ClockChủ Nhật, 01/09/2019 06:41

Suối mát

TTH - Ngược nguồn suối Máu (xã Hồng Tiến, TX. Hương Trà) là câu chuyện di cư của người Cơ Tu. Trải qua bao biến thiên thời gian họ vẫn gắn chặt đời mình bên dòng suối mát trong, một chứng tích của lịch sử hào hùng…

Đền bù, hỗ trợ ở suối Voi: Cần hài hòa lợi íchKhai thác cát sỏi dọc suối La Ngà: Thôn “bảo kê”, xã không hay

Hạ nguồn suối Máu như bức tranh tuyệt đẹp

Những lễ hội bên dòng suối Máu

Con suối xanh trong, đẹp như tranh vẽ làm dịu hẳn cái nắng chói chang của những ngày cuối hè. Ngược nguồn suối Máu, bao phận người vùng cao hàng ngày vẫn bám víu dòng nước. Có những người ký ức con suối cũng chính là ký ức của bản thân mình. Hơn 80 mùa lúa rẫy, nói tiếng Kinh không sõi nhưng khi nhắc đến suối Máu, giọng của bà Hồ Thị Cúc (thôn 4, xã Hồng Tiến) như hòa quyện với tiếng nước róc rách. Đôi mắt bà sâu, ánh nhìn xa xăm, bất giác bà nhắc đến gia đình, chồng con. “Tôi không sinh ra ở đây, nhưng hơn nửa đời người gắn bó với con suối này. Lúc trước, chồng và bố mẹ tôi đánh giặc ở đây”, bà Cúc nói.

Hơn 40 năm trước, thượng nguồn con suối này là nơi hoang vu, bí ẩn, là chứng tích một thời chiến đấu oanh liệt của bộ đội ta. Ngọn nguồn các câu chuyện về lịch sử liên quan đến suối Máu có thể chẳng ai còn nhớ thật tường tận, nhưng nhiều người dân Hồng Tiến truyền tai nhau về máu của quân thù nhuộm đỏ dòng nước, và cái tên con suối vắt qua Quốc lộ 49 bắt nguồn từ đó. “Dọc theo con suối này, người Cơ Tu thôn 4 ăn đời ở kiếp với nhau. Cùng nhau kiếm sống và chia sẻ hoạn nạn bên dòng suối”, bà Cúc chia sẻ.

Cũng như bao bận người tựa lưng vào núi, trước khi định cư nơi họ đang sống, dân Cơ Tu thôn 4 “lưu lạc” qua nhiều vùng đất, và cuối cùng họ chọn gần với miền xuôi, cạnh con suối, hợp vào vùng đất của 9 dân tộc anh em. Trong hồi ức của dân ở đây, con suối là huyền thoại, cưu mang bao người. Cuối cùng, phận người và dòng suối cứ bám riết lấy nhau. Suối lúc êm đềm, róc rách, lúc giận giữ, chảy xiết.

Đứng bên khe Nghệ, một nhánh hợp về dòng suối, ông Hồ Văn Thơm (83 tuổi, thôn 4, xã Hồng Tiến) khắc khoải nhớ về ngày xưa. Ông kể về những chuyến băng rừng, men theo bờ suối tìm lâm sản, rồi hàng hóa của người đồng bào trên những chuyến bè xuôi ngược. Chi tiết này khiến tôi tưởng đây từng là nơi giao thương của người đồng bào. Nhưng không, ông Thơm xua tay, bảo đó chỉ là cách người Cơ Tu tận dụng vận chuyển lâm sản tự cung tự cấp, chẳng có giao thương gì khi họ vẫn mải miết du canh du cư dọc suối. Gần cả cuộc đời gắn bó với dòng nước, lúc còn là trai tráng đến khi gần đất xa trời, ánh mắt ông vẫn trong veo như nước suối mát lành.

Bà Hồ Thị Cúc kể về lịch sử di cư của người Cơ Tu đến suối Máu

“Suối Máu – chỉ cái tên thôi cũng có nhiều chuyện kể. Nhưng có hai thứ mà con dân thôn 4 phải biết đó là, nơi tổ tiên chọn định cư, xây làng lập ấp và địa điểm bộ đội ta chiến thắng quân thù. Suối giúp dân có nước để uống, cá để ăn. Nhưng mùa mưa lũ, suối cũng giận giữ gào thét hung dữ, cuốn phăng tất cả”, ông Thơm chia sẻ.  

Trong số 79 hộ dân của thôn 4 đa số là người Cơ Tu theo tổ tiên của họ từ bản Tà Ve (xã Hương Nguyên, huyện A Lưới) về Hồng Tiến. Họ men theo dòng suối kiếm cái ăn, tận dụng con nước tưới tiêu, phục vụ sinh hoạt và mang theo cả văn hóa Cơ Tu hợp vào vùng đất này. Ông Rapat Văn, Trưởng thôn 4 tâm sự: “Gốc gác của chúng tôi là ở A Lưới. Ngày trước, chỗ mô có cái ăn là chúng tôi tìm đến. Và vùng đất cạnh suối Máu tươi tốt nên định cư cho đến nay. Bây giờ suối như ruột thịt, chứa bao ân tình”.

Thôn 4 hiện không còn xa và cũng chẳng heo hút như những bản làng khác tựa lưng giữa đồi. Từ Quốc lộ 49, theo những con đường bê tông phẳng lỳ, ngôi làng duy nhất của người Cơ Tu ở Hồng Tiến nép mình bên khe suối. Họ đến đây và mang theo mấy mùa lễ hội về với vùng đất mới. Người Cơ Tu gần với miền xuôi hơn, và họ cũng không còn lưu lạc trăm lối.

Ông Văn khoe rằng, xã Hồng Tiến là nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống nhưng người Cơ Tu thôn 4 luôn mang bản sắc riêng, có những phong tục mà nhưng dân tộc khác ở địa phương không hề có. “Bên cạnh hòa chung với các lễ hội cùng các dân tộc trong xã, hàng năm chúng tôi đều tổ chức các lễ hội của dân tộc mình như, lễ ăn cơm mới, A za, điệu múa tung tung dá dá để giữ gìn bản sắc dân tộc riêng. Ngoài ra những nghề thủ công như đan lát cũng được những người lớn tuổi gìn giữ…”, ông Văn tự hào.

Dòng nước mát trong, cỏ cây tươi tốt

Cùng lúc người Cơ Tu di cư về Hồng Tiến, nhiều dân tộc khác cũng chọn vùng đất này để mưu sinh. Thay vì chọn địa thế xuôi về phía đồng bằng, người Cơ Tu lại chọn vùng đất quanh suối Máu và coi như dòng nước mẹ.

Suối Máu - nơi lưu giữ lịch sử, nét văn hóa của người dân địa phương

Bây giờ, khi họ nép mình ở phía thượng nguồn dòng suối thì nguồn nước trong vắt từ nơi này lách qua nhiều tảng đá, xuyên qua từng kẽ lá đổ về phía hạ nguồn tạo nên bức tranh tuyệt đẹp. Suối có những đoạn uốn khúc, có thể nhìn thấy đáy, cũng có những đoạn nước đổ dốc làm tung bọt trắng xóa. Trên suối, những bàn thạch (mặt bằng tảng đá to) giúp du khách có thể ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên hữu tình.

Trong một lần khám phá suối Máu cùng Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến Lê Văn Châu, cùng đắm mình trong không gian thoáng đãng, yên bình, phía xa, những sơn nữ xõa mái tóc giữa dòng nước mát lành, ông bảo, địa phương định biến con suối này thành điểm du lịch trong nay mai. “Nước suối mát lạnh, trong veo đó là nhờ sự gìn giữ của người dân ở phía thượng nguồn. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, phía thượng nguồn suối Máu là nơi tập trung đông đảo những người con của dân tộc Cơ Tu di cư từ A Lưới. Họ chọn vùng đất cạnh suối Máu vì cây cối xanh tốt, có nhiều sản vật cung cấp trong đời sống hàng ngày. Mặt khác, họ cung đã quen với cuộc sống giữa núi rừng, sông suối”, ông Châu nói.

Nghe chuyện làm du lịch và một đề án phát triển du lịch từ ông Châu, tôi mường tượng con suối sẽ không “ngủ yên”, suối thức giấc tạo nên điểm đến lý thú ở phía lưng chừng đồi. “Về cơ bản, đề án xây dựng suối Máu thành điểm du lịch sẽ dựa vào chủ thể là người dân, những người từ lâu “neo” đời bên chân suối. Hồng Tiến là địa phương có nhiều dân tộc anh em sinh sống, bởi vậy đây cũng là nơi quy tụ nhiều bản sắc văn hóa khác nhau. Du lịch cộng đồng cũng sẽ dựa vào nền tảng giữ gìn bản sắc văn hóa. Chỉ là dòng suối nhỏ, nhưng biết cách khai thác có thể sẽ đánh thức cả một vùng quê nghèo khó”, ông Châu bộc bạch.

Bây giờ, cạnh Quốc lộ 49, ẩn mình trong rừng cây xanh mát, suối Máu với nét hoang sơ và không kém phần kỳ vỹ. Đó còn là nơi gắn liền với lịch sử, chỉ cái tên thôi nhưng tôi đồ rằng sẽ dấy lên sự tò mò cho những ai một lần đặt chân đến. Để rồi đằng sau suy nghĩ băng qua những con đường nhỏ gập ghềnh, khám phá con suối sẽ có những câu chuyện không thể nào quên. Và sẽ còn tuyệt vời hơn nếu người ta đưa suối Máu trở thành một điểm đến không chỉ khám phá thiên nhiên mà còn được tìm hiểu con người, lịch sử của địa danh đã ghi dấu cùng thời gian.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top