ClockThứ Tư, 02/06/2021 14:29

Ngành gỗ hướng đến minh bạch từ nguồn

Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những nhóm mặt hàng xuất khẩu có sự tăng trưởng khá mạnh. Tuy nhiên, đây cũng là sản phẩm bị nhiều nước điều tra phòng vệ thương mại.

Để duy trì động lực tăng trưởng và giảm thiểu rủi ro từ các cuộc điều tra hiện tại, tránh có thêm các vụ điều tra trong tương lai, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn từ việc nhập khẩu sản phẩm gỗ đầu vào để bảo đảm hệ thống sản xuất minh bạch.

Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những nhóm mặt hàng xuất khẩu có sự tăng trưởng khá mạnh. Tuy nhiên, đây cũng là sản phẩm bị nhiều nước điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh minh họa: TTXVN

Mặt hàng gỗ của Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh khi cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc Hoa Kỳ - Trung Quốc xảy ra. Tuy nhiên, mặt hàng này của Việt Nam cũng chịu sức ép không ít khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đặc biệt từ khi Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm gỗ xuất khẩu của Trung Quốc. Việc kiểm soát này khiến một số doanh nghiệp Trung Quốc chuyến hướng đầu tư hoặc tìm các biện pháp để lẩn tránh mức thuế trên; trong đó Việt Nam có thể được chọn là một trong những điểm đến.

Ông Trần Lê Huy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho rằng, cuộc chiến này cũng tạo ra những rủi ro mới cho Việt Nam, đặc biệt là rủi ro về gian lận xuất xứ. Rủi ro này xảy ra khi các mặt hàng của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam lấy nhãn mác, xuất xứ sau đó được xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Vì vậy, việc ngăn chặn và giải quyết gian lận thương mại kịp thời, hiệu quả có tính chất sống còn với ngành gỗ Việt.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các doanh nghiệp hội viên phản ánh, thời gian gần đây có một số doanh nghiệp đã nhập khẩu bộ phận, chi tiết của các sản phẩm tủ bếp, tủ nhà tắm là những mặt hàng rủi ro cao từ Trung Quốc về Việt Nam. Doanh nghiệp núp bóng dưới hình thức nhập khẩu mặt hàng bộ phận các sản phẩm này sau đó gia công, lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh; hoặc mua bán lòng vòng qua các công ty khác nhau, các bộ phận mặt hàng này sẽ tập hợp lại một công ty và công ty này lắp ráp, lấy danh nghĩa sản phẩm của mình sản xuất để xuất khẩu.

Để đề phòng, ngăn ngừa tình trạng gian lận, lẩn tránh xuất xứ hàng hóa và đặc biệt trong bối cảnh Hoa Kỳ đang điều tra mặt hàng gỗ dán Việt Nam lẩn tránh xuất xứ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, hiệp hội đã đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu nghi ngờ.

Việc điều tra này theo ông Đỗ Xuân Lập là nên tập trung vào các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng có yếu tố rủi ro cao mà có giá trị tăng trưởng nhanh để nếu có vi phạm thì có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Theo ông Trần Lê Huy, các cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp trong việc xác định các mặt hàng rủi ro và các công ty có hành vi gian lận. Đồng thời, xây dựng kênh kết nối thông tin giữa các hiệp hội gỗ và cơ quan quản lý nhằm cập nhật thường xuyên thông tin về các dấu hiệu gian lận, từ đó, xác định các biện pháp can thiệp kịp thời. Các cơ quan quản lý cần tăng cường nguồn lực, kiểm tra, giám sát chặt chẽ khâu cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm xuất khẩu.

Hành động trên không chỉ nhằm tránh gian lận khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ mà còn tạo sự minh bạch, uy tín về sản phẩm gỗ Việt Nam với nhiều thị trường xuất khẩu lớn khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt đã cam kết tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu như Quy chế gỗ của Liên minh châu Âu (EUTR 995/2010), Luật Lacey của Mỹ, Luật đảm bảo gỗ hợp pháp của Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Cũng bởi vậy, để kiểm soát nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ chế biến, Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp lý là Nghị định 102/2020-NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (Nghị định 102). Bởi, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu từ 2 - 2,5 triệu m3 gỗ quy tròn là gỗ nhiệt đới từ châu Phi, một số quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ, Lào, Campuchia và Papua New Guinea, tương đương từ 40 - 50% trong tổng lượng gỗ tròn và xẻ nhập khẩu.

Ông Tô Xuân Phúc, đại diện tổ chức Forest Trend cũng nhìn nhận, giảm rủi ro trong khâu nhập khẩu gỗ nhiệt đới không những giúp duy trì ổn định thị trường xuất khẩu mà còn tạo động lực mở rộng thị trường. Việc giảm rủi ro trong khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu cần thực hiện trên cả khía cạnh chính sách và các hoạt động thực tiễn trong khâu nhập khẩu và tiêu dùng nội địa. Về khía cạnh chính sách, siết chặt quản lý trong khâu nhập khẩu đối với nguồn gỗ rủi ro theo Nghị định 102.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp này nhằm kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu. Gỗ rủi ro nhập khẩu được kiểm soát thông qua “bộ lọc” về loài rủi ro và vùng địa lý rủi ro, theo đó các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ rủi ro vào Việt Nam cần đưa ra các bằng chứng nhằm minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Việc triển khai Nghị định 102 hy vọng sẽ khắc phục được những rủi ro trong nhập khẩu gỗ nguyên liệu.

Thực hiện Nghị định 102, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan chuyên môn yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ngoài việc nghiêm chỉnh chấp hành việc hoàn thiện thông tin theo quy định, cần cung cấp/khai báo bổ sung các loại giấy tờ. Cụ thể như: giấy phép khai thác của đơn vị khai thác, hoặc chứng nhận được phép khai thác lô rừng được cấp cho đơn vị chủ rừng; giấy chứng nhận đăng ký là cơ sở chế biến gỗ; giấy phép được phép xuất khẩu; chứng từ giải trình nguồn gốc gỗ theo thông tin “quốc gia nơi khai thác” chứ không theo hướng quốc gia xuất khẩu…

“Việc làm rõ các loại giấy tờ bổ sung trong hồ sơ nhập khẩu mà doanh nghiệp cần cung cấp cho cơ quan chức năng giúp doanh nghiệp dễ thực hiện thống nhất, đồng thời nhằm mục tiêu thực hiện Nghị định 102 đạt hiệu quả cao nhất.”, ông Đỗ Xuân Lập khẳng định.

Theo các doanh nghiệp chế biến gỗ, đa phần các đơn vị nhập khẩu sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đều yêu cầu sử dụng gỗ từ rừng trồng hoặc gỗ có chứng chỉ. Vì vậy, trong tương lai, Việt Nam cần hướng tới mục tiêu 100% gỗ nhập khẩu phải có chứng chỉ giống như một số thị trường nhập khẩu yêu cầu Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phải đảm bảo 100% là gỗ rừng trồng hoặc từ nguồn gỗ có chứng chỉ.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp

Chiều 9/1, Ban quản lý (BQL) các khu kinh tế, công nghiệp thành phố Huế tổ chức tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương dự, chỉ đạo hội nghị.

Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp
Cầu nối thị trường lao động

Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thành phố Huế hoạt động định kỳ và thường xuyên theo hình thức trực tiếp, trực tuyến đã giúp kết nối nhu cầu của người tìm việc và việc tìm người hiệu quả, minh bạch.

Cầu nối thị trường lao động

TIN MỚI

Return to top