ClockChủ Nhật, 08/11/2015 07:23

Có một tình yêu như thế

TTH - Khi nói về thầy giáo dạy toán Hoàng Đức Ngọc (nguyên là Phó Chánh Thanh tra của Sở Giáo dục- Đào tạo) và cô giáo dạy Văn Nguyễn Ngọc Huệ ở xứ Huế, các thầy cô giáo từng là đồng môn, đồng nghiệp, các em học sinh từng học với thầy cô, không mấy người là không mến thương, không cảm phục về nhân cách, về lòng yêu nghề, sự tận tâm với nghề, cũng như tài năng sư phạm của thầy cô. Đặc biệt, họ càng quý mến thầy Ngọc, cô Huệ hơn khi được biết về tình yêu, tình nghĩa vợ chồng mặn nồng, sâu sắc của hai nhà giáo trong suốt 40 năm qua. 

Thầy Hoàng Đức Ngọc quê ở huyện Cam Lộ, Quảng Trị. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp Khoa Toán Lý Trường ĐHSP Vinh, thầy đã làm đơn tình nguyện về dạy học ở vùng tuyến lửa Vĩnh Linh. Cô Nguyễn Ngọc Huệ quê ở Huế nhưng lại sinh ra và lớn lên ở miền quê có dòng sông Bến Hải hiền hòa, đêm ngày căng mình dưới mưa bom, bão đạn…

Năm 16 tuổi (1966), cô vào học ở trường cấp 3 Vĩnh Lĩnh. Vài năm sau cô lại theo trường sơ tán ra huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An). Thời gian này, cô được học môn toán với thầy giáo trẻ Hoàng Đức Ngọc.

Sau 3 năm học cấp 3, cô nữ sinh gốc Huế được tuyển thẳng vào học ở Trường ĐHSP Hà Nội. Những năm tháng cô học ở Hà Nội, ở nơi sơ tán Hưng Yên, cứ vài ba ngày cô lại nhận được thư động viên, chia sẻ mọi nỗi buồn vui của chàng trai Đức Ngọc. Anh ở Nghệ An, chị ở ngoài Bắc bận bịu với bao công việc, nhưng không kỳ nghỉ hè, nghỉ tết nào là 2 người không tìm về thăm nhau. Nhiều lần anh Ngọc đã đạp xe vượt hàng trăm cây số, bất kể nắng mưa, bom đạn từ miền Trung ra Bắc để được gặp người yêu. Chị Huệ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường đại học có không ít chàng trai ngỏ lời yêu thương nhưng cô đều từ chối dù biết họ là những người rất chân thành, rất tài năng, bởi trái tim cô đã dành trọn cho chàng trai ở mảnh đất miền Trung nhiều gian khổ, khó khăn…

Tốt nghiệp đại học, cô giáo Huệ được về dạy ở Trường cấp 3 Ba Vì (tỉnh Hà Tây cũ). Tháng giêng năm 1973, anh Ngọc, chị Huệ làm lễ thành hôn, nhưng vợ chồng còn phải sống xa nhau vài năm nữa. Đất nước thống nhất, sau năm 1975, anh chị trở về quê hương dạy học và sinh sống. Từ ngày chị được về dạy Văn ở trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế) và nhiều năm được bầu làm Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ chuyên môn; anh về làm việc ở Ban thanh tra của Sở Giáo dục- Đào tạo; Gia đình được sống yên vui trong một căn hộ tập thể trên đường Mai Thúc Loan, mọi việc dường như tốt đẹp cả. Song niềm vui ấy kéo dài không được bao lâu. Gần cả chục năm trời, thầy giáo Ngọc hết bị bệnh này lại mắc phải thương tật khác. Đầu tiên là mắt phải thầy bị mờ, tiếp đó là các bệnh: hen suyễn, gút, viêm đại tràng, sỏi mật, tim mạch… Rồi nữa, trong một lần ra phố, thầy bị tai nạn giao thông nặng, xương sườn, xương quai xanh bị gãy… Bệnh nào thầy cũng phải nằm viện, ít thì dăm ba ngày, dài thì sáu, bảy tháng. Con còn tuổi ăn, tuổi học, chồng bị bệnh tật triền miên, tất cả chỉ trông vào bàn tay tần tảo của cô giáo Huệ. Nhà có gì quý giá chị đều bán hết, kể cả cái ti vi nhỏ. Sau giờ ở trường, chị đã đạp xe tất bật đi dạy thêm, bất kể nơi gần hay xa…, chỉ mong có thêm chút tiền để chữa bệnh cho chồng. (Chỉ riêng việc mổ tim cho anh, gia đình đã phải chi trên một trăm triệu đồng). Rồi ai mách có bài thuốc hay, có thầy thuốc giỏi ở đâu, chị đều tìm tới… Mọi việc cô giáo Huệ làm đều hướng vào một mục đích là để thầy Ngọc sớm dứt được các cơn bạo bệnh. Nhờ sự chăm sóc tận tình của vợ, và hiệu quả của các bài thuốc, đến năm 1996 một số cơn bệnh hiểm nghèo mà anh mắc phải dần dần bị đẩy lùi như hen suyễn, gút… và tim mạch cũng dần được ổn định. Nhưng không ai ngờ, cơn bệnh tim mạch lại tái phát, thầy bị tai biến mạch máu não và mãi mãi vĩnh biệt ba mẹ con…

Gần đây, tôi có dịp lên thăm nhà cô giáo Ngọc Huệ. Biết mẹ con chị đã xây được ngôi nhà mới, các con chị đã trưởng thành, mỗi người có từ 2 đến 3 bằng đại học, công ăn việc làm ổn định, tôi thật mừng cho chị. Nhìn nét mặt thoáng u buồn của chị khi tôi đọc những câu thơ bạn bè viết tặng thầy Ngọc, tôi biết chị rất nhớ thương anh. Tôi càng xúc động hơn khi cô giáo Huệ mở cái hộp lớn cho tôi xem 5 tập nhật ký dày, hàng trăm bức thư (có bức dài đến trên 10 trang) anh chị gửi cho nhau những ngày kẻ Nam, người Bắc, những tờ lịch rời ghi công việc mà anh chị làm, những tờ điện tín mỗi người nhận được khi họ ở xa nhau… Chị nói với tôi: Trong tờ di chúc anh gửi lại, anh có nhắn: Khi anh mất chị hãy đặt lên trái tim anh những bức thư của chị gửi cho anh thuở nào để anh thấy lúc nào chị cũng ở bên anh, cũng được sưởi ấm bằng trái tim của người vợ thân thương.

Giờ đây, ngồi viết lại những dòng này, lòng tôi lại trào dâng bao sự cảm phục, quý mến thầy cô Hoàng Đức Ngọc- Nguyễn Ngọc Huệ. Tình yêu và cuộc sống gia đình của thầy cô đẹp như ngọc, thơm như hoa, sáng trong như dòng sông quê nhà.

Trần Hoàng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng nghiệp thông qua ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam"

Tổ chức cho học sinh chia sẻ về ước mơ, khát vọng; truyền cảm hứng, hướng nghiệp định hướng tương lai và trao quà hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn là những hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong chương trình ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam" do Trường cao đẳng Công nghiệp Huế phối hợp với Trường THCS Thủy Phương (TX.Hương Thủy) tổ chức vào ngày 9/1. Hoạt động nhằm thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên Việt Nam.

Hướng nghiệp thông qua ngày hội Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam
Trao quà cho học sinh nghèo học giỏi ở huyện Phú Lộc

Ngày 9/1, Hội Khuyến học huyện Phú Lộc phối hợp với đơn vị tài trợ Hội Vietkids - Ban Từ thiện Xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Huế tổ chức trao quà cho học sinh nghèo học giỏi ở huyện Phú Lộc.

Trao quà cho học sinh nghèo học giỏi ở huyện Phú Lộc

TIN MỚI

Return to top