ClockThứ Hai, 15/04/2019 11:34

A Lưới mở rộng kênh bán lẻ

TTH - Phát triển quy mô, chất lượng và xây dựng thương hiệu một số sản phẩm chủ lực của địa phương trở thành hàng hóa đang là hướng đi của A Lưới để “gia nhập” vào các kênh phân phối, bán lẻ của nhiều thị trường.

Các siêu thị mini hình thành phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và tiêu thụ nhiều mặt hàng nội địa

Đầu tư sản phẩm chủ lực

Gạo Ra Dư, nếp than, thịt bò, gà, chuối, mật ong, vải zèng... là các nông, đặc sản tiêu biểu của A Lưới, đang được địa phương đầu tư phát triển quy mô, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu.  

Theo ông Nguyễn Quốc Thạnh, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện A Lưới, trong nhiều sản phẩm đặc trưng của A Lưới, huyện xác định 3 sản phẩm chủ lực là gạo Ra Dư, thịt bò và vải zèng để đầu tư mở rộng quy mô, chất lượng, mẫu mã. Hiện nay, huyện đang tiến hành các thủ tục bảo hộ thương hiệu cho những sản phẩm này và tạo điều kiện hỗ trợ cho người sản xuất từ khâu đầu vào đến bao tiêu sản phẩm.

Với hơn 400 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Hồng Thủy, A Roàng, Nhâm... (chiếm khoảng 50% so với diện tích lúa nước), lúa Ra Dư, nếp than ở A Lưới được cho là dòng gạo “hiếm”, giá bán cao hơn gấp 3-4 lần so với một số loại gạo thông thường.

Sau vải zèng, sản phẩm thịt bò đang được xây dựng để được xác lập và quản lý nhãn hiệu tập thể. Ngoài tổng đàn bò trên toàn huyện hơn 11.000 con (được nuôi phân tán ở nhiều xã), dự án chăn nuôi bò công nghệ cao kết hợp chế biến do một doanh nghiệp đầu tư sẽ sớm được hình thành tại xã Hương Phong, mở hướng tiêu thụ trên địa bàn và các kênh phân phối miền xuôi. Sau chuối già lùn, sắp tới, sản phẩm thịt bò A Lưới sẽ chính thức trở thành mã hàng thứ 2 của A Lưới được đưa vào kênh phân phối của hệ thống siêu thị Big C.

Việc kết nối với siêu thị, các kênh phân phối thúc đẩy các cá nhân, tổ chức sản xuất ở A Lưới chuyển dần từ sản xuất mang tính tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá.

Từ quy mô sản xuất, nuôi trồng nhỏ lẻ (một phần do sức tiêu thụ yếu), với việc đẩy mạnh phát triển thương mại, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn như: TP. Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh..., các sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ chủ lực được tập trung phát triển quy mô, chất lượng. Số hộ làm kinh tế theo hướng kinh tế vườn, gia trại, trang trại như chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng cây ăn quả... gia tăng. Nhiều đơn vị hợp tác xã, tổ hợp tác hình thành và phát triển vững mạnh. Trong đó hộ gia trại đạt doanh thu cao nhất trên 200 triệu đồng/năm, còn lại trung bình đạt trên dưới 100 triệu đồng/năm.

Hình thành các điểm bán lẻ tại chỗ

Song hành với phát triển sản xuất, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá qua các kênh của người dân vùng cao A Lưới đang dần thay đổi cả về hình thức lẫn quy mô. “Đón đầu” nhu cầu tiêu dùng của người dân và hướng phát triển kinh tế- xã hội, năm 2017, gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung tự bỏ vốn mở siêu thị mini Gia đình nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua thị trấn A Lưới với đủ các mặt hàng thiết yếu. Cùng thời điểm, trên địa bàn huyện đã hình thành thêm 4 siêu thị mini do hộ gia đình đầu tư tại thị trấn và xã A Roàng.

So với các trung tâm đô thị miền xuôi, tuy số lượng chưa nhiều, nhưng đây được cho là sự đổi mới, phát triển vượt bật về hoạt động kinh doanh hàng hoá trên địa bàn A Lưới. Cùng với đó, 2 chợ trung tâm là chợ A Lưới (đang được nâng cấp với quy mô 400 lô) và chợ Bốt Đỏ; 2 điểm bán hàng nông đặc sản an toàn và các chợ lớn nhỏ của xã, liên xã... đã đáp ứng cho nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu cũng như tiêu thụ nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ của người dân sản xuất.

Ông Nguyễn Quốc Thạnh, cho biết, tính riêng các siêu thị mini, bình quân doanh số bán ra của mỗi siêu thị đạt trên 100 triệu đồng/tháng. Cửa hàng nông sản an toàn (xã A Ngo) và cửa hàng Ngọc Xu (thị trấn A Lưới) chuyên bán các nông đặc sản A Lưới như: nếp than, gạo Ra Dư, thịt bò tươi, khô, mật ong rừng, nấm linh chi, bắp chuối rừng, thịt heo hun khói, rau... và các chợ truyền thống là những kênh bán lẻ chủ lực, phân phối hàng hoá trên địa bàn cũng như vận chuyển về vùng xuôi, ra các tỉnh lân cận.

Theo một số thương lái, từ khi đường Hồ Chí Minh thông tuyến, Quốc lộ 49 được nâng cấp, mở rộng, hoạt động giao thương với các huyện như Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang (Quảng Nam), Đăk Rông (Quảng Trị) và các huyện, thị xã, thành phố miền xuôi đã được kết nối. Hàng hoá, sản phẩm nông sản, tự nhiên của địa phương đã được tiêu thụ thuận lợi, tạo điều kiện để người dân mở rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, chuyên sâu.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 266 tỷ đồng

Hiện, sản phẩm vải zèng đang được 5 HTX ở A Lưới dệt, may với các nhiều dòng sản phẩm. Gạo Ra Dư, thịt bò, gà, chuối, nấm... được tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 toàn huyện đạt trên 266,4 tỷ đồng, tăng gần 9,4% so với năm 2017; kế hoạch năm 2019 đạt trên 283,5 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa

Trên địa bàn huyện A Lưới hiện có 109 hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm từ thịt bò và chăn nuôi bò được Hội Nông dân (HND) huyện cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”.

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa
Khánh thành công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê" tại A Lưới

Ngày 24/12, Đoàn viên thanh niên, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) phối hợp với Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức khánh thành công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê" tại thôn A Rom, xã Hồng Hạ (A Lưới).

Khánh thành công trình thanh niên Thắp sáng đường quê tại A Lưới

TIN MỚI

Return to top