ClockThứ Năm, 28/01/2021 08:33

Nhớ mãi giọng anh cười

TTH - (Tưởng nhớ anh Đoàn Ngọc Phú, nguyên Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế)

Quê nội anh nơi vùng sơn cước là xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Quê ngoại ở thôn Bình An (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc), một vùng quê nghèo bên chân sóng… 

Đồng chí Đoàn Ngọc Phú, nguyên Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế

Năm 1953, một năm trước ngày Hiệp định Genève được ký kết, Đoàn Ngọc Phú lúc đó đã là một thiếu niên 14 tuổi, được tổ chức chính thức cho tập kết ra Bắc theo tiêu chuẩn con em cơ sở cách mạng. Anh thuộc thế hệ con em miền Nam đầu tiên được học tập, rèn luyện và trưởng thành trên đất Bắc. Nơi đây, được sự chăm sóc của Đảng và Nhà nước, anh Phú vừa học, vừa làm. Năm 1961, Đoàn Ngọc Phú là sinh viên Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội 1.

Học nghề dạy học nhưng anh lại đam mê và lựa chọn nghề báo, hay nói đúng hơn nghề báo đã chọn anh. Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội 1 vào năm 1964, anh vào công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, rồi chỉ 2 năm sau đó (tháng 8/1966) cho đến ngày quê hương giải phóng (1975), là phóng viên của Báo Hà Nội Mới, tờ báo của Đảng bộ Thủ đô. Làm báo trong lửa đạn chiến tranh là chấp nhận gian khó và hy sinh. Thế nhưng đối với anh Đoàn Ngọc Phú, đó là những tháng ngày tuyệt vời mà mỗi khi có dịp nhắc lại với bạn bè và đồng nghiệp, anh rất đỗi tự hào.

Mùa xuân năm 1975, niềm vui dâng trào và vỡ òa khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Là người con quê hương, đang là phóng viên của một tờ báo lớn, anh không chút đắn đo, đã có ngay trong đoàn cán bộ là con em miền Nam sinh sống và làm việc ở miền Bắc trở về quê hương để góp phần xây dựng sự nghiệp báo chí địa phương. Anh lần lượt là phóng viên của Báo Thừa Thiên Huế và từ năm 1976 khi sáp nhập tỉnh là Báo Dân, Báo Bình Trị Thiên, anh nhanh chóng được đề bạt giữ chức Thư ký Tòa soạn Báo Dân và Phó Tổng biên tập Báo Bình Trị Thiên (tháng 7/1985), sau đó là Báo Huế ngày nay, Báo Thừa Thiên Huế. Giữa tháng 8/1993, anh được chỉ định làm Quyền Tổng Biên tập và sau đó làm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế cho đến ngày nghỉ hưu vào tháng 7/2000.

Không chỉ giỏi quản lý, anh Đoàn Ngọc Phú còn được biết đến với bút danh Trúc Thanh ngay từ thời kỳ Báo Dân với những mẩu chuyện ngắn trong chuyên mục “Câu chuyện hôm nay”. Đây là chuyên mục được bố trí không cố định ở các trang, gồm những bài viết ngắn chỉ khoảng 200 - 300 chữ dưới hình thức mẩu chuyện về những điều “chướng tai gai mắt” mà người viết bắt gặp, quan sát được hay được nghe kể lại; qua đó, bày tỏ khen - chê và có những đề nghị xử lý rõ ràng, dứt khoát. Tính chất luận bàn rõ nét, hành văn ngắn gọn, giọng văn châm biếm, thu hút được sự quan tâm của bạn đọc. Truyền thống “viết mẩu” như một đặc sản của Báo Thừa Thiên Huế, có thể xem đã bắt đầu từ đây.

Một trong những bài viết gây ấn tượng của Trúc Thanh mà nhiều bạn đọc lớn tuổi bây chừ vẫn còn nhớ là bài “Từ chiếc xe đến cái giường”. Nội dung bài viết nêu lên thực tế điển hình dưới thời bao cấp là việc mua hàng phân phối theo tiêu chuẩn quy định dành cho cán bộ, công nhân viên chức. Hàng phân phối bên cạnh các loại lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu còn có các loại phụ tùng xe đạp và cả giường nằm. Oái ăm thay là không ít trường hợp đã phải “cười ra nước mắt”, khi mua phụ tùng xe đạp đã “chọn rất kỹ rồi vẫn khó tìm cái có thể sử dụng được ngay”, hay mua giường nằm thì khổ nỗi, “có cái không có cọc màn, đinh vít”. Vậy là phải tìm mọi cách để chắp vá. Từ thực tế này, tác giả kết luận, đã đến lúc cần “phải có sự quản lý  từ khâu sản xuất đến phân phối lưu thông”.

Hàng chục năm gắn bó với tờ báo Đảng bộ địa phương, Tổng Biên tập Đoàn Ngọc Phú là người đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Không chỉ am tường công việc quản lý, đáng ghi nhận ở anh là tinh thần trách nhiệm và sự kỹ lưỡng đến lạ kỳ. Không bao giờ quên được lời anh bảo, làm biên tập viên hay tòa soạn như một lính canh, phải biết “mài đũng quần”. Mà anh làm thiệt. Căn phòng làm việc của anh bao giờ cũng sáng đèn và sẵn sàng để cửa dành cho mọi người. Hằng ngày, anh chăm chút từng số báo hay bài viết và cả những giấy tờ, công văn. Sợ sai sót, khi biên tập bài anh cứ hay dí bút rà kỹ và đọc thầm từng chữ một. Ngay cả thư cộng tác viên gửi đến, thấy viết sai chính tả hay câu cú què cụt, anh cũng biên tập lại (!).

Những cuộc họp giao ban do anh chủ trì thường không “vòng vo tam quốc” mà đi thẳng vào vấn đề và bao giờ anh cũng có kết luận, chính kiến rõ ràng đối với từng vấn đề cụ thể. Không thể quên được ở anh cái khoát tay dứt khoát và câu nói quen thuộc, “cứ rứa mà làm”.

Nhớ nhất là sau đại hồng thủy 1999, cơ quan bị ngập nặng. Ngày anh em tập trung trở lại, phòng làm việc ngổn ngang và ướt át, điện cũng không có. Với sự chỉ đạo kiên quyết của Tổng Biên tập Đoàn Ngọc Phú, các phóng viên nhanh chóng tỏa về các địa phương trong tỉnh. Bài vở về bão lụt tới tấp được gửi về tòa soạn không đăng tải kịp, anh chỉ đạo liên lạc để fax cho nhiều tờ báo Trung ương và địa phương. Thông tin về bão lụt ở Thừa Thiên Huế ngập tràn sóng truyền hình quốc gia và trên các báo. Không chỉ uy tín được nâng lên mà Báo Thừa Thiên Huế cũng đã qua đó có thêm nhiều đồng nghiệp đáng quý.

Tận tâm, trách nhiệm và cũng sẵn sàng “nổi nóng” với công việc, nhưng Tổng Biên tập Đoàn Ngọc Phú lại sống rất gần gũi và đầy tình yêu thương đồng nghiệp, nhất là đối với những người trẻ. Bài viết hay biên tập vô ý để sai sót bị anh la, chúng tôi chỉ buồn mà không hề giận. Có những bài viết đụng vào vấn đề “nhạy cảm” có tiếng xì xào và cả những lời nhắn gửi này nọ từ một ai đó có chức quyền. Phải trái rõ ràng, anh thận trọng tìm hiểu kỹ càng và nhiều trường hợp đã kiên quyết bảo vệ phóng viên tới cùng.

Cách nay hơn 20 năm, buổi chiều hôm trước ngày anh Phú chuẩn bị nghỉ hưu, tôi lúc đó là Thư ký Tòa soạn băn khoăn không biết xử lý công việc ra sao thì bất ngờ nhận được cú điện thoại của anh, bảo đem bài lên duyệt. Mở cửa phòng, tôi ngạc nhiên thấy vẫn y nguyên, như không hề chuẩn bị có sự chia ly nào cả. Anh vẫn cặm cụi làm việc bên chiếc bàn ngổn ngang các loại giấy tờ. Tôi bảo sao anh không nghỉ. Anh nhẹ nhàng: “Không có chi mô, cứ để anh làm cho vui”. Ít ai biết rằng, buổi chiều hôm đó, anh đã làm việc như bao ngày bình thường khác. Tận tâm và say mê công việc đến thế là cùng…

Tôi đã nhớ lại phút giây của buổi chiều khi đến thăm anh lần cuối cùng. Nhìn anh nằm, bình thường như đang trong một giấc ngủ say mà tôi như muốn khóc. Vẫn mái tóc bồng bềnh mang dáng dấp của một nghệ sĩ, vẫn khuôn mặt hiền từ và cả dáng người thân quen…

Bỗng như chợt nhớ, còn thiếu nụ cười sang sảng, khó tả thành lời của anh. Nó gần gũi và hào phóng, mạnh mẽ và độ lượng, nghiêm khắc và cũng rất đỗi yêu thương.

Tất cả giờ đây chỉ còn hoài niệm và với tôi cũng như nhiều đồng nghiệp ở Báo Thừa Thiên Huế, anh mãi mãi là vị sếp đáng kính, người anh yêu thương và là người bạn chân tình!   

Nguyễn Đình Nam

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội thơ tưởng nhớ nhà thơ Ưng Bình

Chiều 14/9, tại Nhà lưu niệm Ưng Bình Thúc Giạ Thị diễn ra chương trình “Thơ Mùa thu” do Chi hội thơ Phú Vang - Hội thơ Hương Giang tổ chức.

Hội thơ tưởng nhớ nhà thơ Ưng Bình
Dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), sáng 17/5, Đoàn đại biểu Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Phong Điền đã làm lễ dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền (nơi có hơn 3.600 phần mộ liệt sĩ) và Đền liệt sĩ huyện.

Dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
23 năm nhớ Trịnh Công Sơn

Kỷ niệm 23 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4), nhiều hoạt động âm nhạc được tổ chức để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa. Ngoài âm nhạc, gia đình cố nhạc sĩ chuyển hướng sang các hoạt động tưởng nhớ thiết thực, ý nghĩa hơn.

23 năm nhớ Trịnh Công Sơn
Đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn”

Chiều 17/3, tại Công viên 3/2, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế phối hợp Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đêm nhạc không thu phí “Nhớ Trịnh Công Sơn”.

Đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn”

TIN MỚI

Return to top