ClockThứ Ba, 16/12/2014 14:27

Tranh thêu, quà tặng ý nghĩa cho du khách

TTH - Tranh thêu Huế được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến từ lâu. Mỗi tác phẩm không chỉ là một sản phẩm du lịch mà còn ẩn chứa những giá trị nhân văn và nghệ thuật.

Tranh thêu là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, xuất hiện từ rất lâu. Nó không chỉ là sản phẩm du lịch ở Huế, mà còn là của nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhưng tranh thêu Huế được nhiều du khách yêu thích, ưa chuộng hơn cả.

“Hồn Huế” trong tranh
Tạo ra một sản phẩm có giá trị cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ chất liệu đến bàn tay tài hoa của họa sĩ, sự khéo léo trên từng đường kim mũi chỉ của các nghệ nhân... Mỗi bức tranh luôn mang cốt cách riêng, góp phần giữ hồn cho văn hóa Huế. “Thêu được một bức tranh là điều không khó. Người có năng khiếu thêu thùa được đào tạo bài bản chỉ cần học 6 tháng là có thể thêu được một bức tranh hoàn chỉnh. Song, tạo ra một tác phẩm đẹp, có hồn không phải là chuyện dễ dàng, bởi phải xuất phát từ tâm của mỗi người thợ. Mỗi nghệ nhân phải biết đưa cái tinh thần vào trong bức tranh…”. Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Kinh trải lòng.
Tranh thêu là sản phẩm được nhiều du khách lựa chọn
Tranh thêu ở Huế trước đây không được làm nhiều. Từ khi Huế đẩy mạnh phát triển, mở cửa du lịch thì tranh Huế cũng phát triển theo và có chỗ đứng trên thị trường. So với các loại tranh khác, tranh thêu có những đặc trưng, ưu điểm riêng, như màu có độ bền, được làm tỉ mỉ, công phu, kỹ thuật cao. Chính bàn tay khéo léo của những người thợ thêu đất Cố đô mà tranh thêu Huế giữ được nét riêng biệt. Đó là sự tỉ mẩn, nét dịu dàng trong từng mũi chỉ của phụ nữ Huế; sự hòa quyện của tâm hồn con người và mảnh đất trong từng bức tranh; nét văn hóa lưu giữ trong tranh. “Tranh phong cảnh Huế không đơn thuần mà ẩn chứa cốt cách con người Huế, hay một giai đoạn thăng trầm của vùng đất cổ kính. Thông qua một bức tranh, những điệu hò, câu ca dao mang tính lịch sử, văn hóa, được lồng ghép giúp du khách có thể hiểu thêm nhiều điều mà nghệ nhân muốn chuyển tải”, ông Kinh chia sẻ.
Một tác phẩm thành công không chỉ đến được với tay du khách mà qua tác phẩm, du khách biết nhiều hơn về văn hóa Huế, con người Huế. Chị Lê Thị Lan, người hơn 20 năm làm nghề thêu tranh tâm sự: “Mỗi bức tranh chính là một nết người. Từng chi tiết trong tranh thêu Huế thể hiện rất rõ điều đó. Quan trọng đối với chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc bán được tranh mà còn chuyển tải được văn hóa, lịch sử hay con người Huế đến với du khách hay không”.
 
Để hấp dẫn du khách
Làm thế nào để tranh Huế hấp dẫn, thu hút du khách luôn là trăn trở đối với những nghệ nhân chân chính, như Lê Văn Kinh, Lê Thị Lan. Sự “mọc lên” của rất nhiều cửa hàng bán tranh thêu Huế hiện nay khiến du khách phần nào lưỡng lự khi chọn sản phẩm này làm quà tặng. Anh Nguyễn Văn Lành (du khách đến từ TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi đến Huế du lịch, thời gian lưu trú ngắn, muốn mua một bức tranh thêu về làm quà tặng cho người thân. Vì không có thời gian để đi hết các cửa hàng trong thành phố nên cứ vào một cửa hàng thêu “ngẫu nhiên” trên đường Lê Lợi để chọn mua một bức tranh”.
Liệu có dám chắc tranh thêu anh mua xuất xứ từ Huế hay không? Anh Lành thật thà: “Tôi không rành về tranh thêu lắm, chỉ được biết tranh thêu Huế đẹp hơn các nơi khác nên tôi chọn mua. Thực tình, tôi cũng không dám chắc xuất xứ của bức tranh này. Chỉ nghe chị chủ quán giới thiệu là tranh Huế thì tôi biết vậy”.  
Nghệ nhân Lê Văn Kinh bày tỏ: “Những người thợ thêu tranh Huế lành nghề chỉ cần nhìn qua là họ có thể phân biệt được đâu là tranh của Huế, đâu là tranh của những nơi khác. Đối với phần lớn khách hàng, những người không có yêu cầu lớn về chuyên môn, chỉ coi sản phẩm như là món quà tặng đơn thuần thì họ rất dễ mua phải một bức tranh không phải là tranh thêu Huế mà chỉ được mua trên đất Huế. Có những khách hàng đòi hỏi cao hơn nên họ tìm đến những địa chỉ thật tin cậy để mua, tuy nhiên số khách hàng đó rất ít”.
Nói như Nghệ nhân Lê Văn Kinh không phải không có lý khi trên thị trường hiện này, những sản phẩm tranh thêu không phải xuất phát từ Huế rất nhiều. Chị Mai Thị Diệu, nhân viên bán bán hàng của Công ty tranh thêu XQ-Cổ Độ nói: “Công ty chúng tôi có nhiều chi nhánh, không phải tất cả các bức tranh ở công ty đều do người Huế làm. Cùng chung một mẫu, có thể nghệ nhân Huế thêu rồi đem bán ở các thành phố khác, hay nghệ nhân tỉnh khác thêu nhưng được bán ở Huế. Có nhiều du khách mua tranh thêu Huế nhưng không phải do người Huế làm cũng là thường tình!”.
Mặc dù “vàng thau lẫn lộn”, tranh thêu của những nơi khác được bán trên đất Huế cứ được coi là tranh thêu xứ Huế, nhưng vẫn có nhiều du khách không nhận ra. Điều đáng nói là công tác quản lý tranh thuê hầu như chưa đươc quan tâm đúng mức. Ông Lê Quang Hào, Giám đốc Công ty Lữ hành và sự kiện HueTourist chia sẻ: “Tranh thêu có nhiều ưu thế để trở thành sản phẩm được nhiều du khách ưa chuộng. Nhưng việc quản lý chất lượng sản phẩm mới là vấn đề quan tâm. Theo nhu cầu của khách, công ty đều đặt hàng ở một số cơ sở có uy tín để kinh doanh, đảm bảo giữ chân du khách mỗi khi đến Huế mua tranh”.
Bài, ảnh: Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn Việt Nam sau 20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

Năm 2005, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước của UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó đến nay, Việt Nam đã 2 lần trúng cử vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (nhiệm kỳ 2006 - 2010 và 2022 - 2026). Điều này cho thấy những đóng góp của Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận; thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp, năng lực điều hành của nước ta tại các thể chế đa phương toàn cầu.

Dấu ấn Việt Nam sau 20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

TIN MỚI

Return to top