ClockChủ Nhật, 10/01/2021 09:28

Thương con trâu bạc nghĩa tình

TTH - “Người ta nói nhà nào nuôi trâu bạc là xui xẻo. Nhưng gần nửa đời người nuôi trâu, tôi quý giống trâu này lắm, nó dễ bảo và rất hiền. Trâu bạc với tui là tiền, là bạc, chứ không bạc nghĩa, bạc tình như người ta nói”, lão nông Phan Văn Phương ôm đầu con trâu bạc giữa bầy trâu của mình rồi trìu mến vuốt ve như tri kỷ.

Trâu bạc giờ có giá trị hơn

Vâng lời gia chủ

Nhìn người đàn ông có màu da đậm, thân hình nhỏ gọn, giọng nói oang, ít ai nghĩ rằng ông Phan Văn Phương đã ở cái tuổi ngoài thất thập, hơn 40 năm gắn bó nghề chăn trâu, vui buồn kiếp dầm sương dãi nắng. Chừng ấy thời gian với nghề, nuôi hàng trăm con trâu nhưng trong tâm trí lão nông làng Vân Dương, nhớ nhất vẫn là hình ảnh những con “bạch ngưu”.

Ông kể, từng có 4 con trâu bạc qua bàn tay ông chăm nuôi. Con trâu bạc hiện đang nuôi vừa gần tròn tuổi và cũng là con trâu ông quý nhất và có lẽ là con trâu bạc cuối cùng trong nghề nuôi trâu của mình. “Mạ nó là con trâu đen. Trong một mùa nước lũ, sau khi thả rong giữa cánh đồng nhiều ngày gặp và giao phối với một trâu bạc giống đực không biết từ vùng nào lân lê tới”, ông Phương nhớ lại.

Trước đó, ông cũng từng chăm nuôi 3 con trâu bạc khác. Ông kể, theo dân gian, nhà nào nuôi trâu mà đẻ ra trâu bạc sẽ rất xui. Trâu bạc đi đâu mất mùa đến đó, gia đình gặp chuyện không hay. Vậy nên, khi trâu bạc vừa lọt lòng, người ta nên khuyên bán sớm, hoặc đưa ra cánh đồng tách biệt để nuôi. “Nhưng với tui, con trâu là đầu cơ nghiệp; “tậu trâu” vẫn là công việc quan trọng nhất của người nông dân. Con trâu bạc cũng như bao con trâu khác, thế là tôi quyết tâm nuôi và minh chứng điều đó với mọi người”, ông Phương tâm tình.

Hoàng hôn chuyển màu, đàn trâu vừa gặm cỏ, vừa lội dần vào con đập lớn theo bản năng để người chủ chăn về chuồng. Con trâu bạc nổi bật với màu sáng hồng vô cùng dễ thương. Không chỉ màu da, từng cọng lông cho đến cặp sừng và bốn chân cũng phủ màu bạc phơn phớt hồng hiền lành, trên thân nó có nhiều xoáy ốc, tạo nên sự độc đáo.

Nhiều đoàn khách đi qua cung đường này đã dừng lại, xin chụp hình với con trâu bạc của ông Phương. Thấy người lạ tới, nó đứng yên một cách hiền lành, thi thoảng nheo mắt, như biết cách tạo dáng trước ống kính. Cũng như nhiều con trâu khác, chỉ cần bảo “tới” là nó di chuyển, “hò đứng” là dừng lại và “hò rì” thì rẽ trái, rẽ phải thì “hò tắc”. Con trâu bạc này tiếp nhận nhanh hơn, rất vâng lời chủ nhân.

Vắng dần theo thời gian

Những ngày cuối năm, chúng tôi xuôi theo những cánh đồng Phú Vang, Hương Trà… với hy vọng tìm được nhiều manh mối về con trâu bạc. Những năm gần đây, công nghiệp hóa trong nông nghiệp khiến con trâu dần vắng bóng trên đồng ruộng. Sứ mệnh loài trâu dần chấm dứt, những đàn trâu thưa dần, con trâu bạc vì thế cũng vắng bóng.

Nhưng với người nông dân, ký ức và kỷ niệm về những con trâu bạc thì không bao giờ phai. “Xưa, vùng này rất nhiều trâu và trâu bạc cũng không hiếm. Trong bầy trâu tôi từng nuôi, có hai con trâu bạc. Nhưng hơn chục năm nay thì không hề có thêm con nào”, lão nông Phan No vừa nói lời giải nghệ với nghề nuôi trâu sau hơn 30 năm gắn bó, nhớ lại.

Ngày đó mọi thứ khó khăn, nghề nông tất cả dựa vào con trâu từ việc cày bừa, đạp rơm, kéo lúa, sức kéo chở các vật nặng… Lão nông tuổi ngoài 60 ở vùng trâu nổi tiếng Phú An, Phú Vang bảo rằng, trong số hàng trăm con trâu, hai con trâu bạc để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất.

Dù cách nhau nhiều năm, bởi hai trâu mạ khác nhau nhưng cả hai con trâu bạc có chung nhiều đặc điểm: trên thân có nhiều cặp xoáy đối xứng nhau, các chân khuỳnh ra, bước mạnh và nhanh… Vì thế, cả hai con trâu có sức mạnh khác thường, khoẻ hơn cả trâu đen, không nề hà công việc mà gia chủ giao cho.

“Nó là loài trâu không chỉ khoẻ mạnh mà còn nặng nghĩa nặng tình. Ngày chuyển nhượng nó cho người khác, cả hai con đều chảy nước mắt, như không muốn rời xa”, ông No xúc động kể lại. Và như lời ông ước nguyện, nếu có quay trở lại về nghề nông, nuôi trâu ông cũng chọn cho mình những con trâu bạc.

Từng có thâm niên nhiều năm tìm hiểu về trâu, PGS.TS. Nguyễn Tiến Vởn, nguyên giảng viên Khoa Chăn nuôi thú y – Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế khẳng định, hiện tượng trâu trắng mà dân gian gọi trâu bạc là một bệnh di truyền. Theo đó một số gen kiểm soát tạo sắc tố da (melanin) bị biến dị nên da không có sắc tố đen, trở thành trắng.

Tuy nhiên, bệnh bạch tạng ở trâu chưa có nghiên cứu được công bố nên chưa biết do biến dị những gen nào. Bệnh bạch tạng không chỉ có ở người và trâu mà còn thấy ở nhiều loại động vật khác như lớp thú, bò sát, cá, côn trùng… thậm chí cả ở thực vật cũng có hiện tượng này.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Vởn từng nghe không biết bao nhiều lần câu “trâu trắng đi đâu, mất mùa đến đấy”. Quan niệm đó có lẽ là do cái tên gọi khác của trâu trắng: trâu bạc. Theo cách lý giải của ông, trong tiếng Việt, chữ bạc có một nghĩa là chỉ sự phai màu từ đậm thành nhạt, từ đen thành trắng, một diễn biến theo hướng xấu. Vì thế, bạc với nghĩa tính từ phần lớn mang màu sắc tiêu cực: bạc bẽo, bạc tình, bạc ác…  “Về mặt sức khoẻ, khả năng cày kéo, cho thịt… của trâu bạc không thua gì trâu đen. Thậm chí, nhiều thương lái lợi dụng, vớ vào những câu chuyện thêu dệt đó để ép giá những gia chủ có trâu bạc”, ông Vỡn “giải oan” cho trâu bạc và khẳng định rằng những “đồn thổi” đó không có căn cứ.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Phong Điền hiến gần 27.000 m² đất

Ngày 24/12, Hội Nông dân huyện Phong Điền tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào Nông dân năm 2024; tổng kết thực hiện Nghị quyết 29-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa VI) về “Nâng cao chất lượng phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2024”.

Nông dân Phong Điền hiến gần 27 000 m² đất
“Phải tự vươn lên”

“Tôi luôn dặn lòng mình phải nỗ lực để tự vươn lên, bởi chẳng ai có thể giúp đỡ mình mãi ngoài chính bản thân mình”, đó là điều ông Lê Quý (ngụ ở thôn Mong B, xã Phú Gia, huyện Phú Vang) luôn dặn bản thân khi đối mặt với những biến cố trong đời, để có cuộc sống tốt đẹp.

“Phải tự vươn lên”
“Sống khỏe” bằng nghề

Khi giới thiệu về Nguyễn Văn Minh Phồn cùng cơ sở sản xuất đồ nhựa nội thất của anh, chị Hà Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu (TP. Huế) cho biết, đây là gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn.

“Sống khỏe” bằng nghề
Anh Ngữ vượt khó thành công

Dù gặp khó do thị lực yếu, nhưng anh Nguyễn Văn Ngữ (xã Hương Phong, TP. Huế) vẫn tạo lập nên cơ ngơi khang trang nhờ hướng đi mới, đó là sản xuất các loại phân hữu cơ cung ứng cho thị trường.

Anh Ngữ vượt khó thành công
“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

Ngoài mảnh đất Niêm Phò - nơi lưu giữ những những ký ức về tuổi thơ thì mảnh đất Nam Dương thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền là một phần không thể thiếu trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của chàng thanh niên Nguyễn Vịnh. Và chính tại làng quê này, anh đã gặp và thầm cảm mến cô gái dịu hiền, thùy mị với đôi mắt đen thông minh có tên là Nguyễn Thị Cúc - người sau này đã trở thành người vợ thủy chung, “hậu phương” vững chắc cùng gắn bó bên nhau qua mọi gian khó, thăng trầm với người chồng của mình - Nguyễn Vịnh (sau này Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

TIN MỚI

Return to top