ClockThứ Tư, 01/02/2023 06:41

Xây dựng môi trường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

TTH - Không như học sinh người Kinh, trước khi đến trường đa số trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) chưa thể sử dụng được tiếng Việt. Vì vậy, việc giao tiếp thông thường với giáo viên của các em luôn gặp khó khăn. Việc vận động phụ huynh cho học sinh đến lớp vốn đã khó, để duy trì việc trẻ đi học chuyên cần lại càng khó hơn.

Đồng hành, giúp người dân đi lênTrang bị kiến thức giám sát cho cán bộ vùng dân tộc thiểu sốBảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là giá trị cốt lõiTuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam cho 200 học sinh người dân tộc thiểu sốTuyên dương 142 học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh ở A Lưới

Lắm công phu

Ngoài dân tộc Kinh, miền núi Thừa Thiên Huế còn có các dân tộc Cơ Tu, Bru - Vân Kiều, Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, cư trú chủ yếu tại huyện Nam Đông và A Lưới. Tại đây, phần đông trẻ em DTTS trước khi đến bậc tiểu học thường sử dụng thông thạo tiếng mẹ đẻ, nhưng lại không biết hoặc biết rất ít tiếng Việt. Do vậy, khi học sinh vào lớp một và cả sau đó nữa, các em gặp không ít khó khăn khi học tập, việc giao tiếp và tiếp nhận sự giáo dục bằng tiếng Việt. Có thể xem, đây là điều kiện để một đề án về học tiếng Việt cho học sinh DTTS ra đời.

Thực tế, đó là cả một hành trình vượt khó. Hiệu trưởng Trường mầm non Hồng Bắc (A Lưới) Trần Thị Nghiêu chia sẻ: Đối với trẻ lớp mẫu giáo lớn, ngoài phát âm đúng, các cô giáo còn tập trung rèn kỹ năng giúp trẻ nói đầy đủ, chú trọng sửa lỗi cho trẻ ở các từ khó, sửa tật ngọng giúp trẻ thêm tự tin khi giao tiếp tiếng Việt. Để tăng cường tiếng Việt cho trẻ, trong lúc ra chơi, thậm chí giờ đón, trả trẻ các cô thường xuyên gần gũi, động viên ân cần, lưu tâm những trẻ nhút nhát. Ở trường, giáo viên  có thể sử dụng tiếng dân tộc để hướng dẫn các em thực hiện một số hoạt động học tập, vui chơi, sau đó dần dần chuyển sang sử dụng tiếng Việt. Tăng cường tổ chức các trò chơi, tạo môi trường giáo dục thân thiện, gần gũi giữa thầy và trò.

Trường tiểu học Hồng Quảng (A Lưới) có đến 95% học sinh dân tộc Pa Cô. Thầy giáo Đào Phúc, Hiệu trưởng cho biết, nhà trường chỉ đạo giáo viên tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc ít người dành thời gian luyện tập các kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) ở mức độ sơ giản. Hạn chế tối đa sử dụng tiếng địa phương trong dạy học. Tăng cường luyện đọc và quan tâm lắng nghe, theo dõi, nhắc nhở, uốn nắn kịp thời. Những học sinh chưa biết đọc, viết, giáo viên phải dạy tăng buổi với nội dung đọc, viết: âm, vần, ghép vần, tiếng, từ, câu, đoạn đơn giản. Thường xuyên kiểm tra, chữa bài chu đáo và động viên học sinh. Khâu chữa bài phải được thực hiện cẩn thận, tỉ mỉ, qua đó giáo viên chỉ rõ các lỗi của học sinh; sửa lỗi và hướng dẫn học sinh sửa lỗi.

Xây dựng môi trường tiếng Việt

Kết luận tại Hội nghị sơ kết đánh giá 3 năm thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Phước Mỹ yêu cầu lãnh đạo các Phòng giáo dục, cán bộ quản lý và giáo viên các trường tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người DTTS, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các DTTS, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của đất nước.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2: Từ năm 2022 đến năm 2025". Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2025, có 100% trẻ em là người DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Hằng năm, 100% học sinh tiểu học là người DTTS được tập trung tăng cường tiếng Việt.

Theo hướng phát triển năng lực phẩm chất theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên tại nhiều trường học có nhiều học sinh DTTS mạnh dạn tăng cường các tiết học ngoài giờ cho học sinh. Một số mô hình như giáo dục kỹ năng sống thông qua hoạt động trải nghiệm hay tiết học thư viện là những giải pháp để tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS qua các hình thức triển khai, như kể chuyển, tập đọc, diễn đạt… tạo cho học sinh môi trường học tập được nói, đọc, tư duy nhiều hơn và luôn được thầy cô giáo nỗ lực triển khai, duy trì, đổi mới.

Góp phần làm phong phú vốn tiếng Việt cho trẻ, ngành giáo dục khuyến khích phụ huynh, các tổ chức đóng góp đồ dùng, đồ chơi, vật dụng sinh hoạt địa phương để sử dụng trong hoạt động tăng cường tiếng Việt. Sở GD&ĐT cử cán bộ người bản địa biên soạn tài liệu để bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên người kinh dạy trẻ DTTS. Vấn đề đặt ra là cần xây dựng môi trường tiếng Việt, tạo điều kiện cho trẻ tập nói, giao tiếp bằng tiếng Việt; cần cho trẻ làm quen với việc đọc, viết đúng theo chương trình giáo dục mầm non, giúp trẻ chuyển tiếp lên tiểu học được thuận lợi.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Môi Trường Tâm Phúc - Dịch vụ xử lý chất thải, thông bồn cầu nghẹt uy tín

Xử lý chất thải sinh hoạt một cách hiệu quả không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống lành mạnh của gia đình và cộng đồng. Hôm nay baothuathienhue.vn sẽ giới thiệu đến bạn một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực xử lý chất thải và thông bồn cầu nghẹt tại Huế – dịch vụ Môi Trường Tâm Phúc.

Môi Trường Tâm Phúc - Dịch vụ xử lý chất thải, thông bồn cầu nghẹt uy tín

TIN MỚI

Return to top