ClockThứ Năm, 03/05/2012 14:05

Vui với rèn làng Vực

TTH - "Nghề của làng ni không chết được mô. Có nhà không còn đỏ lửa thường xuyên, có nhà không còn ai làm nghề nhưng họ đều giữ bệ, giữ lò. Con cái có làm chi đi nữa, nhưng khi cần là đỏ lửa lên ngay; vẫn gõ, vẫn quai như thường", anh Huỳnh Thế Tiến – một trong những hộ còn theo nghề làm rèn của làng Vực khẳng định.

Quá khứ chưa xa

Từ thành phố Huế về Hương Thủy, làng Vực nằm ngay cạnh chiếc cầu có cùng tên gọi và khu chợ Thần Phù. Xưa, đó là trung tâm của nghề rèn Hương Thủy. “Lấy anh không đói mà lo/đổ than vô lò là có gạo mai...” là câu ca mà cho đến bây giờ, người dân làng Vực vẫn còn truyền nhau như. Những tay thợ rèn của làng Vực được thừa hưởng tinh hoa của làng rèn Hiền Lương nổi tiếng của đất Phong Điền. Sản phẩm của làng là các công cụ cầm tay phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng như cuốc, xẻng, dao rựa, kéo, liềm… Năm 1985, dưới sự quản lý của HTX Hương Sơn, làng có gần hơn 50 hộ tham gia sản xuất, mỗi ngày làm ra hàng ngàn sản phẩm, tiêu thụ đến cả Đà Nẵng, Tây Nguyên rồi Sài Gòn, Hà Nội. Cả ngày, lò của nhà nào cũng đỏ lửa. Tiếng quai búa đập chan chát vào đe như những giai điệu vui, căng tràn hăng say. Mồ hôi bã cả mặt, tay chân và bết tấm lưng trần của người thợ nhưng ai cũng hồ hởi tạo công, tạo sản phẩm. Rồi cũng qua thời kinh tế tập thể. Đó cũng là lúc người dân phải bươn chải làm nghề và tự tìm cách tiêu thụ sản phẩm làm ra trong điều kiện khó khăn thời mở cửa.
 
Đất nước hội nhập, thiết bị máy móc thay thế sức người nhiều, của làng sản phẩm của làng rèn bị “co” dần. Co trước sức cạnh tranh của thị trường và co cả ngay trong số người làng làm nghề, giữ nghề. Người thợ thiếu vốn, tay nghề ít được trau dồi, sản phẩm tiêu thụ không ổn định... là những khó khăn cứ theo ngày nối ngày làm giảm đi số gia đình làm nghề của làng rèn. Làng Vực hiện còn khoảng 20 hộ dân còn theo nghề rèn, tập trung chủ yếu ở tổ dân phố 6 của phường Thủy Châu. Cha ông đã nhọc nhằn với tay quai tay búa nên đến thời khó, nhiều nhà đã muốn con cháu chuyển hướng theo nghề cửa sắt, nghề cơ khí... Rèn làng Vực cứ thưa dần tiếng đe, tiếng búa.
 

Trình diễn thao tác nghề tại "Chợ quê ngày hội" 2012

 
Trong số những hộ dân còn theo nghề rèn ở làng Vực, anh Huỳnh Thế Tiến (chủ cơ sở rèn Trường Tiến) là người tiên phong học hỏi kinh nghiệm của các làng nghề rèn khác và mạnh dạn đầu tư thêm máy móc hiện đại để phụ thêm sức người. Năm 2011, qua “Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu”, “Bộ dụng cụ rèn bằng sắt cầm tay phục vụ sản xuất và sinh hoạt” của cơ sở rèn Trường Tiến được UBND tỉnh trao giải ba. Biết “vẫn còn lo lắm chuyện ngày mai” nhưng với niềm vui trên, sản phẩm rèn của làng Vực đã khẳng định được cái sự… không thua bè kém bạn. Đó cũng là niềm tin để những người làm nghề trong buổi khó vững được tay quai bên bệ rèn.
Giữ ấm lửa rèn
 
Anh Tiến hiện đang là giáo viên ở một trường tiểu học. Ngoài giờ lên trường, anh dành hết tâm huyết cho rèn. Vốn là con cháu của nghề rèn, nhưng anh lại đầu tư khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Năm 2000, anh loay hoay gom góp 15-20 triệu đồng mua máy dập phôi thép, tính lui tính tới, mượn được tiền mua máy nhưng không có tiền để vận chuyển máy về. Khó bó cái nghèo, anh thôi. Mãi đến 8 năm sau, nhờ tranh thủ được một dự án phát triển nông thôn, giấc mơ của anh đã thành hiện thực. Có máy trong tay, anh bao luôn khâu nặng nhất trong quy trình làm ra sản phẩm rèn cho bà con bạn nghề là dập phôi rèn. Vượt qua giai đoạn “khởi đầu nan”, công việc của gia đình anh Tiến đang từng bước đi vào ổn định. Mừng nhất là tại “Chợ quê ngày hội” 2012 vừa qua, số sản phẩm của cơ sở rèn Trường Tiến làm trong 4 tháng được bà con và du khách gần xa mua hết ngay ngày đầu tiên. Đến nỗi, anh phải đem cả sản phẩm đang được trưng bày trong gian hàng thủ công mỹ nghệ mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách, đồng thời huy động hàng của các lò khác về tiếp tục tham gia chợ quê. Anh còn huy động thêm các bạn nghề trong làng cùng “giữ lửa” cho lò rèn trong suốt những ngày diễn ra lễ hội.
 
San sẻ niềm vui “làm 4 tháng bán 1 ngày”, anh Tiến cười: “Mừng nhất là được bà con gần xa quan tâm. Lo, nhất là trong hàng trăm sản phẩm bán ra, chỉ cần lọt một sản phẩm chất lượng không đạt thì thiệt hại của khách hàng cũng đã quá lớn. Mà chuyện đó thì thật khó tránh khỏi”. Xen giữa câu chuyện của chúng tôi vẫn là những tiếng búa chan chát đánh vào đe của những lò gần đó. Anh Tiến bảo, bây giờ ít nhà nào có thể lấy thu nhập chính từ nghề rèn để sống. Nhưng nghề rèn vẫn tồn tại ở làng, ít nhất với gia đình nhà anh. Anh sẽ dành nhiều thời gian hơn cho rèn. Em trai anh cũng đã về “chung lò” với anh. Rồi bà con bạn nghề, nhất là những người trẻ, ai có nhu cầu gì liên quan đến rèn cần anh giúp đỡ, san sẻ – như cách anh giúp bạn nghề làng Vực giữ ấm lửa rèn trong lòng. 
 
Nguyện vọng của bản thân lúc này, anh Tiến nhẹ nhàng: Thị xã và chính quyền địa phương cũng động viên nhiều và tạo điều kiện để mình được đi tham quan học tập. Nhưng quan trọng nhất là mình phải làm tốt việc của mình đã. Bà con chịu khó thay đổi cách làm nghề truyền thống, áp dụng những thiết bị có thể thay thế sức người để đầu tư cho chất lượng của sản phẩm, thì nghề sẽ giữ được thôi. Và anh san sẻ giấc mơ: Đến một lúc nào đó, khi sức người không còn cầm được quai búa thì anh vẫn có thể thoải mái làm nghề bằng cách đầu tư, hướng dẫn cho người trẻ trực tiếp làm ra những sản phẩm mang thương hiệu rèn làng Vực.
 
“Không biết mất bao nhiêu thời gian, nhưng chắc chắn ngày đó sẽ tới” – Anh Tiến tin tưởng. Trong ánh mắt biết cười của anh, nghề rèn làng Vực cũng rộn với những giai điệu vui.
 
Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top