ClockChủ Nhật, 06/02/2022 14:00

Tiếng lá gọi mùa

- Tết là biền bắp ni trổ cờ đó em, chừ nhìn mà đã thấy cưng em hi!

- Dạ chị!

Tự nhiên tôi nhận ra giọng mình nhẹ nhàng và bình an quá đỗi. Nhìn qua đồi Long Thọ phía trước mặt, tôi như còn nghe tiếng gà báo sáng ở bên ấy quyện với hồi chuông công phu của các thầy chùa Thiên Mụ ở đồi Hà Khê bên này. Cái hòa âm vừa đời thực vừa tĩnh tại ấy, như đang vương vít trong những hàng tre, như chơi trốn tìm trong những luống bắp đang lên xanh ở cạnh dòng Hương hay vì một chút dùng dằng giữa hai bờ mà lặng lẽ tan vào triền cỏ ven sông, phải vậy không mà cỏ ở đây rất mềm, cảnh ở đây rất hiền.

Tôi đưa tay vuốt nhẹ những chiếc lá bắp non màu xanh ngọc, cảm được những hạt đất mịn trong lòng bàn tay. Trời ơi, chiếc lá nhỏ, nham nhám ở mặt trong này đã xuất hiện từ 2.500 năm (TCN) ở vùng đất hoang sơ của người da đỏ Mexico ở châu Mỹ đó, tin được không. Huế vừa qua hơn tuần mưa lớn, ướt nhẹp mọi thứ, kể cả những chiếc lá bắp có “tổ tiên” cổ đại này. Áng chừng nắng hai ngày đủ làm đất bớt nhão nên sáng nay chị sửa lại những vồng bắp, vun gốc và bón phân. “Nhìn màu lá mạnh mẽ ri tết ni vui rồi. Chừng cuối tháng giêng thu hoạch chị có tiền sửa lại cái quán tạp hóa, năm rồi dịch giã, mùa vụ cũng không tốt nhưng cả nhà bình an là mừng rồi em ha”, giọng chị tâm tình. Tôi không biết chị nói với tôi hay với chiếc lá bắp non trên tay trong lúc chị nhẹ nhàng phủi mảng đất bám vào chiếc lá thấp nhất.

Nói chuyện lá biết gọi mùa, tôi cũng từng nghi hoặc. Xứ Huế của tôi là xứ nhà vườn, mạ tôi sáng nào cũng chuẩn bị cho ông tôi một bình trà để “ông chăm mai và nói chuyện với cây lá”. Mạ nói vậy nhưng tôi đời nào tin. Có lần ông hỏi tôi cứ y như tôi tin chuyện lá có thể gọi mùa xuân về khi hai ông cháu cùng trảy lá mai đón tết “Con có nghe lá nói chi không?”, tôi tưởng mình nghe nhầm nên hỏi lại “Tiếng gì ông?” - “Tiếng lá. Lá mai già này nói hãy đợi tôi gọi mùa xuân về!”. Tôi nhìn ông nghi hoặc. Bẵng cả tháng sau, khi trời còn mờ hơi sương, ông tôi nâng những lá mai xanh non nẻo, thơ dại “Lá gọi mùa xuân về rồi đó con. Coi tết ni mạ con đã sắm quần áo tết cho con chưa”. Tết đó tôi có bộ đồ mới và đôi dép nhựa sông Hàn màu vàng, đẹp như trong mơ, từ đó tôi tin “lá biết gọi xuân về, lá cũng nghe được tiếng người”.

Ký ức tuổi thơ đôi khi để dành đến mấy mươi năm sau mới đem ra chiêm nghiệm. Nên khi cây xà cừ số 13 trước bến xe Nguyễn Hoàng bị cơn bão số 13 năm 2020 đánh bật gốc và được cứu sống, tôi không quan tâm số 13 may mắn hay xui xẻo, chỉ là số thứ tự, tôi tin vào tình yêu cây của người Huế. Từ trên thân cành đang bị băng bó, bằng những chồi non, lộc biếc, cây xà cừ gửi vào người xuôi ngược trên đường Trần Hưng Đạo một hình ảnh thật bi hùng, nó đẹp và mang nhiều ý nghĩa tích cực nên chiếm trọn spotlight của nhiều tờ báo lớn. Nguồn cảm hứng lan truyền mạnh đến nỗi trong một sáng đạp xe ngang qua cây, người em nhất định dừng lại ghé vào thăm, không biết chiêm nghiệm điều gì mà trước khi ra về, em vững tâm “Dịch bệnh làm ăn khó khăn quá, nản lòng ghê nhưng thấy cái cây sống lại như được tiếp thêm sức mạnh”. Tháng sau, em khoe đã gửi dự án tham gia “Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” của tỉnh. Chúng tôi vẫn đạp xe cùng nhau, từ xa tôi đã đưa mắt ngắm cây xà cừ, nhận từ những chiếc lá xanh non đang đậm màu từng ngày một thông điệp về sự tự tin, rằng ai cũng có thể đứng dậy sau đau thương, rằng mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua như tin rằng mùa xuân này người dân Huế hiền lành của tôi sẽ bình yên trước dịch bệnh.

Thương bạn đang ở một nơi khói bụi nhiều hơn cây lá nên tôi gửi những tấm hình “xanh” của Huế, tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực để bạn vực dậy doanh nghiệp nhỏ của mình sau đại dịch. Đám cỏ phủ kín bờ sông Hương đoạn lên Kim Long, “đường rừng trong phố” mờ sương bên dòng sông cũng như đang chìm trong sương, công viên ngập tràn sắc hoa... Bạn bảo như được hít đầy phổi không khí trong lành của Huế và sẵn sàng làm việc hai trăm phần trăm. Trên con đường rừng xuyên phố ấy, chính tôi cũng được cây lá xoa dịu bao nỗi lo. “Ơ, cái cây này tháng trước thấp xíu mà chừ cao dữ” như lời chào một người bạn, làm tôi nhớ mạ mình hay nói “Cây cối thích gần gũi với con người, người có cây vui như có bạn, cây có người cây xanh tốt”, bà nói trước khi tôi đọc nhiều tài liệu của các nhà khoa học chứng minh cây lá hiểu được con người, thậm chí mã gen của con người chỉ khác mã gen của cây sồi một chi tiết nhỏ. Có lẽ thế mà giữa cây và người cũng có thần giao cách cảm, như lời ông Nguyễn Ngọc Đáp - người gần bốn mươi năm lặng lẽ giữ rừng Chá - đã chiêm nghiệm sâu sắc “Rú Chá ni che chở cho hai ôn mệ chơ phải ôn mệ che chở cho rú mô. Hồi nớ, ôn đi ra thăm rú Chá, tự nhiên như có cái chi đó thúc giục, ôn mệ dọn ra đây ở giữ rú cho đến hôm ni”. Cái hôm ni của ôn mệ Đáp là vùng ngập mặn rú Chá từ chỗ gần hoang tàn nay tràn ngập sắc xanh, những lùm cây gọi nhiều loài chim trời về làm tổ, chiều chiều ngắm “đàn cò trắng bay lên bay xuống trong tiếng lá ngả nghiêng, ôn mệ thấy vui lắm con ơi!”.

Sắc lá xanh rú Chá là một điểm nhỏ sinh động, nhỏ như một hạt cát xanh trên trái đất này. Tôi biết có vô vàn cánh rừng đã được trồng lại khắp thế giới để ngăn chặn biến đổi khí hậu, khô hạn và lũ lụt như một lời sám hối của con người về việc đã tàn sát hàng vạn cánh rừng. Chỉ có màu xanh của cây lá mới “làm dịu con mắt nhìn và làm dịu tâm tham sân si của con người”, anh Khiêm - một người ươm giống cây keo ở La Sơn (Phú Lộc) chia sẻ về niềm đam mê trồng rừng như vậy. “Ra tết là bắt đầu mùa trồng cây. Mỗi khi nghĩ mình cũng góp phần gieo màu xanh trên những cánh rừng, anh thấy vui chi lạ, chơ nghề ươm này anh chị làm cả đời mà có nghĩ đến chữ “giàu” mô em”. Đường từ La Sơn đi Nam Đông, rồi đường lên A Lưới, những ngọn đồi, núi trọc vì bom đạn chiến tranh năm nào nay đã ngút ngàn màu xanh hay những vùng cát mênh mông một màu nắng rát ven biển ở Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang từng rừng phi lao nối tiếp rừng tràm, keo chịu hạn làm dịu mắt nhìn.

Nên tôi tin cái màu xanh của lá cũng mang sức nặng của nỗi nhớ quê “Ngó lên đám bắp trổ cờ/ Đám dưa trổ nụ, đám cà đơm bông”, chú Tửu ở làng Hà Cảng hẹn tôi tết về quê chú chơi bằng câu ca dao ấy. Chú khoe với tôi đã “gầy” lại vườn chuối, năm rồi lụt có phù sa nên chuối lên tốt quá trời. Tôi ngắm những bụi chuối mập mạp, màu lá chuối xanh non sáng lên trong ánh nắng vàng. Cái màu xanh quá trong trẻo, một màu lá mà như có tất cả suối nguồn dịu mát, tinh khôi của đất trời đọng lại. Vườn chuối lao xao trong gió bất chợt gợi tôi nhớ hai câu thơ của danh thần Nguyễn Trãi “Tình thơ một bức phong còn kín/Gió nơi đâu gượng mở xem” (Vịnh cây chuối). Càng ngẫm càng thấm, người có tấm lòng thì nhìn trong đơn sơ thấy cái tinh khiết, nhìn trong mộc mạc thấy vẻ đẹp tinh tế của tình yêu. Tôi không muốn mình đi quá xa từ màu xanh của lá nhưng nhắc Nguyễn Trãi sẽ nhớ truyền thuyết ông đã dùng “tiếng lá” để hiệu triệu Nhân dân tham gia khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh xâm lược bằng cách nhờ kiến đục trên lá dòng chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”, thác lời sấm truyền cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi lãnh đạo sẽ thành công vì được thần linh ủng hộ.

Chia tay khu vườn chuối của chú Tửu để ra về, tôi nghe tiếng o hàng xóm gọi qua hàng chè tàu đưa bó lá chè và mấy củ gừng để nấu nước, cũng giữ nguyên tục lệ không đưa gừng tận tay sợ xa nhau của người Huế, hai người phụ nữ nông thôn cười vui vẻ trong tiếng nhắn nhủ của vợ chú Tửu “Tui để dành lá chuối tết qua gói bánh chung cho vui nghe”.

Về quê, hiểu thêm tiếng lá không chỉ gọi bốn mùa của đất trời mà còn thay tiếng gọi của tình làng, nghĩa xóm, tôi nhận ra mình bắt đầu bớt đi những kỳ vọng vào cái to lớn, đồ sộ mà nhận chân sự kỳ diệu đôi khi nằm trong hình hài nhỏ bé, giản dị. Chính những chiếc lá dạy tôi điều đó, như bây giờ trước mắt tôi đây, chỉ với vài lộc non trên cành, cây mai già đang gọi mùa xuân sang.

Bài: Xuân An

Ảnh: Trương Vững

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mùa xuân nhẹ nhàng

2 giờ sáng mồng 8 Tết Giáp Thìn, tuy Huế ban ngày có hửng nắng nhưng đêm và sáng sớm trời vẫn rét căm căm. Ấy cũng là lúc vừa kết thúc một ngày làm việc của tôi như thông lệ kể cả trong những ngày Tết. Ngỡ chỉ có mình tôi trở về giữa đêm xuân trên cung đường vắng lặng, nhưng không, có một bãi rác ngay góc ngã tư Lê Quý Đôn – Bà Triệu còn có một đôi vợ chồng đang cần mẫn với công việc nhặt rác.

Mùa xuân nhẹ nhàng
Để tâm hồn nhẹ nhàng như sông Hương

Nhiều du khách một lần đến Huế rồi trót thương Huế bởi Cố đô giờ “thay da nhưng không đổi thịt”. Giữa sự phát triển của một mảnh đất giàu tiềm năng du lịch, cái bình yên của miền Hương Ngự còn đó đang chữa lành hoặc ít nhất làm gác lại những lo âu, trăn trở mà cuộc sống lỡ dúi vào tay người.

Để tâm hồn nhẹ nhàng như sông Hương
Ảnh “vintage” nhẹ nhàng, thanh thoát

Chụp ảnh hoài cổ hay còn được gọi là phong cách “vintage” đang là “hot trend” đối với du khách trẻ khi “xê dịch” đến vùng đất mới. Và Huế là lựa chọn không thể tuyệt vời hơn để bạn trẻ có những bộ ảnh “vintage” ưng ý.

Ảnh “vintage” nhẹ nhàng, thanh thoát
Đẹp như cô gái Huế!

Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam thường có 3 nhận xét: Đường sá nhiều xe máy, đồ ăn ngon và con gái thì rất đẹp. Không quá đậm đà như con gái Ấn Độ, con gái Việt Nam với khung xương nhỏ nhắn, dáng người mảnh mai, nước da không quá trắng nhưng sáng mịn, đôi mắt hai mí to tròn và nụ cười duyên dáng luôn khiến các anh Tây ngơ ngẩn!

Đẹp như cô gái Huế
Những đám mây xa

Người ta đi đến đâu cũng thường nhớ về biểu tượng của vùng đất ấy, còn riêng tôi đi tới đâu lại lưu giữ bóng hình của mây trời. Đã có lúc tôi nghĩ rằng, cùng một đám mây kia, có người trông sẽ thấy nhớ nhà, có người mừng vì trời sắp đổ một “trộ” mưa, còn riêng tôi mây mang cảm giác bình yên, nhẹ nhàng.

Những đám mây xa

TIN MỚI

Return to top