ClockThứ Bảy, 21/03/2020 06:45

Để trẻ không buồn chán do đợt nghỉ dài thời… Cô-vít

TTH - Không như kỳ nghỉ hè - thời gian trẻ sẽ được đi chơi đây đó và tham gia nhiều hoạt động bên ngoài, đợt nghỉ “bất đắc dĩ” sau tết kéo dài gần hai tháng vì dịch bệnh COVID-19 (cô -vít) khiến không ít trẻ cảm thấy buồn chán, thậm chí là căng thẳng bởi chỉ quanh quẩn trong nhà.

63 tỉnh, thành phố tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 15/3Đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa dịch COVID -19

TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế

Làm sao để trẻ cảm thấy vui vẻ, thoải mái và không rơi vào trạng thái buồn chán trong thời dịch “cô-vít” này? Những chia sẻ sau đây của tiến sĩ (TS) Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế sẽ là gợi ý hay cho các bậc phụ huynh.

Lý giải về tâm lý chán nản và căng thẳng của không ít trẻ, TS. Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, việc trẻ bắt buộc phải ở nhà nhiều ngày nhưng ở trong trạng thái gò bó và ràng buộc, không được gặp gỡ bạn bè, thầy cô,… không được vui chơi tham gia các hoạt động bên ngoài sẽ dẫn đến tâm lý nặng nề, nhàm chán, trái ngược với tính cách thích hoạt động lâu nay của trẻ. Rõ ràng, điều này gây ức chế về tâm lý đối với trẻ nên hiện tượng trẻ buồn chán, cáu gắt, có biểu hiện phá phách nghịch ngợm là phản ánh tâm lý hoàn toàn bình thường khi rơi vào trạng thái gò bó như vậy.

Vậy các phụ huynh cần làm gì để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn trong đợt nghỉ dài này, thưa ông?

Cần phải tiếp cận cả góc độ phụ huynh và góc độ trẻ. Đối với phụ huynh, lâu nay công việc quản lý và định hướng cho trẻ về cơ bản là giao khoán cho nhà trường nên khi trẻ ở nhà, bố mẹ gặp khó khăn và có thể rơi vào trạng thái khủng hoảng, tức là không biết định hướng, sắp xếp các hoạt động cho trẻ tham gia. Từ đó dẫn đến tâm lý căng thẳng trong việc ứng phó với đứa trẻ.

Hoạt động, vui chơi giúp trẻ giải trí lành mạnh (Ảnh minh họa). Ảnh:  KHÁNH ĐĂNG

Vậy các phụ huynh nên làm gì? Thực ra vì chỉ bó buộc trong không gian gia đình mình nên rất khó để phụ huynh có thể tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, hứng thú bằng việc ra bên ngoài. Theo tôi, trong tình huống này bố mẹ cần xây dựng kế hoạch trong hoạt động hằng ngày cho trẻ ở nhà, ví dụ cho trẻ tham gia các hoạt động, đọc những quyển sách trẻ thích, bố mẹ cũng có thể cùng đọc sách, xem phim với con và đặt câu hỏi cho con về bộ phim ấy... Như vậy sẽ giúp trẻ quên đi những khó chịu khi không được tham gia những hoạt động bên ngoài mà trẻ yêu thích.

Bố mẹ cũng cần dành nhiều thời gian trò chuyện giao tiếp với trẻ, kéo trẻ vào những hoạt động hằng ngày của gia đình mình để tránh cho trẻ sự nhàm chán khi phải ở nhà lâu. Đây chính là thời điểm vàng hay nói cách khác là cơ hội lớn nhất để phụ huynh định hình, rèn luyện cho trẻ những quy tắc trong hoạt động hằng ngày và phòng chống dịch, ví dụ như giữ gìn vệ sinh, đi vệ sinh phải rửa tay, sát khuẩn như thế nào…; hình thành cho các em ý thức trách nhiệm đối với bản thân, người thân của mình cũng như cộng đồng trong việc nâng cao ý thức phòng chống dịch.

Một điều mà các phụ huynh phải lưu ý là, đừng để cho trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ như iPhone, iPad, xem truyền hình… quá nhiều, vì sẽ ảnh hưởng đến thị lực và sự phát triển của trẻ, do những thiết bị này có tính chất gây nghiện. Hơn nữa, một số thông tin trên mạng có tác động xấu, gây hoang mang cho trẻ. 

Trẻ con thường rất mê những trò chơi hấp dẫn trên iPhone, iPad,… và sa đà vào đó. Bố mẹ cần đặt ra những nguyên tắc gì để hạn chế và bắt trẻ tuân thủ những nguyên tắc đó?

Mình phải có những nguyên tắc cho trẻ, ví dụ hôm nay nếu con chơi 30 phút theo quy định thì ngày mai mẹ sẽ cho con chơi tiếp; còn nếu hôm nay đòi chơi thêm 30 phút nữa thì ngày mai mẹ sẽ không cho con chơi nữa. Đó là một trong những cách đưa ra quy định đối với trẻ. Tất nhiên, trong thời điểm hiện nay chúng ta không nên quá khắt khe, vì sự nhàm chán lặp đi lặp lại hàng ngày do phải ở nhà đã khiến trẻ khó chịu rồi, cộng thêm sự quá khắt khe của phụ huynh càng đẩy tình huống trở nên căng thẳng và trẻ sẽ tìm mọi cách để phản kháng lại bằng cách cáu gắt, đập đồ chơi, làm cho mọi thứ trong gia đình trở nên lộn xộn hơn,… Do vậy, bố mẹ cần có sự linh hoạt, mềm dẻo trong giáo dục con trẻ.

Ông có những lời khuyên và gợi ý cụ thể nào đối với phụ huynh trong việc giúp con mình không sao lãng việc học và quên kiến thức đã học do việc nghỉ quá dài?

Với trẻ mầm non, việc ở nhà ít gặp khó khăn hơn trẻ lớn vì áp lực học tập không nhiều; nhưng đối với trẻ tiểu học thì thời gian nghỉ ở nhà khiến trẻ có thể đối mặt với việc bị quên kiến thức và khi quay lại môi trường học tập sẽ phải mất một khoảng thời gian dài để thích ứng lại với những quy định, thói quen học tập hàng ngày. Do đó, phụ huynh phải tập cho con duy trì những hoạt động học tập hàng ngày để không quên kiến thức đã học. Đối với những học sinh phổ thông, nhiều trường đã tổ chức dạy online thì phụ huynh cũng nên động viên, giám sát con thực hiện những hoạt động theo yêu cầu của nhà trường để đảm bảo sự liền mạch hệ thống kiến thức và duy trì thói quen học tập như khi đi học ở trường.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm giúp trẻ cảm thấy vui vẻ từ gia đình mình?

Khoảng thời gian này mình ít lên trường nên buổi sáng thường chở con đi ăn sáng và tham quan một địa điểm nào đó. Buổi chiều mình vẫn chở con đi dạo và cùng trò chuyện với con để con cảm thấy thoải mái, tất nhiên là khi đi phải đeo khẩu trang và không đến những địa điểm đông người. Tối về thì cùng nói chuyện với con, cho con học đàn. Hai chị em cũng tự bày ra các trò chơi và cùng chơi với nhau rất vui. Những gia đình có 2 con trở lên thì chị em có thể chơi với nhau và nghĩ ra những trò chơi phù hợp để thỏa mãn nhu cầu của chúng để cùng chơi với nhau.

Bố mẹ phải cho các con thấy phòng bệnh là rất tốt, nhưng không nên quá căng thẳng với việc phòng dịch, quá sợ tới mức cực đoan sẽ gây ra tâm lý nặng nề cho con. Chúng ta vẫn có thể cho con đi dạo, đi bộ, đi tập thể dục  mỗi ngày để tâm trạng trẻ thoải mái, miễn là phải tuân thủ những nguyên tắc được các cơ quan chức năng khuyến cáo về các quy trình phòng chống dịch, rửa tay thường xuyên, không đến những địa điểm đông người…

Sau một đợt nghỉ dài chắc chắn khi đi học lại, trẻ sẽ có sức ì lớn. Làm sao để trẻ có thể vượt qua sức ì này?

Chắc chắn sức ì sẽ có rồi vì bao giờ cũng vậy, một hành vi tốt phải được lặp đi lặp lại thường xuyên để thành thói quen. Trẻ nghỉ lâu sẽ mất dần thói quen học tập hằng ngày nên phải lặp lại thói quen đó. Sức ì này chỉ vài ba ngày hoặc trong một tuần đầu thôi, sau đó mọi việc sẽ trở lại bình thường vì trẻ đã có thói quen đi học trước đây rồi và cũng phải chuẩn bị tâm thế trở lại trường nên cũng không lo lắm. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho trẻ vượt qua sức ì này, hằng ngày các bậc phụ huynh nên duy trì cho trẻ thói quen đọc sách, làm những bài tập, tất nhiên không đặt nặng việc phải giải quyết bắt buộc của bài tập. Như vậy, trẻ sẽ vẫn giữ được thói quen học tập hằng ngày và sẽ không có sức ì quá lớn khi đi học trở lại.

Xin cảm ơn ông!

NGỌC HÀ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người

Theo các chuyên gia, sự phụ thuộc ngày càng tăng của con người vào trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) có thể khiến họ mất đi lợi thế trong việc phát triển các kỹ năng đọc, viết và kỹ năng phân tích quan trọng trong tương lai.

GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ngày 26/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an tổ chức hội nghị tập huấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Ngày Trẻ em thế giới (20/11):
UNICEF chỉ ra những xu hướng lớn sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em

Sự thay đổi nhân khẩu học, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, và quá trình chuyển đổi công nghệ nhanh chóng có nguy cơ tạo ra một tương lai ảm đạm cho trẻ em vào giữa thế kỷ 21, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo trong một báo cáo thường niên, được công bố vào Ngày Trẻ em thế giới (20/11).

UNICEF chỉ ra những xu hướng lớn sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em

TIN MỚI

Return to top