ClockThứ Năm, 12/10/2023 06:54

Chiến lược mới, hướng đi mới để thích ứng thị trường

TTH - Trước dự báo nhu cầu thị trường thấp có thể sẽ kéo dài, động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp (DN) chưa thực sự rõ ràng, các DN đã chuẩn bị chiến lược phát triển cho riêng mình.

Xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thích ứng xu thế thời đạiXây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn, có trách nhiệmXem xét các vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng

Công nhân sản xuất sợi Công ty CP Dệt may Huế 

Tiếp diễn nhiều khó khăn

Từ hơn 700 lao động, đến thời điểm hiện tại Công ty TNHH Thakson Huế, 100% vốn đầu tư nước ngoài chỉ còn lại gần 250 lao động. Bà Vũ Thị Nguyệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thakson Huế cho biết, tình trạng khó khăn của công ty đang ngày càng trầm trọng. Chưa tính những tháng tiếp theo trong năm, ngay cả tháng 9, công nhân cũng không  có đơn hàng để làm đủ ngày công. “Hiện giám đốc chúng tôi đang đi công tác nước ngoài để tìm kiểm đơn hàng mới, với quyết tâm cố gắng hết mình để duy trì đơn hàng cho người lao động”, bà Nguyệt nói.

Cắt giảm một nửa lao động so với trước, song đến thời điểm hiện tại Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế vẫn phải cho người lao động nghỉ việc luân phiên. Nhắc đến kế hoạch sản xuất, ông Lê Dương Huy, Giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế cho biết, giờ đơn hàng tính từng ngày nên không khẳng định trước điều gì. Không dễ tìm kiếm thị trường mới và đa dạng các mặt hàng như một số hàng xuất khẩu khác. Hơn nữa, sau hơn 2 năm đương đầu với khó khăn, chúng tôi chưa đủ lực để thực hiện kế hoạch khác. “Trước mắt, công ty cố gắng duy trì khách hàng cũ chờ thị trường cải thiện trở lại. Chỉ mong mọi khó khăn sớm qua để công ty có điều kiện níu giữ người lao động đã gắn bó với công ty gần 20 năm nay”, ông Huy bày tỏ.

Không đủ sức chống cự, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty May xuất khẩu Quảng Thành thông tin, thời điểm này, công ty ông đang phải tạm ngừng hoạt động.  

Không thiếu đơn hàng, song Công ty CP Phát triển Thủy sản Huế cũng gặp khó khăn, khi thu hẹp lợi nhuận để chia khó với khách hàng. Bà Hà Thị Kiều Lang, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Thủy sản Huế cho biết, công ty xuất khẩu 100% tại thị trường Nhật Bản. Thời gian qua, tất cả các nguyên liệu đầu vào công ty đều phải nhập với gia tăng cao, song do đồng Yên Nhật Bản rớt giá, nên công ty cũng không thể tăng giá xuất để giữ chân thị trường.

 Sản xuất tại Công ty CP Phát triển Thủy sản Huế

Tình hình sản xuất kinh doanh cực kỳ khó khăn với những DN nhỏ, một số DN sản xuất thuộc nhiều ngành nghề cho biết, thời gian qua họ đã nỗ lực xoay xở mọi cách trong khả năng, những việc gì làm được họ cũng đã làm hết cách để tồn tại, duy trì sản xuất và cố gắng giữ lực lượng lao động cao nhất có thể. Tuy nhiên, tình hình thị trường trong và ngoài nước khó khăn kéo dài trong thời gian qua dường như đã vượt xa sự căng kéo, khả năng gồng gánh,… của DN, nhất là những DN quy mô nhỏ và vừa, yếu về tài chính, quản lý. Không cầm cự nổi, nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động.

Tình hình sản xuất kinh doanh của DN gặp khó thể hiện rõ trên từng chỉ số. Theo báo cáo tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 8 tháng đầu năm, ước đạt 680,2 triệu USD giảm 16,6% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 433,7 triệu USD, giảm 24,3%. Về tình hình doanh nghiệp, tính đến 28/8, có 477 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 2.626,9 tỷ đồng, giảm 16,6% về lượng và giảm 50% về vốn so với cùng kỳ, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 444 doanh nghiệp, tăng 11 doanh nghiệp.

Đơn hàng khó, nhỏ, lẻ

Đó là tính chất đơn hàng được nhiều doanh nghiệp nhấn mạnh khi nói về phương án đối phó để DN tồn tại trong bối cảnh hiện nay. Nêu ra hàng loạt khó khăn gần đây, ông Nguyễn Văn Phong, Tổng giám đốc Công ty CP Dệt may Huế chia sẻ, chưa bao giờ DN may quy mô hàng nghìn lao động phải nhận đơn hàng 500-700 chiếc áo, nhưng bây giờ cũng phải làm, vì nếu không làm thì không có đơn hàng.

DN còn nhận cả các mặt hàng không đúng truyền thống, sở trường, ví như DN dệt kim phải nhận hàng dệt thoi hay DN chuyên làm quần âu cũng phải nhận đơn may áo sơ mi.

Ngoài ra, gần đây xuất hiện tình trạng đối tác chậm nhận hàng, gây khó khăn về dòng tiền, kho bãi lưu trữ hàng của DN. Ông Nguyễn Văn Phong còn cho biết thêm, không chỉ đơn hàng giảm mà đơn giá cũng giảm rất mạnh, nhiều đơn hàng gia công có giá giảm tới 50%.

 Công ty CP Dệt may Huế có lợi thế, từ lâu luôn đặt tiêu chí xem khách hàng là ưu tiên số một, sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng khi khó khăn, nên tạo được nền tảng uy tín lâu dài. Có nhiều khách hàng đã đồng hành cùng công ty hàng chục năm nay. Vì vậy, khi đứng trước sự lựa chọn, họ vẫn ưu tiên nhập sản phẩm của công ty. Đây cũng là lợi thế để công ty cạnh tranh thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những thị trường lớn, truyền thống, Công ty CP Dệt may Huế tìm thêm khách hàng phụ, tiếp cận thị trường ngách. Điều này đòi hỏi bộ phận làm công tác thị trường phải chịu khó vất vả, thay vì chốt một đơn hàng cho nhiều tháng, thì nay chấp nhận chốt đơn hàng cho từng tháng, thậm chí ngắn hơn. “Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ đơn hàng vào các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc của Công ty CP Dệt may Huế tăng rõ rệt, có thời điểm tăng đến hơn 22%, con số này chưa từng có trước đó”, ông Phong nói.

Đây cũng là giải pháp được Công ty Scavi Huế áp dụng. Ông Trần Văn Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế thông tin, trong bối cảnh hiện nay, DN chỉ tập trung vào một đối tượng khách hàng cố định, để hạn chế phải đáp ứng một lúc nhiều yêu cầu khác nhau trong sản xuất là sai lầm. Ngược lại, càng nhiều khách hàng càng tốt. Để đáp ứng điều đó, đòi hỏi nguồn nhân lực phải chất lượng. Hiện nguồn lao động của công ty chúng tôi được đào tạo liên tục, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng.

Theo ông Lê Hồng Long, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Phú Hòa An, trước đây đơn hàng sở trường là dệt may của công ty chiếm đến 80%, nay giảm xuống còn 40%, buộc công ty phải nhận thêm 60% đơn hàng dệt thoi; đồng thời thay đổi, sản xuất thêm những mặt hàng mới.

Hướng đến sản xuất bền vững

Từ đầu năm đến nay, Công ty CP Dệt may Huế vẫn sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung, đơn hàng vẫn ăn đong, không có kịch bản cho chiến lược dài hơi. Song kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm vẫn thấy được gam màu sáng. Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế Nguyễn Văn Phong cho biết, doanh thu 6 tháng đầu năm nay của công ty là 945 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch năm, kim ngạch xuất khẩu là 35,5 triệu USD, đạt 48,2% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế là 66,6 tỷ đồng, đạt 55,5% kế hoạch năm. “Kết quả đó có được là nhờ sự quản lý điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo và sự đồng lòng vượt khó của toàn thể cán bộ công nhân viên”, ông Phong cho biết.

Ông Phong phân tích, trước đây, đơn hàng dồi dào, số lượng lớn, vải, phụ liệu về đồng bộ. Nay ngược lại, đơn hàng nhỏ, lẻ, khó thậm chí thị trường mới nên kế hoạch sản xuất lập tức phải thay đổi. Nếu không thay đổi thì chuẩn bị cho một sự thất bại”, ông Nguyễn Văn Phong khẳng định.

Ông Phong đơn cử, trong các công đoạn hoàn thành một sản phẩm áo, thì xé nẹp cổ là khâu khó và quan trọng nhất, đòi hỏi công nhân phải có tay nghề, trong khi đó, tay nghề mỗi người mỗi khác rất khó đáp ứng đồng bộ đều đẹp cho các lô hàng. Trước đây, khách hàng dễ tính không sao, nay khách hàng mới, khó tính chỉ cần sản phẩm không vừa ý, lập tức bị từ chối. “Với yêu cầu đó,  dệt may Huế vừa đầu tư hệ thống máy xe nẹp cổ áo tự động, công nhân chỉ cần nhấn nút, hệ thống máy tư động xé nẹp cổ áo, đều đẹp giống nhau”, ông Phong nói.

Không riêng Dệt may Huế, tái tạo lại công ty, sắp xếp lại bộ máy khoa học, tiết kiệm chi phí hiện đang được nhiều DN áp dụng để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Ông Lê Hồng Long cho biết, công ty rà soát các bộ phận, tiết giảm tối đa chi phí, đồng thời động viên công nhân lao động thi đua cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động. “Hiện nay công ty buộc nhận những đơn hàng khó, giá thấp nếu không sắp xếp sản xuất khoa học, nâng cao năng suất sẽ không có lợi nhuận”, ông Long nói.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho kế hoạch đường dài các DN tập trung chuyển hướng sản xuất xanh. Ông Trần Văn Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế kể, đầu năm nay một số khách hàng của công ty có động thái dịch chuyển đơn hàng qua Bangladesh, khi tìm hiểu mới vỡ lẽ khách hàng ưu tiên các DN đáp ứng được chỉ số xanh. Bởi vậy, muốn cạnh tranh thị trường không có cách nào khác là DN phải hướng đến sản xuất xanh. “Để sản xuất xanh, bền vững trước mắt công ty xây dựng hệ thống xử lý rác thải theo hướng tuần hoàn và tiếp đến là thực hiện nhiều tiêu chí khác. Thậm chí, các đơn vị gia công của công ty chúng tôi cũng bắt đầu có những chỉ tiêu khắt khe, đảm bảo tính bền vững, tạo điểm cộng trong cạnh canh thị trường”, ông Mỹ  chia sẻ.

Đứng trước những khó khăn hiện hữu và qua tổng hợp đánh giá tình hình từ nhiều DN, ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết: Nhiều chủ DN đang bày tỏ mong muốn nhận được sự trợ giúp từ chính quyền và các cơ quan quản lý để giúp DN duy trì hoạt động khi mà theo dự báo tình trạng đơn hàng tiếp tục khó khăn. Điều quan tâm nhất của DN là, Chính phủ và ngành ngân hàng, tài chính nên tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về vốn vay hay giảm, giãn thuế hoặc rút ngắn thời gian giải quyết các vấn đề về thủ tục...

Đồng hành cùng doanh nghiệp, lãnh đạo UBND tỉnh luôn rốt ráo chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; trong đó, chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp đảm bảo ổn định sản xuất. Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Bài, ảnh: HẢI THUẬN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã công bố tiền thưởng Tết 2025, dựa trên những công bố của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, dự báo nền kinh tế phục hồi, kinh doanh khả quan, thưởng Tết năm nay nhìn chung khá hơn năm trước.

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động
Còn sức, còn lao động

250 triệu đồng lãi ròng mỗi năm từ trồng lúa và nấm rơm, là thành quả từ tình yêu lao động và sự chăm chỉ mà vợ chồng ông Lê Duy Quát và bà Nguyễn Thị Vui (Phú Lương, Phú Vang) “gặt hái” bao năm qua.

Còn sức, còn lao động
Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp

Việc chưa đồng bộ thông tin về địa giới hành chính trong đăng ký kinh doanh với dữ liệu thuế từ Tổng cục Thuế đang gây một số khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện đăng ký thay đổi địa giới hành chính trên giấy đăng ký kinh doanh.

Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp
Doanh nghiệp tập trung sản xuất và chăm lo Tết cho người lao động

Những ngày này, các doanh nghiệp vừa tập trung sản xuất để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024, vừa tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Hầu hết các doanh nghiệp đều chủ động chuẩn bị hậu cần phục vụ người trực Tết; tổ chức trao quà Tết tặng cán bộ, công nhân viên; trợ cấp cho các gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vé xe cho người lao động ở xa về nhà đón Tết.

Doanh nghiệp tập trung sản xuất và chăm lo Tết cho người lao động

TIN MỚI

Return to top