ClockThứ Năm, 16/04/2015 17:11

Tạo môi trường du lịch thân thiện

TTH - Chấn chỉnh kịp thời biểu hiện kém thân thiện, tạo môi trường du lịch hấp dẫn là điều giới làm du lịch tâm huyết luôn trăn trở.

Ông Nguyễn Hàng Quý, Giám đốc Công ty HG Huế:

Thấu hiểu giá trị nụ cười

Đối với người phương Tây, cầm tay, vỗ vai, nhìn chòng chọc… là điều tối kỵ. Những điều này cần được dạy trong nhà trường để tạo nên một thành phố du lịch thân thiện.

Khuyến khích người dân gặp người nước ngoài thì cười chào “hello” như thời xưa – khi mà khách du lịch còn ít. Du khách rất thích điều này. Về các vùng quê, đến đâu cũng có người cười chào vui vẻ, đầm ấm, con nít chạy theo khiến họ ấn tượng mãi. Ở thành phố, điều đó đã mai một khi du khách ngày càng đông, người dân và cả con nít thấy quen thuộc nên thờ ơ.

Cần phải tập cho người dân vui vẻ, thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ du khách. Với những người làm dịch vụ nhỏ lẻ và người dân, cần lồng ghép tuyên truyền trong những buổi họp dân chẳng hạn. Phân tích cho họ hiểu giá trị của nụ cười, sự thân thiện sẽ mang lại lợi ích như thế nào về lâu dài. Cứ gặp khách du lịch thì niềm nở, tươi cười, dần dần sẽ tạo nên thói quen.

Vui vẻ chở khách

Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Huế:

Kịp thời điều chỉnh

Về chiến lược lâu dài, cần truyền tải thông điệp Việt Nam nói chung và Huế nói riêng là một điểm đến thân thiện, an toàn đến du khách và tất cả mọi người, nhất là những học viên, sinh viên đang học trong trường du lịch – những người làm du lịch tương lai. Đồng thời, đưa ra tiêu chí thân thiện luôn là một tiêu chí cần có với mọi hướng dẫn viên, mọi người làm du lịch.

Với đội ngũ đang làm việc trong ngành du lịch thì thường xuyên trau dồi kiến thức, tư tưởng, thái độ qua công việc hàng ngày, tạo không khí thân thiện, luôn sẵn lòng phục vụ du khách. Để làm được điều đó, người quản lý quan sát nhân viên để điều chỉnh kịp thời những thái độ ứng xử chưa đúng, lồng ghép vào chương trình đào tạo nhân viên định kỳ, thường xuyên theo dõi phản ánh của du khách về du lịch Huế hay của đơn vị trên các trang web du lịch. Từ đó, làm cho nhân viên biết độ hài lòng của du khách để họ thấy được tầm quan trọng của nụ cười, sự thân thiện của họ để điều chỉnh hành vi.

Để thu hút một số thị trường đặc biệt, cần phải có chiến dịch phổ biến đến những người làm du lịch những đặc tính văn hóa, thói quen của từng vùng, miền, đất nước để họ hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa của du khách. Từ đó, có cách ứng xử thích hợp.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Công ty CP Du lịch Hương Giang:

Xem du khách như bạn bè

Tâm lý của du khách khi đến một đất nước xa lạ, luôn có cảm tình khi gặp một người nào đó vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ họ dù là việc nhỏ. Họ đánh giá rất cao sự thân thiện của người dân, chỉ cần một cử chỉ, nụ cười, ánh mắt dễ thương… đã có thể níu chân họ quay trở lại.

Thế nên, những người làm du lịch cần thay đổi thái độ phục vụ và xem khách du lịch như bạn bè. Đồng thời thường xuyên tập huấn, đào tạo cho các đối tượng phục vụ khách du lịch để họ hiểu được giá trị công việc họ đang làm có vai trò quan trọng như thế nào trong việc giữ, tạo ra hình ảnh đẹp của du lịch Huế. Từ đó, những người đang tham gia phục vụ du lịch, từ những người bán hàng nhỏ lẻ, anh xích lô, xe thồ đến các hướng dẫn viên, nhân viên nhà hàng, khách sạn..., có cách ứng xử văn minh, lịch sự, chuyên nghiệp và thể hiện thái độ niềm nở, thân thiện của người dân bản địa.

Trang Hiền (ghi)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top