Mây trời Lập An. Ảnh: Bảo Châu
Áng mây trên núi nhìn từ xa là dải lụa gọi mời lữ khách leo dốc. Con dốc nghiêng nghiêng có khi cần người leo chỉn chu từng bước chân kẻo nghiêng hẳn về một bên sẽ nguy hiểm. Vượt qua Hải Vân là vượt qua ngọn đèo nằm thắt leo hờ hững chực chờ trao cho biển để về với Huế.
Vừa qua khỏi cảm giác chông chênh trên đèo là đến với bình yên. Đổ hết dốc, rời xa mây, mở ra cả một vùng mênh mông Phú Lộc. Cảnh sắc Phú Lộc được áng mây vừa rời lưng núi cao kia choàng xuống, góp thêm chút mơ mộng về câu chuyện “cây đũa thần” gõ vào rồi bật dậy cả một vùng mênh mông phía nam Huế.
Thuở xa xưa, khi Huyền Trân công chúa vượt đèo vào Nam làm vợ vua Chàm Chế Mân, có khi nàng cũng ngoái nhìn lại vùng đất phía nam Đại Việt. Nơi chốn sóng-núi-nước hài hòa này cũng đành ghi lại câu ca Lý Qua Đèo cảm hoài, ai oán. “Chiều ơ chiều. Dắt bạn… Đèo qua đèo…”.
Nếu như Hải Vân dành cho người mến thương mây thì Phú Lộc dành cho người thương mến nước. Nước trải dài phẳng phiu nằm sẵn từ bao thế kỷ nơi đầm An Cư nuôi sống nhiều loài thủy sản đặc hữu. Nước vỗ về bờ biển Lăng Cô trong vùng vịnh êm ả. Nước kéo dài thêm một đoạn lên phía bắc cho cái eo cong quyến rũ nơi Chân Mây. Hai vùng vịnh nằm sát nhau, được che chở tránh gió to bão dữ, kiên nhẫn đợi giây phút thức giấc thực sự.
Người bạn kiến trúc sư của tôi mỗi khi từ Nam ra đều nhất quyết đi bằng đường bộ, để cảm nhận cảm giác khoan khoái đổ dốc đèo Hải Vân xuôi về Phú Lộc. Anh thường lấy giấy bút ra ký họa những khoảnh khắc đổi thay của thời tiết nơi Lăng Cô, Chân Mây. Anh rất thích vẽ mây. Những dải mây vắt ngang lưng núi. Những khối mây tạo thành dáng hình trên bầu trời biển. Tầm 4 giờ chiều, mây ở Bắc Hải Vân - Lăng Cô đẹp lắm. Nhiều hình thù kỳ lạ. Không phải ai nhìn mây cũng có chung hình dung về một hình thù nào đó mà phải tùy tâm trạng và sự liên tưởng sâu trong ký ức mỗi người. Cùng một đám mây nhưng người thì nhìn ra hoa hồng, người thì nhìn ra hai người đang hôn nhau…
Đoạn anh bạn dừng bút vẽ, trầm ngâm: “Phú Lộc liệu có thể chỉ vực dậy bằng mỗi một ngành du lịch hay không?”. Tôi dự định nói với anh về những dự định, kế hoạch phát triển sắp triển khai ở vùng đất này, nhưng rồi lại do dự khi nghĩ về những dự định to tát hàng bao nhiêu năm chưa nên hình hài ở Chân Mây – Lăng Cô. Bạn như đọc được ý nghĩ tôi, rồi vừa hỏi như trả lời: “Cần phải có một ngành công nghiệp nào đó ở đây làm điểm tựa như trục xương sống, đúng không?”.
Tôi nhìn ra vùng cát mênh mông cuối mũi Chân Mây và hướng cả tầm mắt qua vùng khu 3 Phú Lộc. Khoảng cách tưởng mênh mông mà lại rất gần gũi. Chỉ cần quyết tâm làm một con đường ven biển thật rộng rãi, nối những nhịp cầu vững chãi thì bao nhiêu khoảng cách sông - đầm không còn nữa. Con đường từ trung tâm TP. Huế về Chân Mây – Lăng Cô ắt hẳn sẽ nhộn nhịp. Liệu vùng cát này sẽ là điểm đến hấp dẫn của 10 ngàn nhân lực ngành công nghệ thông tin mà Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đào tạo trong 10 năm tới? Công nghệ thông tin! Một lĩnh vực công nghiệp hoàn toàn “xanh và sạch”, phù hợp hướng đi của đô thị mang nét đặc thù như Thừa Thiên Huế.
Trong văn hóa Phật giáo, hình ảnh “những áng mây bay” chứa ẩn ý về thành tựu đạt được của những vị chân tu luôn nuôi dưỡng lý tưởng Bồ đề, đã tiệm cận cảnh giới tươi mát, thiện lành. Các vị ấy không còn bị ràng buộc bởi bất cứ sắc dục, danh vọng, bạc tiền, quyền uy thế tục nào. Họ thanh thoát như áng mây, đủ năng lực vượt qua nhiều hệ lụy, đi vững chãi trên con đường yêu thương và hiểu biết. Từ hình tượng “áng mây bay” trong Phật giáo tôi liên tưởng về vùng đất Phú Lộc nhiều mây của tôi.
Giả dụ Phú Lộc của tôi là một vị tu tập trường kỳ qua hàng hàng thế hệ rồi thì đã đến lúc vị này có cơ hội thoát khỏi “sợi dây buộc cũ kỹ”. Phú Lộc ắt phải đi trên con đường riêng của mình. Bước đi cần phải quyết liệt và táo bạo hơn một chút. Phải bỏ lại đằng sau những bước chân chậm rãi, vẫn phải bước đều nhưng tốc độ cần đẩy nhanh lên. Áng mây đang được thời cơ của ngọn gió trợ lực, của quyết tâm từ lãnh đạo, của khát vọng thế hệ trẻ Huế. Ngọn gió trợ lực đẩy mây bay cũng sẽ đến từ những người con xa quê.
Đi xa quê mới thấu hiểu ước mong ngày trở về nhà của mỗi con người Huế. Thật lạ kỳ! Người Huế nào tôi gặp cũng đau đáu về quê cha đất tổ. Dường như có một lời nguyền nào đó từ thuở sơ khai về sự níu kéo không dứt của đất Huế đối với người ra đi. “Đừng để cuối đời rồi mới về dưỡng già ở Huế. Hãy kêu gọi người trẻ quay trở về Huế!”, lời đau đáu của anh bạn tôi lúc vừa vẽ xong một bức mây. Về để ngắt một áng mây nơi vùng trời Phú Lộc này, cài lên tâm tưởng tươi mới để trỗi dậy những hành động đúng đắn vốn đã ấp ủ qua chuỗi ngày âm thầm, làm sáng lên một cực phát triển thịnh vượng ở phía nam xứ Huế!
Lần này, tôi lại chọn vượt đèo Hải Vân lúc hoàng hôn. Áng mây vẫn thường trực lưng chừng ngang núi. Sang xuân, mây nhường những khoảng trống vừa đủ cho ánh mặt trời soi rọi xuống sáng rực cả một vùng Phú Lộc. Bất giác, tôi nhìn thấy bên trên khoảng xanh đầm Cầu Hai - Thủy Tú một áng mây hình con voi giương vòi. “Voi giương vòi” – tín hiệu của niềm vui, tươi mới đang đến. Ở đó, nơi địa danh có tên Phước Tượng cũng có một tảng đá hình con voi với đôi mắt như cười đang nhìn lên những áng mây bay.
Bùi Xuân Hòa