợi hơn, phù hợp hơn nhằm giảm chi phí vận chuyển gồm phát triển các dịch vụ logistics.

Hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư, bao gồm cả vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến, khuyến khích phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để làm sao giảm bớt tầng lớp trung gian, đặc biệt là chính sách coi trọng doanh nghiệp, ưu tiên phát triển kinh tế tập thể, trong đó có tổ hợp tác và hợp tác xã. Đừng để tình trạng nhà máy cứ sản xuất mà vùng nguyên liệu không có.

Tiếp tục đổi mới tư duy nhận thức trong việc phát triển thị trường và sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào bảo quản, chế biến, xúc tiến thương mại, tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để có sự bứt phá, bắt kịp trình độ khu vực của thế giới, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng và hiệu quả của ngành rau củ quả.

Cần cải thiện nhanh chóng hơn dịch vụ logistics trong chuỗi giá trị ngành hàng rau củ quả nói riêng và nông sản nói chung. Không thể đi mãi lối mòn sản xuất manh mún, tự phát, chạy theo năng suất, chất lượng kém, xuất khẩu thô mà chúng ta cần có cách làm mới, bài bản hơn cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có việc giảm chi phí vận tải, làm tốt nhất dịch vụ logistics, nâng cao tính kết nối hiệu quả giữa sản xuất và thị trường, giảm được các chi phí thương mại, hạ giá thành sản xuất.

Phát triển đa dạng hóa các mô hình sản xuất như doanh nghiệp, tập đoàn lớn, hợp tác xã, hộ gia đình, không cứng nhắc một mô hình nào.

Về nguồn lực, tín dụng, nhà nước luôn hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào rau củ quả, Thủ tướng nói và khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm đẩy mạnh lĩnh vực này.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chứng kiến lễ ký biên bản hợp tác về hoạt động nghiên cứu và xúc tiến đầu tư phát triển ngành nông nghiệp bền vững hướng đến hội nhập thị trường quốc tế - thực hiện mô hình điểm của Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Đồng Tháp, Biên bản ghi nhớ hợp tác về xây dựng chiến lược phát triển hệ thống logistics và cơ sở hạ tầng tại tỉnh Đồng Tháp, biên bản ghi nhớ xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp cũng như một số thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp về tiêu thụ nông sản.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khắc phục thủy lợi, ổn định sản xuất

Nhằm nâng cao hiệu quả canh tác và phát triển ngành nông nghiệp địa phương, thời gian qua, UBND huyện A Lưới thường xuyên phối hợp với Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) kiểm tra, rà soát và bố trí kinh phí để từng bước đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn.

Khắc phục thủy lợi, ổn định sản xuất
Doanh nghiệp tập trung sản xuất và chăm lo Tết cho người lao động

Những ngày này, các doanh nghiệp vừa tập trung sản xuất để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024, vừa tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Hầu hết các doanh nghiệp đều chủ động chuẩn bị hậu cần phục vụ người trực Tết; tổ chức trao quà Tết tặng cán bộ, công nhân viên; trợ cấp cho các gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vé xe cho người lao động ở xa về nhà đón Tết.

Doanh nghiệp tập trung sản xuất và chăm lo Tết cho người lao động

TIN MỚI

Return to top