ClockThứ Ba, 05/09/2017 08:17

Rau chộn rộn

TTH - Ban đầu, người ta gọi nó là rau dại. Những nắm rau được nhặt nhạnh trong vườn, trên nương đồi hay quanh triền núi. Cũng có khi chúng lẫn vào với cỏ, hoặc là cỏ nhưng thuộc loại ăn được.

Ngày trước, chắc hẳn loại rau này được người ta dùng những khi không kịp chạy chợ, cũng có khi được gom lại trong một bữa làm cỏ, dọn vườn hay những lần lên rẫy... Những ngọn rau mọc hồn nhiên một cách lung tung cứ thế mà hồn hậu đi vào bữa cơm ngày thường.

Tôi đã từng có những chuyến đi mà bằng cách nào đó, đến trưa phải ghé lại Khâm Đức (Quảng Nam) để ghé vào một nhà hàng nào đó bên đường Hồ Chí Minh, gọi một – thậm chí là hai- dĩa rau rừng mà người ta thường gọi là rau lủi, chấm với nước mắm kho quẹt hay mắm cua. Những ngọn rau ở đây chắc còn mang phong vị núi, với màu xanh có phần dầu dãi chứ không non nã như những dĩa rau mà sau đó, các bạn đồng nghiệp đã thết đãi người đến từ Huế trong các nhà hàng ở Pleiku. Nhẩn nha câu chuyện mới biết đã từ lâu, rau rừng ở Tây Nguyên đã hết lủi rồi mà hiện diện công khai trong các thửa vườn. Đó cũng là loại rau hàng hóa cho thu nhập tốt của người dân nơi này. Có lẽ vì thế mà tôi đã chẳng hề ngạc nhiên khi gặp lại dĩa rau rừng non xanh, mập mạp trong một nhà hàng máy lạnh ở Buôn Mê Thuột. Mặc dù vẫn thấy có chút gì đó về sự phôi phai trong cảm giác của mình.

Cách đây ít lâu, trong lần ghé qua Tuyên Quang, chúng tôi cũng được các đồng nghiệp giới thiệu rau tầm bóp như một đặc sản rừng của mình trong bữa cơm trưa. Tôi đã gặp lại chút đăng đắng trong vị mát của những chiếc lá non xanh vừa được chế biến, như một dư vị lạ lẫm nhưng dễ chịu của vùng núi khi thêm một lần nhẩn nha với không ít hiếu kỳ. Sau này, khi xem ảnh trên internet, tôi cứ ngờ ngợ nó vì thấy nó giống cây lạc tiên khi nhìn những chùm quả xanh trong lủng lẳng trên cành leo. Loại cây này, ngày nhỏ chúng tôi hay hái làm lồng đèn trong các trò chơi thơ dại. Một lần, tôi đã ngỡ ngàng khi được “thực” chính những nhánh non của loài cây ấy trong một dĩa nghi ngút khói và sực nức mùi tỏi ở Côn Đảo...

Nhưng mớ rau chộn rộn mà tôi muốn nói đến, nó không ở đâu xa mà ở ngay những lề chợ quê. Có hôm tôi đã thấy nó nằm khép nép giữa các loại rau khác, với đôi mắt chờ đợi của một cô bé nhỏ nhắn. Trong rổ rau ấy có tàu bay, có rau má nguyên dây, có cải trời, có cỏ trai, lẫn cả vào mấy cọng rau sam tim tím... Con gái 9X của tôi đã không biết rau đó để làm món gì, gọi tên như thế nào. Chỉ đến khi chấm vài gắp đũa vào chén nước nước đầm đậm, 9X nhà mới à lên rồi bảo, con không nghĩ là nó ăn được với vị là lạ như thế này.

Khi con gái hỏi về một cái tên, tôi đã nói chệch đi là rau chộn rộn. Như là cái chộn rộn thương thảo của cô bé bán rau với đôi mắt chờ đợi...

Nguyễn An Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng chất cho tài nguyên lao động

Đó là cách mà ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh về lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề.

Nâng chất cho tài nguyên lao động
“Dẫn đường” cho nông dân

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, ngay cả khi chưa bị tác động vì đại dịch, sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn thường rơi vào việc phải giải cứu.

“Dẫn đường” cho nông dân
Lại hy vọng

Tại nhiều diễn đàn kinh tế, tiềm năng và lợi thế của vùng duyên hải miền Trung đã được các chuyên gia hàng đầu khẳng định.

Lại hy vọng
Còn hơn một dãy số...

Một lúc rồi mọi người cũng đến đông. Nói thế là vì đông nhưng chưa đủ. Nhưng như thế cũng đã là trên cả tuyệt vời rồi. Bạn bè học cấp 3 cùng nhau từ cuối những năm 1980, giờ ngồi đông kín một dãy bàn. Mong chi hơn.

Còn hơn một dãy số

TIN MỚI

Return to top