ClockThứ Hai, 22/04/2019 09:02

Làm quen với bài thi đánh giá năng lực

TTH - Con đường bước vào giảng đường đại học đang mở ra nhiều lối đi dành cho học sinh. Bên cạnh dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, ngày càng có nhiều trường đại học chọn sinh viên bằng xét tuyển học bạ, tuyển thẳng học sinh giỏi và học sinh trường chuyên hay năng khiếu; đặc biệt, tổ chức tuyển sinh bằng hình thức thi đánh giá năng lực.

Chớ biến yêu thương thành áp lựcĐề thi bám sát chương trình, không có thí sinh vi phạm quy chếTuyển sinh ĐH dần “thoát ly” kết quả thi THPT

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Ảnh: Hữu Phúc

Bài thi đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh gần đây cho thấy, đã chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của học sinh, như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Các năng lực này được đánh giá thông qua một bài thi tổng hợp, gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 150 phút. Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ, cả về mặt kiến thức cả về mặt tư duy, dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản. Kết quả bài thi được xác định theo phương pháp trắc nghiệm hiện đại. Các câu hỏi có độ khó, độ phân biệt khác nhau sẽ có đóng góp khác nhau vào tổng điểm. Tổng điểm tối đa của bài thi là 1.200 điểm.

Đánh giá về đề thi đánh giá năng lực, đã có ý kiến cho rằng, thí sinh không cần luyện thi vẫn có thể làm tốt bài thi. Tuy nhiên, cũng đã có sự cảnh báo và những lời khuyên. Chẳng hạn, đề thi sẽ kiểm tra kiến thức trong chương trình học nhưng đòi hỏi khả năng suy luận và vận dụng cao hơn. Vậy nên, để làm tốt, ngoài việc hệ thống hóa kiến thức đã học, thí sinh còn phải nắm vững kiến thức nền trong chương trình để có thể hiểu, áp dụng, phân tích, đánh giá và tổng hợp nhằm giải quyết vấn đề. Mặt khác, do không kiểm tra một nội dung kiến thức cụ thể, vì vậy, cách tốt nhất để chuẩn bị là cần làm quen với các dạng câu hỏi của bài thi. Bài thi đánh giá năng lực cần sự tích lũy và trau dồi kiến thức toàn diện, kỹ năng cần thiết trong cả 3 năm học ở bậc trung học phổ thông.

Cái khó của kỳ thi kiểm tra đánh giá năng lực là còn mới mẻ và xa lạ về mặt hình thức và học sinh, đặc biệt ở vùng xa, vùng sâu chưa có điều kiện làm quen. Địa điểm thi tập trung theo khu vực hay ngay tại trường đại học cũng là một trở ngại. Học sinh phải cả 2 kỳ thi, gồm thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia (để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông) và thi kiểm tra đánh giá năng lực (để vào đại học). Còn thuận lợi là học sinh vẫn có thể tham gia cả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia để lấy kết quả xét tuyển vào đại học.

Trong thực tế, tuy “sinh sau, đẻ muộn” nhưng xét tuyển đại học qua bài kiểm tra đánh giá năng lực đang là xu hướng phát triển. 2019 là năm thứ 2 Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, nơi có rất nhiều sinh viên Huế theo học, tổ chức kỳ thi đánh giá kiểm tra năng lực. Kỳ thi dự kiến tổ chức 2 đợt và đợt 1 đã diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua với 33.102 thí sinh dự thi. Dự kiến, đợt 2 sẽ được tổ chức vào tháng 7 tới. Điều đáng nói là, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh với 8 trường thành viên nằm ở “top đầu” đều dành 25 - 40% chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi kiểm tra năng lực (năm 2018 là 10 - 20%). Cho đến thời điểm này, đã có thêm 21 trường đại học bên ngoài sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh để xét tuyển trong năm 2019.

Vậy nên, đã đến lúc, học sinh phổ thông ở Thừa Thiên Huế hãy làm quen với bài thi đánh giá năng lực để có thêm nhiều có hội bước vào giảng đường đại học mà mình mong ước.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

NGÀNH NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ:
Lận đận tuyển sinh

Dù việc tuyển sinh những năm gần đây có tín hiệu tích cực, nhưng một số ngành đặc thù liên quan đến văn hóa nghệ thuật vẫn rơi vào tình cảnh khó tìm học sinh, sinh viên. Đó là điều mà Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (TCVHNT) Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt.

Lận đận tuyển sinh

TIN MỚI

Return to top