ClockThứ Bảy, 24/08/2019 12:44

“Trụ cột” của bản làng

TTH - “Những người có uy tín, được người dân tin tưởng là những “trụ cột” trong các bản làng để người dân noi theo, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ”- bà Lê Thị Thu Hương, Bí thư Huyện ủy Nam Đông cho biết.

Chàng trai Cơ Tu mê làm việc thiệnGiúp người đâu cần đong đếm

Ông Nguyễn Văn Lưng trao đổi công tác vận động người dân với Bí thư Huyện ủy Nam Đông

Nói được, làm được 

Không chỉ người dân Ra Rang, xã Hương Hữu (huyện Nam Đông) “rành mạch” về ông Lê Quảng Vàng - người có uy tín của thôn, mà bà con những thôn lân cận cũng nói về ông bằng tình cảm mến phục.

Phục vì ông là người thành thạo tất cả ngôn ngữ của đồng bào Cơ Tu, Pa Cô, Vân Kiều, Kinh; dùng sự thông hiểu nhuần nhuyễn các ngôn ngữ để lắng nghe bà con về những điều còn nghi ngại, thắc mắc, để động viên, chia sẻ, khuyên nhủ bà con làm điều tốt, điều đúng.

Những người phụ nữ thôn Ra Rang kể, tại địa phương, vẫn còn một số ông chồng ham rượu, lười biếng, mọi công việc nương rẫy, con cái đều dồn lên vai vợ. Theo lời khuyên của ông Vàng, các cô, các chị ý thức được việc tuân thủ kế hoạch hóa gia đình, không sinh nhiều con để đảm bảo sức khỏe và nuôi dạy con tốt, giảm bớt đói nghèo.

Phụ nữ trong thôn, trong xã “sửng sốt”, khâm phục bởi cách đây hơn 25 năm, khi đang ở độ tuổi sung sức, ông Vàng là người đầu tiên thực hiện biện pháp triệt sản đối với nam giới, đồng thời vận động được gần 20 người đàn ông có vợ con thực hiện triệt sản. “Nói mà không làm thì đâu tạo được niềm tin, người khác đâu nghe theo. Sau khi triệt sản, sức khỏe chúng tôi rất tốt, không ảnh hưởng bất cứ điều gì đến cuộc sống, hạnh phúc vợ chồng. Việc làm của chúng tôi chứng tỏ người chồng thực sự quan tâm, chia sẻ mọi gánh nặng đối với vợ, gia đình vì thế êm ấm, hạnh phúc hơn. Vui mừng là kết quả tích cực được lan tỏa trong cộng đồng”- ông Vàng chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, người có uy tín ở thôn Con Gia, xã Hương Hữu lại có tài hòa giải những mâu thuẫn trong dòng họ hoặc xích mích giữa các dòng họ, gắn kết mọi người với nhau, tạo sức mạnh của sự đoàn kết. Ông Vàng trải lòng: “Chỉ vì chuyện gà qué, chuyện lũ trẻ con mà mâu thuẫn; nhà sát cạnh nhau mà lạnh nhạt mấy tháng liền không vào chơi, chạm mặt không chào hỏi, như vậy “nguy hiểm” quá. Mình là người đàn anh trong dòng họ, trước nay luôn làm gương, thậm chí trong nhiều việc mình có thể chịu thiệt một chút, nhường nhịn cho người khác nên được tín nhiệm. Bằng uy tín, mình phân tích cái sai, cái đúng nên mọi người nghe. Bây giờ người dân thôn Con Gia đoàn kết thương yêu nhau lắm”.

Dân tin

Từ sự đồng lòng, người dân thôn Con Gia đã chung tay giúp chị Nguyễn Thị Loan, người phụ nữ kém may mắn, chồng mất, con nhỏ, dựng căn nhà 3 gian rộng rãi, chắc chắn.

Ổn định nhà cửa, có chỗ dựa về tinh thần, người phụ nữ đơn thân yên tâm nỗ lực làm lụng nuôi con khôn lớn trưởng thành. Chị Loan cất giữ mãi trong lòng cảm xúc trân trọng dành cho cán bộ và bà con trong thôn, nhất là với già làng - người có uy tín Nguyễn Thanh Nhàn. Nhờ ông Nhàn vận động, nhiều gia đình, dòng họ xóa bỏ mâu thuẫn, trở lại gắn kết, tạo nên những đổi thay của thôn bản, trong đó có những phận đời như mẹ con chị được đổi thay tốt đẹp hẳn lên.

Uy tín của ông Nguyễn Văn Lưng (người có uy tín ở thôn 4, xã Thượng Nhật) không chỉ lan tỏa trong thôn, xã mà còn tác động tích cực đến người dân các xã khác trên địa bàn huyện. Khi bê tông hóa đường vào rừng sản xuất (rừng Cha Lai trồng 200 ha keo của dân), nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng đất rẫy, cây cao su trên đất. Ban đầu họ không đồng ý chịu thiệt hại về tài sản, không đồng ý hiến đất. Thậm chí có người còn tuyên bố sẽ nằm ngang đường phản đối nếu xe thi công đến.

Từ sự phân tích, thuyết phục kiên trì, có lý có tình của ông Lưng, dần dần các hộ đều thông tư tưởng, nhất trí. “Tôi nói nếu không có con đường thuận tiện để người thu mua keo đưa xe ô tô vào tận nơi, thì giá keo chỉ 20 triệu đồng/ha. Nếu có đường, giá keo “nhảy” lên 60 đến 80 triệu đồng/ha. Chịu hy sinh trước mắt để có cái lợi lâu dài cho gia đình, quê hương mình, bà con nên suy nghĩ lại. Cuối cùng bà con cũng ủng hộ”- ông Lưng nhớ lại.

Ngoài bê tông hóa đường vào rừng sản xuất, ông Lưng còn thuyết phục thành công người dân nhiều xã hiến đất, chung tay bê tông hóa đường thôn. Bây giờ những con đường bê tông khang trang uốn lượn giữa các thôn, giữa những rừng keo, cao su xanh mướt, tỏa bóng mát rượi “vẽ” nên một sắc thái Nam Đông yên bình và phát triển. Đó là kết quả từ sự chung tay của Đảng bộ, chính quyền địa phương và Nhân dân huyện Nam Đông, trong đó có đóng góp không nhỏ của những “trụ cột” nơi bản làng- những người có uy tín được dân tín nhiệm, dân nghe…

Năm 2019, trên địa bàn huyện Nam Đông có 35 người có uy tín do dân bầu. Trong đó nhiều người như ông Lê Quảng Vàng, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Lưng…, được dân “giữ chân” lại nhiều năm liền.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là trụ cột chính của hệ thống an sinh góp phần quan trọng bảo đảm đời sống của người dân nói chung và người lao động nói riêng. Năm 2025, BHXH thành phố Huế triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)… nhằm ổn định cuộc sống, đồng thời giúp người dân phòng tránh các rủi ro, bệnh tật.

Phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh
Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù

Ngày 15/11, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện A Lưới tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm 1 năm thực hiện Đề án 2036 “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn huyện A Lưới giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”.

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù
Bám cơ sở thực hiện “Dân vận khéo”

Phong trào “Dân vận khéo” được các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh cụ thể hóa bằng các mô hình thiết thực, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá cao.

Bám cơ sở thực hiện “Dân vận khéo”

TIN MỚI

Return to top