ClockThứ Năm, 13/10/2016 13:36

Sợi dây huyết thống

TTH - Hai bậc sinh thành của tôi năm nay vào diện thượng thọ, cháu nội ngoại đều đủ.

Mỗi lần về thăm, ông bà thường nhắc: Lâu nay mấy cháu ít lên về chơi... Nghe vậy, tôi thấy lòng mình cũng xót và thường trả lời kheo khéo để ông bà đỡ buồn: đứa lớn thì bận bịu công việc, đứa nhỏ lại học hành...

Không riêng gì các cháu nhà tôi mà ngay con của mấy bác, mấy o từ nhỏ đã cho đi nhà trẻ và khi biết ê a là vào trường học nên sự gần gũi với ông bà hầu như rất ít. Mỗi lần bố mẹ đưa các con về thăm nội, ngoại, chúng ít khi hào hứng. Khác với thế hệ tôi, hồi còn bé, mỗi lần cha mẹ đồng ý cho về quê thăm nội, ngoại là háo hức rạo rực, đêm nằm trông trời mau sáng. Nhà ở cách ông bà nội gần 20 cây số, nhưng từ mờ sáng, anh chị em tôi đã đùm túm lên yên xe đạp để về quê thăm nội, ghé ngoại. Cái thong thả khi về quê là được theo những bọn trẻ cùng lứa xem người lớn tắm sông, bắn bi và chơi lò cò, hoặc xem đá gà. Sướng hơn hết là được nội và các o, chú cho ăn quà vặt như kẹo gừng, bánh tai và các loại bánh sắn nhân đậu đỏ có đường ngọt,  những món bình dị nhưng thân thương đã ăn sâu vào tiềm thức tuổi thơ của tôi.

Thế hệ của tôi, nghe đến hai từ “ông bà”, hầu như trong đầu hiện lên những hình ảnh thật gần gũi, thân quen. Những gia đình ba, bốn thế hệ cùng chung sống, ông bà có khi còn gần gũi hơn bố mẹ. Bố mẹ tất bật đi làm để kiếm từng đồng nuôi sống gia đình trong những năm gian khổ sau chiến tranh. Trong khi đó, ông bà chính là người bận bịu, nói đúng là vất vả trong việc chăm nom con cháu. Tình cảm ông bà và các cháu gắn liền qua từng bữa ăn, giấc ngủ. Ngay những đứa trẻ còn đỏ hỏn, lúc bố mẹ vắng nhà, chính ông bà là người cho bú mớm mỗi khi đứa trẻ khát sữa và đưa chúng vào giấc ngủ với những bài hát, điệu hò ru dìu dặt thân thương. Nhắc đến ông bà là nhớ đến nụ cười đôn hậu khi cháu biết vâng lời và làm những điều ông bà dạy bảo.

Những em bé sinh ra và lớn lên trong thời đại ngày nay, mọi chuyện dường như khác hẳn. Cụm từ ông bà không còn gần gũi. Trước đây, chúng ta thường thấy mô hình gia đình ba thế hệ là rất phổ biến, được chúng ta trân trọng thì lớp trẻ bây giờ lại có xu hướng xa rời. Không ít người trẻ quá đề cao sự tự do cá nhân. Nhiều nam nữ thanh niên có nghề nghiệp, việc làm ổn định, khi lập gia đình đã nhanh chóng tìm nơi ở riêng để được tự do trong việc ăn ở, nói năng, đi lại… để không phải chịu sự nhắc nhở, bảo ban của những người lớn tuổi. Chưa kể, những trường hợp vợ chồng trẻ gặp phải ông bà, cha mẹ thuộc diện kỹ càng, khó tính dễ xảy ra cảnh hục hặc “mẹ chồng, nàng dâu”. Chẳng có gì khó hiểu khi nhiều đứa cháu sinh ra, lớn lên, cả năm hay vài tháng mới về thăm quê, thăm ông bà một lần thì làm sao cảm nhận rõ tình thân máu mủ ruột rà. Tình thương yêu ông bà với con cháu là cả quá trình. Trẻ không thể thương yêu ông bà nếu như bố mẹ không dạy bảo, kết nối sợi dây huyết thống trong mối quan hệ thiêng liêng ấy. giáo dục cho con biết yêu thương và kính trọng ông bà là mắt xích quan trọng trong quá trình giáo dục tính cách, tình cảm, tâm hồn, đạo đức cho con trẻ.

Ninh Hoàng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhanh vài ba giây làm gì!

Công việc thường bắt tôi phải đi nhiều, cũng vì thế mà...bất đắc dĩ phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn đau lòng.

Nhanh vài ba giây làm gì
Mẹ...

Chú em gọi điện lên bảo: “Mẹ lại ốm phải đi viện”. Ngoài 80 tuổi, mẹ có bệnh viêm phế mãn, nằm viện chẳng có gì lạ, nhưng khi nghe mẹ đi viện lần này tôi cứ bần thần nên sắp xếp mọi việc để “đồng hành” với mẹ.

Mẹ
Vô tâm

Hồi mới cưới, anh chị về ở với dì. Con đầu dâu trưởng, hơn nữa, lần đầu tiên nhà dì có thành viên mới nên chị được yêu thương hết mực. Chị đi làm có chồng đưa rước.

Vô tâm
Vườn rau quê nhà

Tuổi thơ sống trong cảnh nghèo khó, những bữa cơm mẹ nấu thường chỉ vài món đạm bạc. Không thịt cá ê hề, bữa cơm ngày trước chỉ có những món đơn sơ từ rau quả trong vườn. Thế mà, qua bàn tay chắt chiu của mẹ, chị em tôi đã có những bữa cơm thơm thảo hương vị đồng quê mà giờ ít khi tìm lại được.

Vườn rau quê nhà

TIN MỚI

Return to top