ClockThứ Tư, 17/01/2018 14:16

Khuyết chính sách hỗ trợ trẻ tự kỷ

TTH - Dù ngôn ngữ không khá hơn trẻ lên ba khi đã vào lớp 1 nhưng nhiều bà mẹ vẫn cho con học hòa nhập. Các em cần học “cái khôn” từ trẻ bình thường.

Nâng cao đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻỨng dụng phương pháp tiên tiến điều trị trẻ tự kỷGian nan dạy trẻ tự kỷLên tiếng vì môi trường an toàn cho trẻNghiên cứu mới: Mẹ sốt khi mang thai làm tăng nguy cơ tự kỷ ở trẻ

Cùng con đến trường

Chị Nguyễn Thị D, ở phường Phước Vĩnh (TP. Huế), không quên cảm giác hụt hẫng khi bác sĩ kết luận con mắc chứng tự kỷ. Ngay lúc nhỏ, chị nhận thấy những biểu hiện bất thường của con như lên 3 tuổi vẫn chưa thể nói được. Con có thể ngồi im hàng giờ, không trò chuyện, đùa nghịch. Trầm trọng hơn, cháu có những biểu hiện “tự hành xác”, như tự đập đầu vào tường hay nằm vật ra đất mỗi khi không hài lòng... Nhìn cậu con trai bụ bẫm, luôn sống thu mình, đôi mắt bao giờ cũng mơ màng như thể đang thuộc về một thế giới khác, chị buồn vô hạn.

Dạy trẻ tự kỷ làm quen với các con vật 

Đem con thăm khám, chị mừng như “bắt được vàng” khi nghe tiến sĩ tâm lý Nguyễn Bảo Uyên, Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng (TP. Huế) tư vấn: Tự kỷ chỉ là một hội chứng, không phải bệnh, không lây lan từ người này sang người khác. Nếu trẻ tự kỷ ở mức độ nhẹ được phát hiện và can thiệp sớm thì vẫn có thể hòa nhập cộng đồng. Trái tim người mẹ mách bảo, học hòa nhập là con đường tốt nhất để con chị quay lại cuộc sống bình thường như bao trẻ khác.

Có không ít trẻ đã được bố mẹ can thiệp sớm và có bước tiến dài hơn trên con đường học vấn. Tâm sự của một người mẹ có con học hòa nhập ở phường Tây Lộc (TP. Huế) làm tôi nhớ mãi. Một buổi chiều, chị đến xin cô giáo cho cháu ở lại lớp vì khó nhọc mãi con mới phát âm được. Cô điềm tĩnh trả lời, chị cứ cân nhắc cho kỹ, mỗi lớp chỉ được ở lại 1 lần, nếu 2 lần trở lên con chị mất cơ hội vào trường PTTH mà buộc phải học hệ bổ túc. Cô giáo ấy gieo vào chị niềm hy vọng… Không bỏ cuộc, mưa cũng như nắng, hai mẹ con lại cùng đến trường, cùng trải nghiệm cuộc sống từ những chuyến đi thực tế, cô con gái của chị giờ đã là nữ sinh trung học. Nhìn con tung tăng trong tà áo dài đến trường, chị thấy mình may mắn, nếu ngày ấy thiếu sự kiên trì, quyết đoán thì con chị sẽ mãi không có tương lai…

Hầu như các trường trong toàn tỉnh đều có trẻ tự kỷ học hòa nhập. Có trường nhiều thì gần 20 em, trường ít cũng 3 - 4 em. Đã có sự kỳ thị của chính người lớn khi lớp học xuất hiện trẻ tự kỷ. Vị hiệu trưởng của một trường trong thành phố kể lại, có lần bà đã chịu sức ép rất lớn từ 30 phụ huynh khi họ đồng loạt xin cho con chuyển lớp, thậm chí có người đòi chuyển trường khi cậu bé trong lớp không kiềm chế cảm xúc, đánh bạn vì bị trêu chọc.

Những lo ngại của phụ huynh, nhất là những người còn chưa hiểu về chứng tự kỷ, cộng với sự tưởng tượng, suy diễn… đã đẩy câu chuyện thành đề tài “nóng” về sự an toàn của hàng trăm học sinh trong trường. Sau vụ đó, nhiều bà mẹ có con tự kỷ cẩn trọng hơn, họ cho con trải qua một năm ở lớp “tiền tiểu học”. Một đồng nghiệp sau khi cho con tham gia lớp học này, kể lại con anh không còn "chạy ra chạy vào" trong giờ học, có thể ngồi nghiêm chỉnh nghe giảng khoảng 90 phút, giảm 80% hành vi "kỳ quặc" và có những tiến bộ đáng kể về tinh thần.

Chưa có chính sách dành cho trẻ tự kỷ

Trẻ tự kỷ không học theo chương trình chung, các em được dạy những kiến thức cơ bản cùng kỹ năng sống cần thiết. Thế nhưng, hầu như giáo viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu; các trường thiếu phương tiện, thiết bị hỗ trợ cho giáo dục trẻ khuyết tật dạng đặc thù. Nhiều cô giáo đến với trẻ chỉ bằng sự kiên trì, tình yêu nghề, yêu trẻ. Các em càng lớn, phụ huynh lại âu lo. Kiến thức các em dung nạp ngày càng nhiều mà phương pháp dạy cho trẻ vẫn theo kiểu truyền đạt, kinh nghiệm của người đi trước hoặc qua sách vở.

Đã có ý kiến đề đạt lên Sở Giáo dục và Đào tạo, mong muốn ngành giáo dục quan tâm hơn để mỗi trường có ít nhất một giáo viên chuyên biệt, giúp các em có cơ hội hòa nhập. Nguyện vọng chính đáng ấy khó thực hiện ở chỗ, trong các văn bản quy phạm pháp luật, trẻ rối loạn tự kỷ chưa được đưa vào danh mục trẻ khuyết tật nên đãi ngộ cho các giáo viên, hỗ trợ cho trẻ và gia đình trẻ trong việc tham gia trị liệu, giáo dục hay chăm sóc y tế... còn bỏ ngỏ.

Trẻ tự kỷ ngày có chiều hướng gia tăng. Đã đến lúc, các bộ, ngành liên quan cần đưa rối loạn tự kỷ vào danh mục xác định khuyết tật của các văn bản pháp luật nhà nước cũng như xây dựng tiêu chí chuẩn về chuyên môn nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên trong lĩnh vực can thiệp và giáo dục trẻ em có rối loạn tự kỷ. Ngành giáo dục nên mở mã ngành đào tạo giáo viên về tự kỷ cũng như thống nhất quản lý hệ thống dịch vụ chăm sóc giáo dục trẻ tự kỷ. Có thế, mới giải quyết tình trạng trẻ tự kỷ hòa nhập hiệu quả.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hệ thống thanh toán kỹ thuật số và lưới điện toàn khu vực ASEAN là chìa khóa liên kết khu vực

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan nhận định, một hệ thống thanh toán kỹ thuật số và lưới điện trải dài khắp tất cả các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính là chìa khóa để tạo nên mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các quốc gia trong khối khu vực.

Hệ thống thanh toán kỹ thuật số và lưới điện toàn khu vực ASEAN là chìa khóa liên kết khu vực
Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

Chiều 17/1, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP. Huế tổ chức phiên họp để tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự phiên họp có UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH Nguyễn Thanh Bình.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

TIN MỚI

Return to top