ClockThứ Tư, 13/11/2019 09:12

Tình làng, nghĩa xóm trong lũ

TTH - Từ buổi sáng hôm ấy, nhà tôi cũng như nhiều nhà ở tầng hai đều có thêm các ông bà già, các cháu nhỏ và bà con xóm giềng tới cùng ăn ở.

Cuối tháng 10 đầu tháng 11/1999, ở thành phố Huế, mưa liên miên từ sáng đến tối và kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Gia đình tôi sống trong một căn hộ nhỏ của một ngôi nhà hai tầng thuộc khu tập thể Đống Đa, cách bờ Nam sông Hương chừng dăm trăm mét. Do nền nhà và sân nhà hơi thấp nên nước từ mấy con đường nhỏ, đường to chung quanh đổ về ào ào...

Sau ngày mưa thứ ba, sáng sớm, từ tầng trên bước xuống, tôi thấy nước lũ đã tràn vô nhà ngập đến bậc thứ ba của cầu thang xây ngoài trời. Trong các căn hộ ở tầng trệt từ giường nằm đến bàn ghế, to nhỏ... hầu hết đã ướt sũng. Thấy vậy, những người sống ở tầng hai đều hối hả chạy xuống giúp các gia đình ở tầng dưới kê dọn đồ đạc. Chăn màn, bếp ga, quần áo, sách vở... đều được đưa lên tầng trên. Ở căn hộ sát với chân cầu thang nhà tôi có hai ông bà từ Hà Nội vô Huế thăm con. Thấy cụ ông ngồi trên chiếc giường đã được kê cao nhưng chung quanh toàn là nước, tôi nói với anh chị chủ nhà:

- Mưa lụt còn kéo dài, mời hai cụ, anh chị và các cháu lên nhà tôi ở. Nhà có chật chội một chút, nhưng không sợ gió mưa gì cả! Nói rồi, tôi tới dìu cụ ông tuổi đã ngoài bảy mươi lên từng bậc cầu thang lên nhà trên.

Từ buổi sáng hôm ấy, nhà tôi cũng như nhiều nhà ở tầng hai đều có thêm các ông bà già, các cháu nhỏ và bà con xóm giềng tới cùng ăn ở. Giường to, phản rộng thì dành cho các bậc cao niên, chị em phụ nữ và trẻ lên năm, lên bảy... Nền nhà trải chiếu thì để làm nơi ngủ của các bậc trung niên... Bếp ăn đỏ lửa nhiều giờ trong ngày để hai, ba gia đình cùng lo bữa ăn cho vợ chồng, con cái... Những nhà hết gạo, hết thức ăn đều được láng giềng trợ giúp đầy đủ. Tối, không có điện thì đã có nến to, nến nhỏ thay thế. Mọi người dù thuộc hai, ba nhà, khác cha, khác mẹ nhưng đều vui vẻ quây quần, sống ấm cúng như người trong một nhà.

Mấy ngày sau, nước rút nhà ai lại về nhà nấy, song họ vẫn cùng nhau, giúp nhau quét dọn sân vườn, nhà cửa, sắp xếp lại giường tủ, bàn ghế, đồ đạc... Cùng với các công việc đó là việc ra đường Lê Hồng Phong, đường Đống Đa và hồ nước trong công viên để thu dọn cây cối, rác do mưa lũ đưa về... Tất cả đều mong muốn góp phần làm cho thành phố sớm trở lại yên bình, sạch sẽ, gọn gàng.

Xưa nay, người ta thường hay nói: ở thành phố khác với nông thôn, nhà ai biết nhà nấy. Nhưng có sống trong những ngày mưa to, bão lớn thì mới thấy quan niệm ấy không phải bao giờ cũng đúng, nơi nào cũng đúng! Có sống qua những ngày của cơn đại hồng thủy cách đây 20 năm ở Thừa Thiên Huế mới thấy tình người của cư dân vùng đất Cố đô mới ấm cúng, tốt đẹp làm sao.

Hiểu rõ điều này, cụ ông người Hà Nội, khi chia tay con cháu ở Huế để về lại Thủ đô, đã nói với tôi: “Mười ngày vừa qua, chứng kiến mưa to, lụt lớn ở Huế, tôi mới thấy hết bà con vùng đất này sống với nhau thật đẹp. Không gì quý hơn tình làng, nghĩa xóm trong hoạn nạn, khó khăn”.

Huy Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghĩa xóm

Trong khoảng hơn 5 năm sống tại nhà chồng ở Huế, tôi nhiều lần xúc động trước những mỹ tục thấm đẫm tình làng nghĩa xóm nơi đây.

Nghĩa xóm
Những “thiên thần áo trắng” trắng đêm trong lũ

“Xuyên” mưa, lũ, cán bộ, y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Phú Vang như con thoi về các địa bàn bị chia cắt, đón, chuyển, chăm sóc, điều trị, đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho bệnh nhân. Gian nan là không đong đếm…

Những “thiên thần áo trắng” trắng đêm trong lũ

TIN MỚI

Return to top