ClockThứ Ba, 04/05/2021 14:36

Khơi dậy ý chí lập thân, lập nghiệp trong thanh niên

TTH - Với tinh thần xung kích, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện Phong Điền cho thu nhập cao, có sức lan tỏa.

Tăng cơ hội “sống” cho các dự án khởi nghiệpKết nối nhà đầu tư thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo

Anh Nguyễn Hữu Nghĩa ở thôn Đại Phú, xã Phong Chương lập nghiệp với mô hình nuôi gà

Điển hình

Năm 2016, trên diện tích đất 1.000m2 của gia đình ở vùng cát trắng, anh Nguyễn Đăng Long (trú tại thôn 8, xã Điền Hòa, Phong Điền) đã mạnh dạn vay 60 triệu đồng, cộng với số tiền 40 triệu đồng tích cóp của hai vợ chồng xây dựng chuồng trại rộng 300m2 để nuôi 120 con heo thịt. Quá trình nuôi, anh Long nhận thấy đầu ra bấp bênh, hay bị thương lái thu mua ép giá và đàn heo hay bị dịch bệnh nên dẫn đến thua lỗ.

Một lần xem chương trình “Khởi nghiệp” trên kênh VTC16 về giới thiệu mô hình chăn nuôi và cung cấp con giống heo rừng của một thanh niên tại tỉnh Nghệ An, qua thông tin nắm bắt được, anh Long quyết định mua 11 con heo rừng giống chuẩn bị sinh sản với giá gần 80 triệu đồng về nuôi. Loại heo này có sức đề kháng cao, dễ nuôi, thức ăn chủ yếu có tại địa phương như: cỏ voi, bèo lục bình, rau củ quả và một số phế phẩm như hèm bia, cám công nghiệp...Qua quá trình nuôi, đàn heo rừng của anh ngày càng phát triển, tổng đàn đã trên 120 con.

Anh Long bộc bạch: Nuôi heo rừng khá đơn giản, dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc và ít dịch bệnh. Hơn nữa, chi phí thức ăn thấp, đầu ra luôn đảm bảo ổn định, giá cả lại khá cao, phù hợp cho tất cả những ai “mê” nuôi heo rừng. Năm 2020, anh Long xuất bán 3 lứa heo rừng, sau khi trừ mọi chi phí, anh thu về hơn 80 triệu đồng. Anh dự kiến thời gian tới sẽ mở rộng thêm chuồng trại, tiếp tục nhân giống, tăng đàn để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Đối với anh Nguyễn Hữu Nghĩa, thôn Đại Phú, xã Phong Chương, nhận thấy mô hình nuôi gà ri theo hướng tập trung là hướng đi tiềm năng, sau khi đi tham quan, học hỏi và được hướng dẫn kỹ thuật, năm 2012, anh Nghĩa vay 30 triệu đồng cùng với số tiền tích góp và mượn gia đình để đầu tư nuôi 1.000 con gà ri giống thương phẩm.

Anh Nghĩa tâm sự: Dù giống gà ri đem lại hiệu quả, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khắt khe với sản phẩm an toàn, sạch. Vì vậy, năm 2020, anh chuyển sang nuôi giống gà Lạc Thủy. Đây là giống gà bản địa có nguồn gen quý ở Việt Nam, có sức đề kháng cao, thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, chất lượng thịt thơm, ngon... Ban đầu, anh nuôi 3.000 con với mục đích phát triển mô hình gà thịt sạch, an toàn, không sử dụng các chất cấm, các chất tạo nạc. Ngoài sử dụng thức ăn chăn nuôi, anh còn tận dụng các nguồn thức ăn phụ phẩm sẵn có ở địa phương như thóc, ngô, rau...

Hiện, anh Nghĩa đã xây dựng trang trại thứ 2 để nuôi giống gà này với diện tích gần 2.000m2. Mỗi năm anh nuôi 3 lứa gà, mỗi lứa 4.000 con, với giá bán trung bình từ 50 – 75 nghìn đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, anh thu về hơn 100 triệu đồng. Ngoài nuôi gà, anh còn nuôi heo, cá với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm…

Hỗ trợ lập nghiệp

Thống kê của Huyện đoàn Phong Điền, trên địa bàn có 112 mô hình kinh tế có thu nhập từ 50 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm.

Điển hình như mô hình: nuôi bồ câu giống, bồ câu thịt của anh Đặng Văn Xuân (Điền Hòa); nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát của anh Mai Văn Hùng (Phong Hải); trồng cam V2, bưởi da xanh và nuôi vịt trời của anh Nguyễn Viết Nhân và Nguyễn Viết Danh (thị trấn Phong Điền); nuôi lợn thương phẩm của anh Nguyễn Hữu Trường Thi (Phong Chương)…

Anh Văn Công Dũng, Bí thư Xã đoàn Điền Hòa (Phong Điền) thông tin, nhiều mô hình thanh niên lập nghiệp có hiệu quả như nuôi heo rừng, bồ câu, trồng mai cảnh… được các đoàn viên chia sẻ kinh nghiệm trong các buổi họp, sinh hoạt xã đoàn, từ đó lan tỏa sang các đoàn viên. Hiện nay, Xã đoàn đang quản lý số vốn vay (thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội) là hơn 1,3 tỷ đồng và đang hỗ trợ về vốn vay cho các ĐVTN đã có gia đình, phát triển kinh tế.

Anh Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư Huyện đoàn Phong Điền cho biết: “Phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp trên địa bàn huyện tạo sức lan toả sâu rộng, thu hút nhiều ĐVTN vượt khó vươn lên làm giàu. Với ý tưởng táo bạo, mới mẻ, nhiều dự án, mô hình khởi nghiệp của thanh niên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của địa phương.

“Để có được kết quả đó, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động, đồng hành hỗ trợ vốn vay cho tất cả các ĐVTN. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội cho ĐVTN vay qua kênh Huyện đoàn hơn 36 tỷ đồng theo nhiều chương trình như: đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động…Hàng năm, Huyện đoàn phối hợp với các ngành chức năng mở 2 lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đối tượng ĐVTN, trong đó ưu tiên cho ĐVTN có các mô hình kinh tế gia trại, trang trại, tổ hợp tác; hướng đến thành lập HTX thanh niên, tạo ra nhiều việc làm mới, giúp ĐVTN vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, anh Vũ khẳng định.

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bốn mùa tình nguyện

Không kể mùa đông hay mùa hạ, mùa nắng hay mùa mưa, dấu chân tình nguyện của tuổi trẻ Huế đã đem đến cho đồng bào những con đường sáng, những ngôi nhà tinh tươm, những mảnh vườn được vun xới... Với những chàng trai, cô gái trẻ, đó là hành trình được cống hiến, được trưởng thành.

Bốn mùa tình nguyện

TIN MỚI

Return to top