ClockThứ Năm, 17/12/2015 10:27

“Trồng người” ở Nhật Bản - Đáng ngẫm, đáng học

TTH - Không thuận lợi như Việt Nam về “rừng vàng biển bạc” và có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng đất nước Nhật Bản lại trở thành một trong những cường quốc kinh tế trên thế giới. Một trong những lý do là vì Nhật Bản giáo dục ý thức cộng đồng và bản thân rất tốt cho công dân nước mình ngay từ trên ghế nhà trường.

 

Học sinh Nhật tham gia làm sạch hành lang lớp học (hình ảnh từ phim School lunch in Japan - It’s not just about eating!)

 

Ăn mà học, học mà ăn
Tôi vô cùng thán phục về cách giáo dục học sinh của đất nước mặt trời mọc khi xem phim ngắn trên YouTube: School lunch in Japan - It’s not just about eating! (tạm dịch: Bữa ăn trưa ở trường tại Nhật Bản - Không chỉ là chuyện ăn!). “45 phút dành cho bữa ăn trưa được xem như 1 tiết học về môn nào đó, chẳng hạn như toán hoặc văn vậy!”, vị hiệu trưởng trong bộ phim đã nói như thế.
Câu chuyện bắt đầu với một cô bé học sinh lớp 5 vừa bước ra khỏi nhà với một chiếc cặp sách và một túi nhỏ đeo bên cạnh cặp sách, trong đó đựng tấm khăn trải bàn, khăn lau miệng, một đôi đũa, một chiếc cốc, một bàn chải đánh răng, một chiếc mũ vải,... tất cả được xếp rất gọn gàng. Đây là hành trang không thể thiếu khi đến trường của em. Hơn 12h25’, lớp học của cô bé kết thúc. Cả lớp liền đứng lên nói với giáo viên: “Cảm ơn đã dạy chúng em!”. Giờ ăn bắt đầu.
Trong khi một số học sinh trong lớp xếp lại bàn ghế chuẩn bị cho bữa ăn trưa ngay tại lớp học thì một số học sinh đi đến nhà bếp lấy các phần ăn cho cả lớp. Chuyện đến đây có vẻ không có gì lạ nhưng điều lạ là ở chỗ, không chỉ các học sinh lớp 4, 5, 6 mà cả các học sinh mới học lớp 1, 2 vẫn phải tự đi lấy cơm cho cả lớp (tất nhiên là có cô giáo đi kèm – Điều này hoàn toàn khác hẳn với Việt Nam, ở trường con gái tôi, những đứa trẻ lớp 3 rồi mà đến giờ ăn vẫn ngồi trong lớp rất thụ động bởi sẽ có người đưa cơm tới cho cả lớp. Các trường khác có lẽ cũng vậy). Đến nhà ăn, trước khi lấy phần cơm cho lớp mình, một lần nữa câu cảm ơn lại được các em nói một cách rất tự nhiên: “Cảm ơn đã nấu bữa ăn ngon cho chúng em!”. Tại lớp học lúc này, tất cả học sinh đã trải khăn ăn, mặc chiếc áo, đội mũ vải và cho tóc vào cho gọn gàng. Hai bạn làm class leader (tạm dịch người chỉ huy lớp) có nhiệm vụ hỏi các bạn của mình xem ai bị ho không, đã rửa tay sạch sẽ chưa? Khi thức ăn được lấy về, một số học sinh phụ trách công việc múc đồ ăn và phân chia hộp sữa cho các bạn trong lớp. Thức ăn sau khi đã đến tay các thành viên của lớp, class leader có nhiệm vụ kiểm tra lại xem các món ăn đem về còn dư ra những gì (những học sinh trong lớp khi đã ăn xong phần ăn của mình, muốn ăn thêm những phần ăn còn dư này sẽ phải thắng trong trò chơi oẳn tù tì).
Bữa ăn chính thức bắt đầu với câu: “Cảm ơn đã phục vụ chúng mình!”. Thầy giáo cũng ngồi ăn cùng với học sinh. Thầy bảo: “Khoai tây trong khẩu phần ăn của mình do các học sinh lớp 6 trồng trong vườn trường. Tháng 3 tới, chúng ta sẽ trồng khoai và sẽ thu hoạch sau đó 4 tháng”. Một điều đáng chú ý nữa trong bộ phim ngắn này là, các học sinh trong lớp sau khi uống sữa xong đều xé hộp giấy đựng sữa ra, xếp thành chồng để một bạn đi rửa. Những vỏ hộp giấy này sẽ được để khô tại lớp trong 1 ngày rồi được chuyển đến khu vực tái chế. Ăn xong, tất cả học sinh đều đứng lên dọn bàn của mình và một lần nữa nói lời cảm ơn (đây là lần cảm ơn thứ 4): “Cám ơn bữa ăn ngon!”. Một cách giáo dục về ý thức trách nhiệm rất hay, mọi học sinh đều phải lao động và cảm ơn về những gì mà người khác đã làm cho mình! Cách lồng ghép giáo dục rất nhẹ nhàng mà hiệu quả trong giờ ăn như vậy khiến đứa trẻ nào ở đây khi được hỏi cũng bảo: “Cháu rất thích giờ ăn trưa!”
1h10’, ngay sau giờ ăn trưa là thời gian dọn dẹp. Các học sinh cùng nhau lau chùi hành lang, lớp học, cầu thang, nhà tắm, phòng học thể dục,... với một sự hào hứng vui vẻ chứ không hề miễn cưỡng. Bộ phim kết thúc ở đó.
Một nền giáo dục gần gũi và bình đẳng
Một giảng viên đại học từng có thời gian học tập ở Nhật trong thời gian dài cho rằng, nền giáo dục của Nhật không cao siêu nhưng rất gần gũi và có ích. Chị kể, giờ giáo dục công dân bên đó thực tế là môn xã hội, các học sinh mới lớp 1, lớp 2 đã được hướng dẫn đi xe buýt, đi siêu thị, đi picnic,... qua đó đào tạo tính cách độc lập và mạnh dạn cho con trẻ. Chẳng hạn ngày mai trường tổ chức đi picnic, giáo viên sẽ hỏi các học sinh phải chuẩn bị những gì và yêu cầu các em về nhà tự soạn các thứ đó, đánh dấu xem mình đã chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết chưa. Chỉ một lần như vậy là lần sau trẻ sẽ biết phải làm gì khi đi picnic. Chưa hết, sau khi đi picnic về, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh viết bài thu hoạch mà cũng là bài tập làm văn. Yêu cầu đề ra không hề cao xa mà chỉ hỏi học sinh rút ra bài học gì từ quá trình chuẩn bị? Thiếu hay thừa cái gì? Chuyến picnic có gì hay và chưa hay? Lần sau đi lại theo em nên thế nào? Vậy là 100 em sẽ có 100 bài thu hoạch - bài tập làm văn hoàn toàn khác nhau. Với cách thức này, học sinh có thể tự diễn đạt suy nghĩ của mình, có suy nghĩ riêng - tức là nước Nhật chú trọng đào tạo con người dám phát biểu và có chính kiến.
Nền giáo dục ở Nhật Bản còn rất bình đẳng. Không giống như ở Việt Nam, hầu như học sinh nào làm lớp trưởng năm này thì năm sau tiếp tục làm lớp trưởng. Như vậy, em đó sẽ mạnh dạn hơn, có tố chất lãnh đạo, nhưng điều này không tạo cơ hội cho những em khác. Chắc gì những học sinh còn lại của lớp không có tố chất lãnh đạo? Ở Nhật thì khác, mỗi học sinh đều được làm lớp trưởng 1 ngày, ai cũng phải và có cơ hội làm lớp trưởng. Các em cũng chia nhau làm lao công, rửa bát, vệ sinh toilet và quay vòng như vậy nên tất cả các việc các em đều phải biết. Đây chính là sự bình đẳng trong giáo dục ở Nhật và giúp học sinh hình thành khả năng giao tiếp, diễn đạt ý, giải quyết vấn đề dù rất nhỏ.
Ở Nhật, các trường cũng cấm bố mẹ chở con đi học, dù tuyết rơi, dù mưa, nắng hay bão, các em cũng phải tự đi học. Được như vậy là vì bên Nhật đã xã hội hoá chuyện đưa con đến trường. Trong ngày khai giảng đầu tiên, bố mẹ đưa con đến trường, dự khai giảng và đăng ký với thầy cô từ nhà đến trường đi đường nào, bao nhiêu ngã tư,... Sau đó sẽ có tình nguyện viên đưa học sinh qua đường. Điều này giải quyết chuyện tắc đường, lợi thời gian cho xã hội. “Những tình nguyện viên này làm việc không lương nhưng rất trách nhiệm. Họ luôn đếm đủ không thiếu em nào mới về nhà. Hôm nào con ốm đau phải nghỉ học, phụ huynh phải báo với trường để trường báo lại với tình nguyện viên đó - xã hội hoá tới mức như vậy”, chị này kể. Một số ưu điểm khác nữa trong giáo dục ở Nhật là, dù không có họp phụ huynh, báo điểm định kỳ nhưng các trường ở Nhật định kỳ thiết kế lớp học để bố mẹ có thể dự giờ xem thầy dạy thế nào, con học thế nào. Với tiết học thể dục, giáo viên không bắt buộc học sinh phải học một môn nào mà có những câu lạc bộ như bóng bàn, tennis, trượt tuyết,... Học sinh thích môn nào thì tham gia môn đó. Có nhiều lễ hội lớn ở Nhật và người dân thường đem đồ ăn đi theo nhưng khi đứng lên ra về thì không có một cọng rác để lại. Nước Nhật đào tạo công dân nước mình từ những việc rất nhỏ như thế.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến câu nói của bà Tạ Thị Ngọc Thảo, người đã gửi cho tôi xem phim ngắn trên YouTube: School lunch in Japan - It’s not just about eating!: “Một dân tộc được giáo dục ý thức cộng đồng và bản thân tốt như thế sẽ “ngàn năm đứng vững”​ ​trên sự ​​vinh quang và ngẩng mặt”. Cách giáo dục con người của Nhật Bản quả là cách giáo dục rất hay mà các nhà giáo dục Việt Nam nên tham khảo.
Bài, ảnh: Thanh Vân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng nghiệp thông qua ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam"

Tổ chức cho học sinh chia sẻ về ước mơ, khát vọng; truyền cảm hứng, hướng nghiệp định hướng tương lai và trao quà hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn là những hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong chương trình ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam" do Trường cao đẳng Công nghiệp Huế phối hợp với Trường THCS Thủy Phương (TX.Hương Thủy) tổ chức vào ngày 9/1. Hoạt động nhằm thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên Việt Nam.

Hướng nghiệp thông qua ngày hội Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam
Trao quà cho học sinh nghèo học giỏi ở huyện Phú Lộc

Ngày 9/1, Hội Khuyến học huyện Phú Lộc phối hợp với đơn vị tài trợ Hội Vietkids - Ban Từ thiện Xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Huế tổ chức trao quà cho học sinh nghèo học giỏi ở huyện Phú Lộc.

Trao quà cho học sinh nghèo học giỏi ở huyện Phú Lộc

TIN MỚI

Return to top