ClockChủ Nhật, 04/06/2023 06:31

“Mạ già lút cút lui cui”

Nhớ chi lạ món cá đồng kho tương của mạ!

Quyển sách thơ nhỏ thôi, những đóa hồng vàng nổi bật trên nền bìa màu xanh là món quà quý mà chị nhận được từ vị Tỳ Khưu đáng kính, sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh - chùa Huyền Không Sơn Thượng. Đã bao lần, những lúc nhớ mạ, chị lại mở quyển thơ này, đọc lại những bài thơ ngắn của Thầy và lòng được an ủi rất nhiều về nỗi nhớ.

“Con muốn nói với mẹ/ Một lời/ Nho nhỏ thôi/ Một lời mà đủ cả/ Con yêu mẹ/ Mẹ ơi” (Với mẹ)

Với chị, từ nhỏ đến lớn chị chỉ có mạ, từ chén cơm, ly nước, từ cái ôm ấp, vỗ về, từ manh áo, tấm quần, từ những lời căn dặn, dạy dỗ, mạ bao tất. Mạ ôm chị cho đến... ngày cuối cùng mạ nằm xuống.

leftcenterrightdel
 

Cho nên, đụng cái gì chị cũng nhớ mạ. Ăn món gì cũng nhớ, vì đó là món mà mạ thường nấu cho cả nhà ăn và bày cách cho chị nấu. Đi chợ, mua món gì cũng nhớ lời mạ, mạ dạy chị cách chọn hàng, cách mua hàng, dạy chị đừng cò kè thêm bớt với người bán, nhất là các mệ già, “mua được thì mua, mua nhanh mua nhẹ cũng là một cách “cho” đẹp đó con”. Hôm rồi, chị đi chợ mua một khúc bầu sao của một mệ già ngồi bán ở vỉa hè, nhà ăn ít nên chị cứ bảo mệ cắt ít lui mà giá tiền vẫn vậy. Mệ cười với niềm vui như bay ra từ trong tim: “Con ơi, mua ri là hơn cả cho tiền nữa đó con. Mệ thích bán được hàng hơn là được cho tiền”. Lời của mệ già càng làm chị nhớ mạ.

Không biết vì sao, từ ngày mạ không còn, chị đi chợ, thấy mệ già nào có mái tóc bạc là chị như thấy mạ mình ở đó. Mạ chị đi chợ, cứ tìm đến hàng của các mệ già, trước khi mua là trò chuyện, mua rồi cũng trò chuyện, mấy mệ cười rổn rảng với nhau như là bạn thân. Chị nhớ có ngày mạ về nhà kể: “Mấy bữa ni mạ đi chợ mà không thấy mệ Th, không biết có đau ốm chi không”. Cũng có lúc mạ chị xúc động: “Mạ không đi chợ mấy bữa mà ngày ni mạ đi chợ, ai cũng kêu hỏi thăm, mệ B. bán thuốc lá Phong Lai còn nói định tìm về nhà thăm, sợ mạ đau ốm chi mà không đi chợ”. Với người già, chuyện đi chợ, chuyện mua bán, đồng tiền không còn là quan trọng thứ nhất mà không khí chợ đò, có người qua người lại, hỏi thăm nhau, là vui nhất. Mạ chị đi chợ cũng vậy. 

Bây giờ chị đi chợ cũng tìm đến các mệ già, chị nhận ra có hai kiểu mệ già đi chợ bán hàng. Kiểu thứ nhất là “mệ đi bán cho vui” nên cả tuần, mười ngày mệ mới đi bán một buổi. Đó là những mệ “bòn mót” trong vườn cái rau, cái củ, đi bán có thêm “đồng bạc” để ăn hàng, mua bánh cho cháu và quan trọng nhất là tiết kiệm, thấy để rau lá trong vườn già héo “tội của trời” và đi bán cho có bầu có bạn. Và kiểu mệ già đi bán hàng thứ hai nhìn vất vả hơn, mưa nắng in trên làn da, in trong mắt, in trên đôi bàn tay, nụ cười của mấy mệ cũng có nhiều cam chịu, không có cái phong thái thảnh thơi, mua bán cũng nặng về cơm áo.

Các mệ bán hàng cả tuần, cả tháng, “chuyên nghiệp” luôn, hàng vườn nhà hết thì đi mua của vườn trong xóm, trong thôn. Mớ rau tập tàng, trái đu đủ, chục quả trứng gà, trái ớt, trái cà, trái to trái nhỏ, trái cong queo, không đều nhau về kích thước nhưng đó là nhãn hiệu “vườn nhà”, về nấu rất ngon, trong ngày nấu không hết, để ngày mai vẫn còn được. Nhìn cảnh mấy mệ mua bán lom hom, chị em đi chợ thường nói với nhau mua mau cho mấy mệ về nghỉ, giá cả thì “đưa tiền, mệ bán”...

Chị biết, có nhiều mệ già phải giấu con, giấu cháu để đi chợ bán hàng. Cũng có mệ tâm sự thiệt lòng: “Nhìn con cháu còn cực khổ, mệ ở nhà cả ngày rảnh rỗi không làm chi, đi ra chợ mua bán, kiếm thêm đồng nào đỡ cho con cháu đồng đó”. Ôi, trái tim, tấm lòng những bà mẹ, mênh mông như vô tận.

“Chắt chiu/ Rẫy ớt vườn cà/ Ruộng khoai nương sắn/ Nuôi ta trưởng thành...” (Tâm). Bây giờ thì chị hiểu thêm một phần nào khi sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh đặt tên cho bài thơ này là “tâm”, chỉ một chữ duy nhất ấy thôi mà thấy dặm dài suối nguồn tình thương của mẹ.

Chị thường hay lan man nhớ mạ mình như thế, từ chợ đò qua đến món ăn, từ hình bóng những mệ già chị gặp trong đời, gặp ở chợ, từ bóng lau trắng xóa như màu tóc mạ, từ trong hoàng hôn, từ vạt nắng xiên khoai hàng hiên nhà và từ trong rất nhiều bà mẹ của bạn bè, của đồng nghiệp. Đâu phải chỉ một “Ngày của mẹ” mà là một đời của mẹ. Chị gấp lại quyển thơ “Bông hồng cửa Phật”, nghe trái tim mình dịu dàng trong mùi hương ngập tràn

“Lòng mẹ/ Hương vi diệu/ Thơm/ Tràn cả biển dâu” (Hương)

Xuân An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Liều thuốc bổ” của mạ

Dù một năm về quê rất nhiều lần, nhưng mỗi lần gói ghém đồ đạc để về nhà mẹ con tôi đều bồi hồi, nôn nao khó tả. Chẳng cần gọi như “hò đò” vào mỗi buổi sáng, mới hơn 5 giờ sáng, tôi đang cựa mình để xem giờ thì lanh lảnh bên tai giọng con trai tỉnh rót, chẳng có chút gì ngái ngủ của một đứa trẻ 5 tuổi khi thức dậy sớm. Mấy giờ rồi mẹ, sáng chưa, để con dậy đi về ngoại… Những câu hỏi cứ dồn dập, cùng với hành động bật dậy dứt khoát, đi thẳng vào nhà vệ sinh để đánh răng, rửa mặt của cu cậu càng khiến niềm vui, sự háo hức khi chuẩn bị về quê của tôi được nhân lên.

“Liều thuốc bổ” của mạ
Mùa ớt the cay

Hôm nay, mạ tôi lại gọi cho tôi. Thói quen từ khi tôi rời nhà đi làm, hễ có món chi ngon thì bà lại gọi. Cá sòng kho xổi với ớt xanh, chỉ đơn giản như thế thôi nhưng qua cách mạ kể, tôi như nếm được vị mặn mòi của con cá biển hài hòa với chất ớt the cay.

Mùa ớt the cay
Con cháu tận tình

Mấy chục năm nay gia đình tôi sống ở khu chung cư Đống Đa (thành phố Huế). Nhà tôi ở là một căn hộ nhỏ trong một ngôi nhà dài mấy chục mét.

Con cháu tận tình
Vại muối chua của mạ

Như là của để dành để nhớ về thời đồ nhựa chưa được sử dụng rộng rãi như bây giờ, mạ tôi có cả một “bộ sưu tập” những lu, hũ, vại bằng sành xưa cũ. Những ngày cận tết, song song với bao công việc tất bật, thế nào bà cũng bê mớ đồ sành ấy ra để lau rửa và ướp những mẻ muối chua thật thơm ngon.

Vại muối chua của mạ
Hột muối của mạ

Mùa Vu Lan bỗng nhớ mạ nhiều hơn, dù người đã bảy năm rời cõi tạm.

Hột muối của mạ

TIN MỚI

Return to top