ClockThứ Năm, 01/09/2016 14:23

Cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai

TTH - Chỉ số tiếp cận đất đai và sử dụng đất ổn định là một trong những chỉ số thành phần quan trọng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), giúp cải thiện môi trường, tạo điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy cho nhà đầu tư. Nhận thức được tầm quan trọng, tỉnh có nhiều giải pháp “tinh, gọn, đúng” trong quản lý về đất đai nhằm góp phần nâng hạng PCI của tỉnh lên nhóm tốt của cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao (giữa, hàng đầu) khảo sát, giới thiệu những vùng đất tiềm năng cho các nhà đầu tư đến Thừa Thiên Huế. Ảnh: Tâm Huệ

Cải thiện môi trường đất đai

Nhiều người cho rằng, tiềm năng và thế mạnh của Thừa Thiên Huế có thừa để các nhà đầu tư chọn làm “bến đậu”. Tuy nhiên, việc tạo lập môi trường chính sách thuận lợi cho lực lượng doanh nghiệp phát triển còn hạn chế, hay cụ thể hơn là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thừa Thiên Huế trong những năm gần đây luôn tụt hạng. Theo bảng xếp hạng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố vào tháng 3/2016, PCI của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2015 nằm ở vị trí 29/63, giảm 16 bậc so với năm 2014; trong đó, chỉ số tiếp cận đất đai và sử dụng đất ổn định xếp thứ 48/63, giảm 31 bậc. Kết quả này cho thấy, địa phương còn hạn chế trong việc quy hoạch đất đai, thiếu quỹ đất sạch, giải phóng mặt bằng chậm, thủ tục hành chính về đất đai phức tạp... Chính những tồn tại trên đã làm khó rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn cũng như làm “lung lay” ý định của không ít nhà đầu tư muốn dừng chân ở vùng đất Thừa Thiên Huế.

Đồng hành với tỉnh thực hiện “Năm Doanh nghiệp” và góp phần nâng hạng PCI lên tốp cao, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) xem việc nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai và sử dụng đất ổn định là nhiệm vụ quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đất đai thông thoáng, hấp dẫn và thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh.

Trước mắt, Sở TNMT tập trung rà soát, cải tiến và tinh giản một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, rút ngắn thời gian so với thời gian quy định từ 20% trở lên, tiến đến tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh rút ngắn thời gian thụ lý các thủ tục hành chính. Với quan điểm “Một lần, đầy đủ, chính xác và đảm bảo đúng quy định”, đơn vị hết sức tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hồ sơ, nhất là giảm thời gian, giảm thủ tục hồ sơ khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (CNQSDĐ), coi đây là biện pháp quan trọng để giúp cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư và đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở TNMT cho hay, hầu hết các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đều được UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai đầu tư. Sở TNMT đã tích cực phối hợp, hướng dẫn các chủ đầu tư, các doanh nghiệp trong việc tiến hành các thủ tục bàn giao đất, thuê đất, thực hiện đầu tư đảm bảo thuận lợi, môi trường thân thiện. Việc công bố, công khai các thông tin về quy hoạch các ngành, nhất là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp, giá đất trên mạng thông tin điện tử cũng được thực hiện có hiệu quả, giúp các nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu.

Bảng giá đất giai đoạn 2015- 2019 được tiến hành xây dựng chặt chẽ, đúng quy định, thông qua điều tra khảo sát phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Trước mắt, Sở TNMT tập trung nghiên cứu, tham mưu xây dựng Bảng giá đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh không phải thương mại dịch vụ trên địa bàn Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô và giá đất tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù rất thiện chí mở cửa kêu gọi đầu tư, song quan điểm của ngành cũng như của tỉnh là phối hợp các ngành liên quan chú trọng thẩm định năng lực tài chính cũng như dự án phải đảm bảo tiêu chí về môi trường xanh, sạch, thân thiện, phát triển bền vững của các nhà đầu tư trước khi giao đất, cho thuê đất; đồng thời kiên quyết thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất nếu vi phạm tiến độ thực hiện dự án.

Khoảng 5 năm trở lại đây, bên cạnh kêu gọi và cấp phép cho khoảng 120  dự án với tổng vốn đăng ký hơn 32 nghìn tỷ đồng, tỉnh cũng đã kiên quyết thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất hơn 35 dự án do vi phạm tiến độ thực hiện.

Sát cánh cùng doanh nghiệp

Tại một số hội nghị liên quan, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ rõ quan điểm và nhấn mạnh với các ngành, địa phương, để cải thiện nâng chỉ số tiếp cận đất đai, ổn định trong sử dụng đất và duy trì vị trí là một thách thức rất lớn. Các doanh nghiệp luôn đòi hỏi ngày một cao sự đáp ứng từ phía cơ quan công quyền về thái độ phục vụ, tính minh bạch và sự giản đơn hóa về quy trình. Và điều quan trọng nhất vẫn chính là con người, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong cải tiến lề lối làm việc...

Tại hội nghị Xúc tiến đầu tư và Phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016, được tổ chức đầu tuần tháng 8 vừa qua, có 16 Giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư 7.744,5 tỷ đồng đã được trao. Điều này thể hiện quyết tâm của Thừa Thiên Huế trong việc đổi mới phương thức hỗ trợ nhà đầu tư theo hướng cụ thể, chuyên nghiệp, nhanh chóng và hiệu quả vì lợi ích của tỉnh và nhà đầu tư.

Cũng trong những hội nghị xúc tiến đầu tư gần đây, lãnh đạo tỉnh đã cam kết với các nhà đầu tư không phải bận tâm về thủ tục và sẽ có những chế độ, chính sách ưu đãi, hỗ trợ thỏa đáng. Động thái tích cực của tỉnh là đã thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, Tổ công tác liên ngành, giúp doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư nhanh chóng. Sự bứt tốp lên vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố về chỉ số cải cách thủ tục hành chính năm 2015 vừa được công bố càng khẳng định tư duy “phục vụ doanh nghiệp” của tỉnh. Điều này cũng lý giải về sự có mặt gần đây của các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Bitexco, BRG, Vingroup, Nguyễn Kim… và những dự định đầu tư của một số tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức... vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ du lịch, thương mại, hạ tầng kỹ thuật, nông nghiệp...

Từ đầu tháng 8/2016, Sở TNMT đã tiến hành cấp giấy CNQSDĐ, đăng ký biến động trực tuyến ở cấp độ 3, 4 đối với các tổ chức tại đơn vị và tiến đến mở rộng ra ở thị xã Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang, T.P Huế vào tháng 10 tới. Ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở TNMT cho rằng, việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến qua mạng mức độ 3 và 4 vào lĩnh vực đất đai có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cộng đồng, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài tỉnh có nhu cầu đầu tư vào địa bàn, không cần trực tiếp đến một cửa của sở mà chỉ cần nộp các hồ sơ thủ tục liên quan thông qua mạng, vừa tiết kiệm thời gian, giảm chi phí không cần thiết...

Để thành công trong thu hút cũng như giữ chân các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, lâu dài tại địa phương, các ngành, các cấp luôn chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp, đảm bảo các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Hội đủ các yếu tố này, chắc chắn mục tiêu thu hút từ 15- 20 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng mà tỉnh đặt ra trong năm nay sẽ dễ dàng vươn tới và có thể hơn thế.

HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế có chỉ số PCI đứng thứ 6 toàn quốc

Sáng 11/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022. Thừa Thiên Huế đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng PCI năm 2022.

Thừa Thiên Huế có chỉ số PCI đứng thứ 6 toàn quốc
Để Thừa Thiên Huế trở thành “bến đỗ” của các nhà đầu tư

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh gay gắt, Thừa Thiên Huế luôn chủ động nắm bắt xu thế để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhiều nhà đầu tư (NĐT). Đó là chia sẻ của ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).

Để Thừa Thiên Huế trở thành “bến đỗ” của các nhà đầu tư
Thừa Thiên Huế xếp thứ 8 toàn quốc về chỉ số PCI năm 2021

Sáng 27/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 (PCI 2021) dựa trên khảo sát gần 11.312 doanh nghiệp (hơn 10.127 doanh nghiệp tư nhân và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI).

Thừa Thiên Huế xếp thứ 8 toàn quốc về chỉ số PCI năm 2021
Thừa Thiên Huế tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng PCI năm 2020

Sáng 15/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020 (PCI 2020) dựa trên khảo sát gần 12.300 doanh nghiệp. Thừa Thiên Huế đứng thứ 17 trong bảng xếp hạng, tăng 3 bậc so với năm 2020.

Thừa Thiên Huế tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng PCI năm 2020

TIN MỚI

Return to top