ClockThứ Tư, 22/03/2017 13:56

Khoa Ngữ văn, Trường đại học Khoa học: Một địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

TTH - Khoa Ngữ văn Trường đại học Khoa học Huế từ lâu trở thành một địa chỉ gắn bó với nhiều thế hệ sinh viên miền Trung và cả nước. Nơi đây đã và đang ươm mầm những tài năng về nghiên cứu phê bình, sáng tác và điều hành, quản lý xã hội. Nói về những đóng góp nổi bật của khoa trong 60 năm qua, PGS.TS.Nguyễn Thành, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường đại học Khoa học Huế khẳng định:

PGS.TS. Nguyễn Thành, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường đại học Khoa học Huế

Đóng góp lớn nhất của Khoa Ngữ văn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Từ năm 1986 đến nay, trước sự đổi mới toàn diện của đất nước và giáo dục đại học, Khoa Ngữ văn đã thay đổi từ mục tiêu, quy mô đến loại hình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của người học và của xã hội.

Chất lượng đào tạo gắn liền với tính hiện đại và cập nhật của chương trình đào tạo. Dù hình thức tổ chức đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên và chất lượng đầu vào của sinh viên trong hàng chục năm qua luôn biến động, nhưng khoa luôn đảm bảo được chất lượng đầu ra. Riêng đội ngũ giảng viên, Khoa Ngữ văn vẫn đảm bảo được đội ngũ cơ hữu với 4 PGS-TS, 8 TS, 12 thạc sĩ, trong đó có 7 người đang làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Để tổ chức tốt việc đào tạo ba bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, khoa đã mời một số chuyên gia đầu ngành từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thỉnh giảng.

Quy mô và loại hình đào tạo tại Khoa Ngữ văn đã có sự phát triển như thế nào để đáp ứng nhu cầu của xã hội, thưa ông?

Về đào tạo đại học, từ năm 1997, Khoa Ngữ văn bắt đầu đào tạo hình thức chuyên ban (ba năm đầu học chung các khối kiến thức Ngữ văn, năm cuối dành cho kiến thức chuyên ban). Đó là các chuyên ban Báo chí, Hán Nôm. Hình thức chuyên ban này là cơ sở để xây dựng các ngành Báo chí và Hán Nôm sau này. Năm 2002, khoa bắt đầu đào tạo ngành Hán Nôm bên cạnh ngành Ngữ văn. Từ năm 2003, khoa đào tạo khóa đầu tiên ngành Báo chí bên cạnh ngành Ngữ văn và Hán Nôm. Đến năm 2007, khoa đào tạo cùng một lúc 4 ngành cử nhân: Văn học, Ngôn ngữ học, Hán Nôm và Báo chí. Ngành Ngữ văn tách thành hai là Văn học và Ngôn ngữ học. Để tạo điều kiện cho ngành Báo chí phát triển, từ năm 2010, khoa đề nghị trường cho tách tổ Báo chí thành bộ môn trực thuộc trường và nay đã trở thành Khoa Báo chí - Truyền thông. Vì vậy hiện nay, Khoa Ngữ văn đào tạo ba ngành bậc đại học: Văn học, Ngôn ngữ học và Hán Nôm.

Về đào tạo sau đại học, từ năm 1997, khoa bắt đầu đào tạo thạc sĩ Ngôn ngữ học. Đến năm 2004, khoa chính thức tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ các chuyên ngành Văn học Việt Nam và Lý luận văn học. Trung bình mỗi khóa đào tạo khoảng 40 học viên. Từ năm 2011, Khoa Ngữ văn được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo TS với hai chuyên ngành: Văn học Việt Nam và Ngôn ngữ học, trở thành cơ sở đầu tiên ở Trung và Nam Trung Bộ (tính từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) tổ chức đào tạo hai chuyên ngành TS Văn học Việt Nam và Ngôn ngữ học.

Nhìn chung 60 năm qua, nhất là từ năm 1978 đến nay, xét quy mô và các loại hình đào tạo, Khoa Ngữ văn đã có sự phát triển đáng kể. Điều này thật sự có ý nghĩa khi đội ngũ giảng viên cơ hữu của khoa qua các giai đoạn chưa bao giờ đạt đến con số 30.

Sản phẩm đầu ra nói lên chất lượng đào tạo của một cơ sở giáo dục đại học. Đối với Khoa Ngữ văn, điều này được thể hiện như thế nào?

Thành tích đào tạo của của khoa trước hết được thể hiện qua những con số. Trong 18 năm trước 1975, Trường đại học Văn khoa Huế đã đào tạo hàng trăm cử nhân văn chương. Trong 40 năm sau 1975 đến nay, Khoa Ngữ văn đã đào tạo được hơn 3.200 cử nhân (tính đến khóa 36), bao gồm cả hai hệ chính quy và vừa làm vừa học. Khoa cũng đã đào tạo được 301 thạc sĩ và  từ 2011 đến nay, đào tạo được 15 TS cả hai chuyên ngành Văn học Việt Nam và Ngôn ngữ học.

Trao bằng tiến sĩ và thạc sĩ năm 2016

Đáng mừng là "sản phẩm đào tạo" của khoa được xã hội thừa nhận. Chỉ tính riêng các thế hệ sinh viên tốt nghiệp Khoa Văn sau 1975, đã có hàng trăm nhà văn, nhà báo, trong đó không ít người đảm nhận những vị trí quan trọng trong các cơ quan thông tin đại chúng, trong các hội văn học - nghệ thuật. Khoa Ngữ văn còn là nơi góp phần đào tạo nhiều nhà giáo, nhà khoa học cho miền Trung và cả nước. Nhiều cựu sinh viên của khoa có học vị TS, học hàm PGS và hàng trăm thạc sĩ, nhà giáo đang giảng dạy, công tác trong các trường đại học, cao đẳng, THPT, THCS, các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Khoa Ngữ văn tự hào có những cựu sinh viên, học viên đã trở thành những người đảm nhiệm các trọng trách trong hệ thống cơ quan Đảng, chính quyền của các tỉnh, thành phố, góp phần điều hành và quản lý xã hội ở các địa phương.

Ông có thể cho biết những định hướng lớn của Khoa Ngữ văn thời gian tới?

Với kinh nghiệm đào tạo sau hơn nửa thế kỷ, Khoa Ngữ văn sẽ tiếp tục củng cố những ngành (bậc đại học) được xã hội thừa nhận, mở một số ngành mới đáp ứng nhu cầu của xã hội, quan tâm việc tăng chất lượng tuyển sinh đầu vào. Tiếp tục đầu tư cho đào tạo sau đại học, giữ vững chất lượng đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, chú trọng việc liên kết đào tạo cao học với một số đại học ở miền Trung. Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, bao gồm việc tổ chức các hội thảo chuyên đề cấp trường và cấp quốc gia, trong đó ưu tiên những vấn đề có tính cập nhật của lý luận và lịch sử văn học. Hướng đến việc mở rộng trao đổi và hợp tác nghiên cứu, đào tạo với một số đại học trong khu vực.

Để đảm bảo mục tiêu định hướng này, khoa tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đảm bảo đội ngũ cơ hữu luôn có trên 50% tiến sĩ. Bổ sung và hoàn chỉnh chương trình đào tạo tín chỉ cho đào tạo đại học và sau đại học, tăng số học phần tự chọn, chú trọng tính cập nhật. Thúc đẩy việc biên soạn bộ giáo trình của Khoa Ngữ văn. Khoa cũng rất động viên và tạo điều kiện cho các giảng viên trẻ tu nghiệp hoặc học tập nâng cao trình độ tại các đại học tiên tiến ở nước ngoài.

Dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về số lượng và chất lượng tuyển sinh, về năng lực của đội ngũ, cơ sở vật chất, nhưng với truyền thống và kinh nghiệm cùng sự động viên và ủng hộ của hàng ngàn cựu sinh viên, học viên và của các giảng viên, các nhà khoa học trên khắp mọi miền của đất nước, Khoa Ngữ văn sẽ tiếp tục lớn mạnh, đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung và cả nước.   

Xin cảm ơn ông!

Thanh Vân (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chính sách tốt để giữ chân người tài

Từ thuở bình minh của lịch sử, các triều đại đầu tiên xây dựng quốc gia độc lập đều mong mỏi, khao khát nhân tài. Tùy theo từng giai đoạn lịch sử mà việc tiến hành lựa chọn nhân tài ra giúp nước được tiến hành theo những cách khác nhau. Ngày nay, việc trọng dụng nhân tài luôn đặt lên hàng đầu.

Chính sách tốt để giữ chân người tài
Đào tạo & giữ chân người tài

Tròn đúng 10 năm sau hội thảo “Thừa Thiên Huế - đất học và tài năng” (12/11/2014), Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế lại mở hội thảo khoa học “Chính sách sử dụng người tài - lịch sử và vấn đề đặt ra” vào ngày 16/11/2024. Vấn đề đặt ra ở đây vẫn là câu chuyện về tài năng và vấn đề sử dụng người tài.

Đào tạo  giữ chân người tài
Đào tạo, hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn

Tối 17/12, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) TP. Huế phối hợp với Trung tâm REACH Huế tổ chức hội nghị tổng kết 2 năm (2023-2024) dự án đào tạo và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn “Mở đường cho thanh niên lập nghiệp”.

Đào tạo, hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn
Bàn giao 30 bác sỹ trẻ và khai giảng khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I

Ngày 7/12 tại Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế, Bộ Y tế tổ chức lễ bàn giao 30 bác sỹ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I - lớp 3 trong tổng số 267 bác sỹ đang được đào tạo; và khai giảng lớp bác sỹ chuyên khoa cấp I - lớp 13 với 32 bác sỹ được tuyển chọn theo các tiêu chuẩn quy định.

Bàn giao 30 bác sỹ trẻ và khai giảng khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I

TIN MỚI

Return to top