ClockThứ Hai, 28/10/2019 06:15

Liên kết quốc tế, đào tạo chất lượng cao

TTH - Đại học (ĐH) Huế đang tập trung phát triển những chương trình đào tạo có chất lượng cao, liên kết quốc tế đáp ứng nhu cầu người học và thị trường lao động. Dự kiến, nhiều chương trình sẽ tuyển sinh trong năm 2020.

Mở ra nhiều cơ hội cho người họcKhai giảng chương trình thạc sĩ quốc tế liên kết giữa ĐH Huế và Trường ĐH SavannakhetDu học tại Huế

Sinh viên học chương trình liên kết quốc tế được đáp ứng tốt về điều kiện học tập (Ảnh minh họa)

Mở ra những chương trình mới, quốc tế hoá

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế thông tin, cùng với sự ra đời của Khoa Quốc tế (tháng 2/2019), ĐH Huế chuẩn bị thành lập thêm Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, đồng thời tập trung phát triển những chương trình đào tạo có chất lượng cao, chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế.

Các chương trình mới là những ngành ưu tiên về IT, trí tuệ nhân tạo, robot, điện, điện tử… những ngành xã hội có nhu cầu và đón đầu trong thời đại công nghiệp 4.0. TS. Nguyễn Quang Lịch, Trưởng bộ môn kỹ thuật công trình, Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế (người dự kiến phụ trách Khoa Kỹ thuật và Công nghệ) cho biết, dự kiến sẽ mở các ngành liên quan công nghệ thông tin như kỹ thuật điều khiển tự động hóa, khoa học máy tính, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo hay phân tích dữ liệu kinh doanh.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Khánh Linh, Phụ trách Khoa Quốc tế - ĐH Huế, khoa tập trung vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế bậc ĐH và sau ĐH, trong đó ở bậc ĐH sẽ có một số ngành như kinh doanh quốc tế (liên kết ĐH Northern Kentucky, Mỹ), quản trị du lịch và công nghệ giải trí (ĐH IMC-KREMS, Áo), truyền thông đồ họa (ĐH Western Illinois, Mỹ)…

Đại diện ĐH Huế khẳng định, những chương trình mới hợp tác với các đối tác nước ngoài, nhất là các đơn vị giáo dục từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc, châu Âu… để nhập chương trình nước ngoài hay cùng thiết kế chương trình theo chuẩn quốc tế nhưng phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam, tạo ra các ngành đào tạo có chất lượng cao, mang tính bứt phá, người học ra trường có môi trường tiếp tục học lên ở các ĐH lớn của thế giới hay việc làm tại nước ngoài, nhất là cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao Đông Nam Á.

Điểm khác biệt của những chương trình này là quan tâm đầu vào hơn chuẩn tiếng Anh và giảng dạy bằng ngoại ngữ, chú trọng các kỹ năng mềm, sinh viên (SV) năng động, thích vươn xa cho nghề nghiệp. Quá trình thiết kế chương trình, sẽ chú trọng chuẩn ngoại ngữ và kỹ năng bên cạnh kiến thức chuyên ngành, phù hợp môi trường đào tạo và làm việc ở nước ngoài.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương phân tích, mô hình đào tạo nhiều ngành là hình thức du học tại chỗ, với chương trình được thiết kế học ĐH tại Huế sau đó, học thạc sĩ ở nước ngoài hoặc chương trình học thời gian đầu tại Huế rồi tiếp tục học ở nước ngoài, với các mô hình hai bên cùng cấp bằng. Bên nước ngoài cấp bằng hay kết nối lên thạc sĩ ở nước ngoài và công nhận kết quả học tập ĐH ở ĐH Huế.

Theo đại diện ĐH Huế, giảng viên sẽ được huy động tại các đơn vị thành viên của ĐH Huế, cả trong và nước ngoài. Đối với các giảng viên trong nước sẽ chú trọng đánh giá, kiểm định chuẩn đầu vào, nhất là ngoại ngữ vì chương trình dạy bằng ngoại ngữ, đồng thời yêu cầu kinh nghiệm tốt.

Khắc phục khó khăn

Trên thực tế, ĐH Huế cũng đã có nhiều chương trình đào tạo liên kết như chương trình kỹ sư (Val de Loire – Pháp), chương trình thạc sĩ liên kết ĐH Quốc gia Chiao Tung (Đài Loan) tại Trường ĐH Sư phạm; chương trình Rennes (Pháp) hay Tallaght – Ireland tại Trường ĐH Kinh tế cùng một số chương trình tại Trường ĐH Y dược, ĐH Nông lâm đã cho thấy hiệu quả.

TS. Hà Viết Hải, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cho biết, quá trình đào tạo, đã có hơn 100 SV tốt nghiệp từ chương trình kỹ sư; trong đó, có 4 SV sau khi học tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 10 học viên đang làm luận án tiến sĩ và hầu hết những người còn lại đang có việc làm tốt tại Pháp hoặc Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các trường, điểm khó của các chương trình liên kết là thu hút người học, do các vấn đề về học phí (với các chương trình không miễn học phí), nhận thức, thói quen tư duy của người học về chương trình liên kết hay những khó khăn, yêu cầu ngoại ngữ.

ĐH Huế đã tính toán đến những vấn đề trên để giúp cho các chương trình mới sẽ khả thi. ĐH Huế đang đàm phán với rất nhiều đối tác nhằm lựa chọn đối tác phù hợp, có thể miễn, giảm học phí hoặc đưa ra mức học phí phù hợp với thí sinh, nhất là con em khu vực miền Trung còn nhiều khó khăn.

Đại diện ĐH Huế cho rằng, một trong những điểm hạn chế trước đây là quảng bá về các chương trình liên kết chưa tốt. Vì thế, giải pháp của ĐH Huế là sẽ tập trung quảng bá sâu sát đến thí sinh và phụ huynh, các trường phổ thông để làm tốt hơn công tác quảng bá tuyển sinh.

ĐH Huế cũng hoàn thành các thủ tục để thành lập Khoa Kỹ thuật và Công nghệ trong tháng 11/2019 và dự kiến tuyển sinh ngay trong năm 2020 cùng với các chương trình của Khoa Quốc tế. Theo lãnh đạo ĐH Huế, việc hình thành các khoa để phát triển các chương trình liên kết là cách thuận lợi để huy động các nguồn lực cho liên ngành, xuyên ngành mà ĐH Huế đang có lợi thế để đáp ứng việc tuyển sinh và đào tạo tốt hơn.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2024

1. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lần đầu tiên tham dự trực tiếp Phiên thảo luận cấp cao Khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, truyền tải thông điệp mạnh mẽ về mỗi quốc gia đều đóng một vai trò quan trọng trong “bản giao hưởng lớn của thời đại”. Tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, Việt Nam nêu bật tầm nhìn và cam kết đóng góp cho hòa bình và phát triển toàn cầu.

10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2024
Chính sách tốt để giữ chân người tài

Từ thuở bình minh của lịch sử, các triều đại đầu tiên xây dựng quốc gia độc lập đều mong mỏi, khao khát nhân tài. Tùy theo từng giai đoạn lịch sử mà việc tiến hành lựa chọn nhân tài ra giúp nước được tiến hành theo những cách khác nhau. Ngày nay, việc trọng dụng nhân tài luôn đặt lên hàng đầu.

Chính sách tốt để giữ chân người tài

TIN MỚI

Return to top