ClockThứ Năm, 14/04/2016 16:18

Làng đôi

TTH - Diêm Trường và Phụng Chánh là hai trong số 67 tên làng quê đầu tiên của Thừa Thiên Huế xuất hiện trong cuốn sách cổ xưa nhất do tiến sĩ Dương Văn An hiệu đính, viết về vùng đất này là “Ô Châu cận lục”.

Hai ngôi làng nằm bên kia đầm Cầu Hai nay thuộc xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc được biết đến đầu tiên với tư cách là những làng muối nổi tiếng của miền Trung. Ngoài ra, đây còn là những làng nghề cổ xưa nổi tiếng về “xả ván” đóng thuyền và dệt chiếu cói.

Chùa Diêm Phụng

Chuyện rằng, làng Phước Tích (Phong Hòa, Phong Điền) xưa có đặc sản muối lò được triều đình nhà Nguyễn đặt mua. Hằng năm vào dịp Lễ Tiến vua hay những khi triều đình đặt muối thì làng Phước Tích đều được chọn với số lượng lớn. Muối lò làng Phước Tích xuất hiện cùng thời điểm với nghề làm gốm, ngót ngét cũng hơn 500 năm nay. Và, để có được loại muối lò có hương vị ngon rất đặc biệt kia, người dân làng nghề Phước Tích đã phải vào Diêm Trường và Phụng Chánh để mua nguyên liệu. Muối biển mua từ làng Phụng Chánh và Diêm Trường thường mặn chát nên người làng Phước Tích phải cho vào lò gốm nung để muối thu được có vị mặn dịu, đằm hơn, ngon hơn.

Tôi đã nhiều dịp về Diêm Trường và Phụng Chánh. Điều gây ngạc nhiên cho tôi cũng như bao người là hai ngôi làng có những nét chung rất kỳ lạ và được xem hai ngôi làng sinh đôi. Người dân Phụng Chánh và Diêm Trường cũng đã cảm nhận được điều đó nên mới lưu truyền trong dân gian câu nói “cha Diêm, mẹ Phụng”. Dân làng Diêm Trường và Phụng Chánh sống xen cư, ruộng đất cũng có sự đan xen giữa hai làng và không có sự phân chia rạch ròi. Đáng nói hơn, không chỉ là những làng chung nghề nổi tiếng, Phụng Chánh và Diêm Trường còn có những thiết chế văn hóa cổ xưa chung rất đặc biệt.

Đầu tiên là đình làng chung, được gọi đình Đôi, tương truyền có từ thời kỳ đầu thành lập hai làng. Đây là nơi đã diễn ra nhiều sinh họat văn hóa cộng đồng của người dân hai làng Diêm Trường và Phụng Chánh. Gọi là đình Đôi nhưng theo các vị bô lão địa phương, thực chất là hai đình làng Diêm Trường và Phụng Chánh nằm cạnh bên nhau. Đây cũng là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng trong cuộc đấu tranh giành chính quyền vào tháng 8/1945 của tổng Diêm Trường, một trong 4 tổng của huyện Phú Lộc trước năm 1945. Rất tiếc, ngôi đình nay đã bị tháo dỡ do hư hỏng nặng và hình ảnh chỉ còn lưu lại trong ký ức. 

Không chỉ chung đình, Diêm Trường và Phụng Chánh còn chung luôn cả chùa. Ngôi chùa chung của hai làng có tên gọi là chùa Từ Duyên (hay còn gọi là chùa làng, chùa Khánh Duyên), nằm trên địa phận làng Phụng Chánh. Chùa Từ Duyên được xây dựng cùng thời với chùa Hà Trung, ngôi chùa thuộc loại “danh lam cổ tự trong lịch sử Phật giáo xứ Huế”, tức là vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Chùa Từ Duyên nằm gần như đối diện với chùa Hà Trung ở phía bên kia đầm Cầu Hai. Năm 1956, do nhu cầu phát triển, một ngôi chùa mới được xây dựng trên đất Diêm Trường và có tên là chùa Chánh Giác. Tuy nhiên, nhằm gắn kết tình làng nghĩa xóm, phật tử và nhân dân trong vùng đồng thuận lấy theo tên gọi dân gian là chùa Diêm Phụng, ghép chữ đầu tên của cả hai làng.

Hai làng Diêm Trường và Phụng Chánh xưa có một chợ chung gọi là chợ Diêm Phụng, do nằm sát bên đình nên được gọi là chợ Cái Đình. Chợ đông vào buổi chiều tà nên còn gọi là chợ Hôm. Tương truyền, trước khi có chợ Mỹ Lợi (1754), chợ “Cái Đình”được xem là trung tâm buôn bán lớn nhất vùng khu III Phú Lộc kể từ cuối thế kỷ XVIII. Đặc sản nổi tiếng của chợ Diêm Phụng là các thủy sản đánh bắt từ vùng sông đầm, sản phẩm hoa màu và tiểu thủ công nghiệp. 

Còn nhiều nữa sự chung đôi, đặc biệt là trong các hoạt động lễ hội và cả trong tư duy, nếp nghĩ của người dân hai làng Diêm Trường và Phụng Chánh. Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, giới thiệu vài nét chung ấn tượng cũng là những cảm nhận và trải nghiệm về làng Diêm Trường và Phụng Chánh, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc nét văn hóa không chỉ mang tính khác biệt thú vị mà còn thể hiện sự đặc sắc của các làng quê xưa ở Thừa Thiên Huế trong hành trình dựng nước và mở cõi của cha ông ta, dựng xây nên Tổ quốc Việt Nam vẹn toàn như hôm nay.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vượt đầm Cầu Hai

Ba phần tư thế kỷ trôi qua, câu chuyện vượt đầm Cầu Hai từ khu III sang để cùng với nhân dân khu I và khu II giành chính quyền ở Huyện đường Phú Lộc vẫn được nhắc đến như một dấu ấn lịch sử khó phai, nhất là trong những ngày này, khi cả nước tưng bừng kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9.

Vượt đầm Cầu Hai
Nguồn biển

Với truyền thống hơn 500 năm, làng đôi Diêm Trường- Phụng Chánh (xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc) kế nghiệp biển theo cha ông ngày xưa. Ở một xã đầm phá nhưng xây dựng được đội tàu đánh bắt ở các ngư trường xa tận Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng là một điều đáng nể.

Nguồn biển
Tổng ủy Diêm Trường ngày ấy

Năm 1941, Tổng ủy Diêm Trường được thành lập với Bí thư là đồng chí Lê Minh, sau này là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

Tổng ủy Diêm Trường ngày ấy

TIN MỚI

Return to top