ClockChủ Nhật, 29/01/2017 07:07

Rộn ràng chợ phiên đầu năm

TTH.VN - Chợ phiên Gia Lạc (Phú Thượng, Phú Vang), Quảng Ngạn (Quảng Điền), Vinh Mỹ (Phú Lộc) ngày đầu năm rộn ràng chuyện mua bán. Đây không chỉ là nơi diễn ra hoạt động thương mại mà là một nét văn hóa truyền thống có từ nhiều đời nay.

Dừng chân mua "lộc" ở chợ phiên Gia Lạc. Ảnh: Hữu Phúc

Vui vẻ chợ phiên

6 giờ sáng, người dân từ những vùng lân cận gánh các mặt hàng đến tụ họp gần khu vực cầu chợ Dinh tạo thành phiên chợ Gia Lạc truyền thống. Không quy tụ được nhiều mặt hàng như chợ thường ngày, chợ phiên đầu năm chỉ có cau trầu, vài mớ rau củ quả, tôm cá và đồ chơi trẻ em nhưng vẫn thu hút người bán lẫn người mua. Khách hàng không chỉ là dân địa phương mà còn cả những người đi đường, viếng chùa, thăm mộ dừng lại “mua lộc” đầu năm. Nhờ thuận lợi giáp với TP. Huế, chợ phiên Gia Lạc càng thu hút người dân và du khách về tìm hiểu, tham quan, mua sắm.

Giống chợ phiên Gia Lạc, chợ phiên truyền thống ở Quảng Ngạn (Quảng Điền) năm nay cũng hút khách từ sớm. Tờ mờ sáng, những quầy hàng bán đồ chơi trẻ em, các rổ rau, mớ tôm cá… đã sẵn sàng chờ đón khách thập phương. Khoảng 7 giờ sáng, người dân ở các xã lân cận: Phong Hải, Điền Hải (Phong Điền), Quảng Công (Quảng Điền), Hải Dương (Hương Trà) có mặt tại đây để tạo nên sự sôi động cho ngôi chợ chỉ đông trong 3 ngày Tết này. Năm nay, tuy mặt hàng hải sản thưa thớt hơn năm trước nhưng nông sản, đặc biệt các loại rau lại “lên ngôi”. Mới đầu phiên chợ, các rổ rau đã được bán sạch. Tâm lý chung, ai cũng muốn mua những bó rau xanh non về nhà ngày đầu năm. “Xưa bày nay làm, dường như đi chợ phiên là một công việc đầu năm của nhiều người dân nơi tui ở”, bà Hồ Thị Thí, quê ở xã Quảng Công kể.

So với hai ngôi chợ phiên kể trên, chợ phiên Vinh Mỹ (Phú Lộc) cách xa thành phố nhất và cũng là nơi xuất hiện nhiều nông sản địa phương nhất. Tuy hầu hết gia đình nơi đây tham gia hoạt động trồng trọt, song phiên chợ này vẫn tấp nập người mua bán. Bà Đoàn Thị Lan, một cao niên ở đây giải thích: “Nhà mô cũng có trồng rau, cau nhưng chợ vẫn cứ đông vào ngày Tết vì họ muốn đi mua cái lộc, thích cảnh nhộn nhịp, vui vẻ đầu năm”.

Theo tìm hiểu, nhờ hoạt động mua bán sôi nổi, chỉ trong buổi sáng đầu tiên của năm, nhiều người đã kiếm được cả trăm nghìn đồng. Trong đó, mặt hàng cau trầu hút khách nhất. Điểm đặc biệt, những phiên chợ đầu năm ít mặc cả giá bởi cả người bán và người mua đều mong muốn suôn sẻ cho cả năm. Cũng nhờ vậy, không khí ở các chợ phiên luôn vui vẻ.

Lưu giữ nét đẹp truyền thống

Với nhiều người bán hàng, gốc tích các ngôi chợ phiên trong suy nghĩ của họ là những mốc thời gian có từ lâu trong quá khứ, song vì đây là nét đẹp truyền thống nên già trẻ đều muốn lưu giữ. Bà Nguyễn Thị Con (86 tuổi) tâm sự, cứ đến 3 ngày Tết đầu năm bà lại nhờ cháu chở ra chợ phiên Gia Lạc bán. Có ngày chỉ kiếm được 20.000 – 30.000 đồng song thói quen họp chợ ngày Tết đã khiến bà không bằng lòng khi con cháu khuyên ngăn ở nhà. “Cháu tui nói đi bán làm chi nắng bụi cho cực nhưng tui quen cái nghề ni mấy chục năm rồi. Kiếm đôi đồng ngày Tết cho có cái lộc, hơn nữa ngồi ri thấy người qua lại, ghé vô mua rồi chào nhau một câu đầu năm tự nhiên thấy người thoải mái”.

Người tiếp nối truyền thống không chỉ lớp già mà còn cả những người trẻ. Chị Đặng Thị Hiền (32 tuổi) cho biết, “thương hiệu” của ngôi chợ phiên truyền thống Gia Lạc khiến chị lần đầu góp mặt trong ngày Mùng 1 Tết. Dù chỉ với mớ tôm cá ít ỏi nhưng niềm vui thôi thúc chị chọn một góc đường ở ngôi chợ này để bày bán. Theo chị Hiền, “cổ tích” về những ngôi chợ phiên giúp chị tin rằng thuận lợi từ việc bán hàng đầu năm sẽ giúp cho nghề nghiệp (nghề bán cá) cả năm suôn sẻ.

Những vị cao niên ở xã Quảng Ngạn khẳng định, lợi nhuận từ những phiên chợ này chỉ là yếu tố thứ phụ, quan trọng nhất là tìm lại không khí của phiên chợ xưa. Đồng thời, cũng với thói quen đã tồn tại suốt nhiều năm qua nên trong suy nghĩ của không ít người dân nơi đây, cứ Tết là phải tới chợ phiên cho bằng được.

Ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phú Lộc cho biết, bên cạnh ý thức gìn giữ hoạt động mua bán đầu năm thì phía ngành văn hóa của huyện cũng đã tìm nhiều giải pháp tuyên truyền, khuyến khích người dân duy trì chợ phiên như một hoạt động văn hóa, lễ hội của địa phương bởi ai cũng hiểu chợ phiên đã có từ rất lâu đời và trở thành một nét đẹp trong tâm thức của người dân không chỉ ở Vinh Mỹ mà còn cả của cả tỉnh Thừa Thiên Huế.

* Một số hình ảnh ở chợ phiên trong ngày Mùng 1 Tết: 

Từ sớm, người dân đã đi chợ phiên Gia Lạc. Ảnh: Hữu Phúc

Chợ phiên Quảng Ngạn. Ảnh: Đức Quang

Dọn hàng ra bán. Ảnh: Hữu Phúc

Tấp nập người mua "lộc" ở chợ phiên Gia Lạc. Ảnh: Hữu Phúc

Gọt cau mời khách. Ảnh: Hữu Phúc

Quầy hàng đồ chơi trẻ em ở chợ phiên Quảng Ngạn. Ảnh: Đức Quang

Rau sạch ra chợ phiên. Ảnh: Hữu Phúc

Bán "lộc" kèm câu chúc. Ảnh: Đức Quang

Bán ít để nhanh lấy lộc đầu năm. Ảnh: Hữu Phúc

Hữu Phúc – Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người Huế thong dong đến chùa lễ Phật ngày đầu năm mới

Dù thời tiết trời mưa phùn và lạnh nhưng rất nhiều người dân xứ Huế đã tìm đến các ngồi chùa vào sáng mùng 1 tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để lễ Phật, cầu một năm mới may mắn bình an, vạn sự hanh thông cho bản thân và gia đình.

Người Huế thong dong đến chùa lễ Phật ngày đầu năm mới
Dòng người đón Giao thừa bên bờ sông Hương

Đúng thời khắc Giao thừa chuyển giao năm cũ Quý Mão sang năm mới Giáp Thìn 2024, màn pháo hoa tầm cao được bắn lên trên bầu trời ngay Kỳ đài, phía trước Ngọ Môn trong tiếng reo vui, chúc nhau một năm mới an lành, hạnh phúc.

Dòng người đón Giao thừa bên bờ sông Hương
Cuối năm “vẽ” bình an

Chỉ còn vài ngày nữa là đến tết Nguyên đán, ngoài đường phố, không khí nhộn nhịp, rộn ràng. Còn ở lớp vẽ nhỏ nép mình trong con hẻm trên đường Điện Biên Phủ, các học viên đang chăm chú hết mức có thể. Đặt tâm trí vào từng đường cọ, nét bút, họ đang trang trí cho những quả dừa trong workshop “Vẽ dừa trang trí tết”.

Cuối năm “vẽ” bình an

TIN MỚI

Return to top